Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề. Nhiều người băn khoăn không biết nên chi tiêu Tết như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh, lại mang đến cho gia đình một cái Tết trọn vẹn, ý nghĩa.
Mới đây, trên mạng xã hội, một gia đình ở Hà Nội khiến nhiều người choáng khi tiết lộ sẽ chi 100 triệu đồng tiêu Tết. Cụ thể, vợ chồng anh T. có 2 con nhỏ, hiện đang làm kinh doanh với nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng.
Chính vì vậy, anh quyết định đến Tết sẽ biếu bà nội 50 triệu đồng, do bà đã giúp đỡ anh chị trông con suốt một năm qua.
Ngoài ra, vợ chồng anh T. cũng biếu ông bà nội - ngoại 2 bên 20 triệu đồng, tiền mừng tuổi 14 triệu đồng, sắm Tết 10 triệu đồng, các khoản phát sinh 10 triệu đồng...
Trong bảng chi tiêu Tết của gia đình, anh T. dành phần lớn số tiền để biếu bố mẹ 2 bên."Các khoản chi tiêu Tết của gia đình tôi cao là do tôi biếu tiền bà nội cả năm trông cháu. Còn lại các khoản khác là khoảng 50 triệu đồng. Về cơ bản thì đây cũng là con số bình thường so với thu nhập của chúng tôi", anh T. chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, khoản tiền tiêu Tết của vợ chồng anh T. khá cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Ngoài ra, một số người nhận xét việc anh liệt kê khoản tiền cảm ơn mẹ chăm cháu vào dịp Tết là không hợp lý.
Anh T. cho biết bố mẹ anh chỉ là lao động bình thường, không có lương hưu. Vì vậy, đến Tết, anh biếu mẹ tiền để thể hiện lòng biết ơn với bà.
Trong khi đó, gia đình chị M. ở Phú Xuyên (Hà Nội) đang lập kế hoạch chi tiêu Tết với khoản ngân sách 5 triệu đồng.
Vợ chồng chị kết hôn được 5 năm và có một bé 3 tuổi. Tết luôn là khoảng thời gian đầy áp lực đối với chị, bởi cả hai vợ chồng đều làm công nhân với thu nhập không cao. Sau khi nhận lương hàng tháng, hầu hết số tiền được dùng để trả nợ vay mua nhà và trang trải sinh hoạt gia đình.
Chị chỉ có thể tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng để phòng ngừa những tình huống bất ngờ hoặc lo cho con khi ốm đau.
Cụ thể với 5 triệu đồng, chị M. dự định chi tiêu những khoản sau:
- Quà Tết cho gia đình 2 bên nội ngoại: 1,5 triệu đồng.
- Trang trí nhà cửa: 500.000 đồng.
- Lì xì cho trẻ nhỏ và người lớn: 1 triệu đồng.
- Mua thực phẩm ngày Tết: 1 triệu đồng.
- Dự phòng và các chi phí phát sinh: 1 triệu đồng.
Tết thường được nhắc đến như một kỳ nghỉ, nhưng thực tế chỉ kéo dài 3-4 ngày. Để tiết kiệm chi phí, chị M. dự định mua thực phẩm và tự chế biến để giảm bớt chi tiêu. Với các công việc như trang trí nhà cửa hay những việc khác, nếu có thể tự làm, cô sẽ ưu tiên tự tay thực hiện.
"Theo mình, định nghĩa Tết đủ đầy, tươm tất ở mỗi nhà, mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy tùy thuộc vào điều kiện của gia đình để chi tiêu hợp lý, miễn sao Tết vẫn vui vẻ, ấm cúng mà không gây áp lực tài chính," chị M. chia sẻ.