Nhưng đối với những cô dâu ngoại quốc, kỳ nghỉ càng dài đồng nghĩa với việc họ càng stress, phần lớn vì những khác biệt về văn hoá và rào cản ngôn ngữ.
“Ở Campuchia, tôi rất mong chờ các kỳ nghỉ lễ truyền thống. Đó là lúc chúng tôi xúng xính mặc quần áo đẹp, chuẩn bị đồ ăn ngon và cùng bố mẹ đi đền chùa”, Nagre, 34 tuổi, kể lại. Cô kết hôn với chồng là người Hàn Quốc từ năm 2007 và hiện sống ở thủ đô Seoul. “Nhưng ở Hàn Quốc, đó lại là điều rất căng thẳng và mệt mỏi. Vào kỳ nghỉ lễ, có lúc tôi cảm thấy mình như một chiếc máy. Tôi đeo tạp dề cả ngày để chuẩn bị đồ ăn rồi lại dọn bát đĩa”.
Sống cùng bố mẹ chồng, chồng lại là con cả, nên mọi việc trong nhà đều một tay con dâu trưởng đảm trách. Tệ hơn nữa là cô không biết nói tiếng Hàn.
“Khi mới đặt chân tới đây và không biết tiếng Hàn, tôi không biết phải làm gì. Lúc nào tôi cũng lo mình phạm lỗi gì đó. Chúng tôi chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể”, Nagre cho biết.
Ở một xã hội mà tư tưởng phân biệt về giới vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức, không chỉ các cô dâu ngoại, mà ngay cả phụ nữ Hàn cũng không tránh khỏi tình trạng căng thẳng mỗi dịp đoàn tụ gia đình vào kỳ nghỉ lễ.
Theo nghiên cứu của M-Brain Trend Monitor với 1.000 nam giới và nữ giới ở độ tuổi 19-59, 88% cho rằng Tết Trung thu là lúc phụ nữ rất vất vả. Khoảng 69% nói rằng đây là ngày “lao động khổ sai” với phụ nữ.
Tuy nhiên, đa phần những gánh nặng này trút lên vai của cô dâu ngoại quốc, những người chưa thể thực sự thấm nhuần văn hoá trọng nam ở Hàn Quốc. Theo Nagre, ở Campuchia, đàn ông và phụ nữ thường cùng nhau nấu ăn và dọn dẹp. Nhưng ở Hàn Quốc thì không. Đàn không nói chung không giúp phụ nữ việc gia đình.
Đối với Nena, 44 tuổi, thách thức lớn nhất là chuẩn bị bữa ăn cho “charye”, một nghi thức truyền thống để tưởng nhớ tổ tiên. “Chúng tôi đi mua sắm và chuẩn bị từ ít nhất một tuần trước khi lễ Chuseok bắt đầu. Tôi từng bị ăn mắng vì không biết cách làm sao cho đúng”, người phụ nữ gốc Philippines cho hay.
Một vấn đề khác là trong những ngày lễ truyền thống, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt mà phụ nữ cần nhớ khi sắp xếp đồ trên bàn hay chuẩn bị bữa ăn. Các quy tắc này đôi khi còn phức tạp với cả người Hàn Quốc.
“Mỗi lần làm bánh vào ngày lễ, tôi thường bị đau lưng. Đã bao năm trôi qua, tôi vẫn luôn cảm thấy căng thằng mỗi khi lễ Chuseok đến gần”, Nena than thở.
Theo số liệu thống kê của chính phủ đến cuối năm 2016, hơn 152.000 người ngoại quốc kết hôn với người Hàn và sinh sống ở nước sở tại. Trong số đó, 82% là phụ nữ, phần lớn đến từ các nước châu Á.
Nhiều người trong số họ đến từ các vùng nông thôn, xuất thân từ những gia đình đông con và có mối quan hệ thân thiết với họ hàng, hàng xóm. Ở Hàn Quốc thì không được như vậy, nên Tết Trung thu có phần “kém vui”.
Nena hồi tưởng, ở Philippines, cô cũng mất nhiều thời gian để nấu nướng đồ ăn ngon cho gia đình, nhưng không hề cảm thấy mệt nhọc mà lại rất vui và đằng khác. Có những dịp, gia đình cô làm thịt một con lợn, mời hàng xóm qua chơi và cùng dùng bữa. Không khí đầm ấm khác hẳn nơi cô đang sinh sống.
Ngoài những điều kể trên, nhiều cô dâu ngoại tâm sự rằng nỗi cô đơn mới là lý do lớn nhất khiến họ coi mỗi kỳ nghỉ là gánh nặng. “Nhìn chung, cuộc sống của tôi ở nơi này khá thoải mái. Gia đình nhà chồng đối xử với tôi rất tốt. Nhưng tôi vẫn cảm thấy cô đơn. Ước gì bố mẹ cũng ở đây. Tôi rất nhớ họ”, Nena trải lòng.