EU hậm hực với Anh vì nước này đã khiến EU phải đối mặt với nguy cơ “tan đàn xẻ nghé”, mất đi vị thế, uy tín là một khối liên minh thành công nhất trong lịch sử thế giới.
Lãnh đạo của 3 nước thành viên hàng đầu trong EU gồm Đức, Pháp và Italia hôm qua (27/6) đã thẳng thừng khước từ lời đề nghị của Anh về những cuộc đối thoại không chính thức nhằm bàn bạc, vạch ra một bản phác thảo thoả thuận về sự ra đi của nước này trước khi một tiến trình đàm phán chính thức được khởi động.
Những nhà vận động hành đầu của Anh trong vụ Brexit (nước Anh rời khỏi EU) đã đưa ra đề xuất về các cuộc họp công khai không chính thức với EU và đề xuất này được Thủ tướng Anh David Cameron chấp thuận.
Tuy nhiên, khi đề xuất trên được đưa đến cho các nhà lãnh đạo EU, họ đã bác bỏ ngay lập tức. Thủ tướng Đức Angela Merkel lạnh lùng tuyên bố, “chúng tôi nhất trí với nhau rằng sẽ không có bất kỳ cuộc đối thoại chính thức hay không chính thức nào với Anh” cho đến khi Điều 50 được đưa vào áp dụng. Điều này có nghĩa là, EU không muốn nói chuyện với Anh cho đến khi London chính thức “đệ đơn ly hôn”.
Bà Merkel đã đưa ra tuyên bố trên ở thủ đô Berlin sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi.
Đương nhiên là lãnh đạo của phe Brexit ở Anh tức điên lên với lập trường của EU bởi họ định tranh thủ thời kỳ chuyển giao quyền lực hiện tại để tiến hành phác thảo một thoả thuận với Liên minh Châu Âu.
Kể từ khi Anh quyết định “dứt áo ra đi”, nước này bỗng chốc trở thành “tội đồ” của EU và họ nhận được thái độ “ghẻ lạnh” chưa từng có của giới lãnh đạo liên minh - nơi London từng có tiếng nói và ảnh hưởng hàng đầu.
Một loạt lãnh đạo trong EU đồng loạt lên tiếng kêu gọi thúc đẩy Anh nhanh chóng làm thủ tục để “cuộc ly hôn” cay đắng này diễn ra càng sớm càng tốt. Rõ ràng, khi “tình thân mến thân” đã hết, người ta chỉ muốn chia tay nhau càng sớm càng tốt. London muốn bắt đầu tiến trình đàm phán về thủ tục cho Anh rời EU vào tháng 10 sau khi ông Cameron trao lại quyền điều hành đất nước cho một nhà lãnh đạo mới.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo trong EU hoàn toàn không muốn như vậy. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thúc giục Anh sớm thay lãnh đạo trong vài ngày tới để tiến trình đàm phán về Brexit diễn ra nhanh nhất có thể. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng muốn Anh hành động ngay lập tức theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - điều ước quy định về tiến trình pháp lý chính thức để Anh rời khỏi liên minh.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker hôm 24/6 đã phát biểu: “Đây không phải là một cuộc ly hôn dễ chịu nhưng dù sao đi nữa đó không phải là một cuộc tình gắn bó. Tôi không hiểu tại sao chính phủ Anh lại phải cần đến tháng 10 mới có thể quyết định việc có gửi lá đơn ly hôn đến Brussels hay không. Tôi muốn nó ngay lập tức”. Tổng thống Pháp Francois Hollande thêm vào: “Đây sẽ là điều gây đau đớn cho Anh nhưng… giống như mọi cuộc ly hôn khác, nó cũng đau đớn cho những người ở lại”. Rõ ràng, ông Hollande muốn nhắc Anh rằng, cần phải sớm thúc đẩy tiến trình “ly hôn” để tránh gây đau đớn lâu dài.
Ngoài những diễn biến như trên, gần đây, một vị lãnh đạo trong EU thậm chí còn kêu gọi từ bỏ việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính của EU. Tất nhiên, điều này là không thể xảy ra nhưng nó cũng cho thấy một sự thực là nhiều quan chức trong Liên minh Châu Âu đang “ghét” Anh như chưa từng được ghét ai đó.
Một trong những động thái khiến người ta dễ nghĩ là hành động “đe doạ, trả thù” của EU đối với Anh là việc liên minh này tuyên bố luật chơi sẽ thay đổi đối với London.
Phát biểu trên chương trình Today ngày hôm qua, nghị sĩ Đức Michael Fuchs - một đồng minh cấp cao của Thủ tướng Angela Merkel, đã nói rất rõ rằng, mọi thứ sẽ phải thay đổi đối với Anh. “Bạn hoặc là ở trong một câu lạc bộ hoặc là ở bên ngoài câu lạc bộ đó. Nếu bạn ở trong một câu lạc bộ, bạn phải tuân thủ theo luật chơi. Nếu bạn ở bên ngoài câu lạc bộ đó, sẽ có những luật chơi khác.
Khi được hỏi liệu Anh có thể tiếp tục được tiếp cận thị trường chung của EU hay không, ông Fuchs cho biết: “Điều đó là có thể nhưng tất nhiên không phải tự do và miễn phí. Bạn sẽ phải tiếp cận như Na-uy và Thuỵ Sỹ. Nghĩa là bạn phải trả một khoản phí nhất định”.
Sự quay ngoắt thái độ của EU là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi quyết định Brexit của Anh đã giáng một đòn choáng váng vào EU, đẩy liên minh này phải đối mặt với một thách thức lớn chưa từng có đối với sự sống còn của họ.
Lập trường “ghẻ lạnh” của EU đối với Anh khiến Mỹ cũng phải lo ngại. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua phải lên tiếng cảnh báo, 27 nước thành viên EU không nên có thái độ trả thù đối với Anh.