Nhắc đến thuật ngữ váy cocktail, người ta thường liên tưởng đến những phòng chờ đầy khói hoặc những quán rượu thanh lịch, nhưng chính xác thì nó là gì?
Theo định nghĩa tiêu chuẩn, váy cocktail là "chiếc váy ngắn phù hợp cho những dịp trang trọng". Hoặc như nữ diễn viên Jean Arthur từng giải thích trong bộ phim "The Ex-Mrs. Bradford" năm 1936, đó là "thứ để đổ cocktail vào”.
Ngay từ khi ra đời, váy cocktail đã không bị ràng buộc bởi bất kỳ tiêu chuẩn nào liên quan đến hình dáng, màu sắc, chất liệu vải, nhưng nhìn chung, chúng phải đáp ứng được nhu cầu “vừa sang trọng vừa thoải mái” cho phụ nữ. Phái nữ sẽ mặc váy cocktail đến các buổi tiệc, dạ hội, quán rượu có không khí trang trọng nhưng bao trùm trên đó là cảm giác vui tươi, thả lỏng.
Tất nhiên, váy cocktail không thể nổi tiếng nếu cocktail không trở thành món uống phổ biến đến mức được đưa vào từ điển Mỹ năm 1803. Đồ uống có cồn thường xuyên xuất hiện trong thực đơn ở Mỹ và châu Âu trong suốt những năm 1800, nhưng không một người phụ nữ Victoria đáng kính nào sẵn lòng nhấm nháp chúng ở nơi công cộng.
Tất nhiên, họ cũng sẽ không mặc những chiếc váy được đặt tên theo một thói quen đầy tội lỗi. Đến năm 1910, hình ảnh phụ nữ uống đồ uống có cồn dần được chấp nhận và văn hóa cocktail bắt đầu thực sự phát triển sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Chẳng bao lâu, váy cocktail đã trở thành trang phục được ưa thích nhất trong các bữa tiệc trước bữa tối.
Mặc dù không phải phụ nữ nào cũng đủ táo bạo để mặc váy ngắn và để tóc bồng bềnh trong suốt những năm 1920, nhưng thời kỳ này vẫn được ghi nhớ là kỷ nguyên của những cô nàng cá tính. Các cô gái trẻ theo đuổi lối sống độc lập không ngại đứng lên chống lại các lề lối của xã hội xưa cũ. Họ đến các câu lạc bộ, nhảy điệu Charleston và hút thuốc lá với một ly cocktail trên tay.
Tương tự như “happy hour” (giờ hạnh phúc) của thời hiện đại, các quán rượu sẽ phục vụ cocktail từ 6 đến 8 giờ tối. Đây chính là lúc phụ nữ nhận thấy họ cần một bộ trang phục có khả năng tạo ra vẻ ngoài không quá cầu kỳ vào ban ngày và không quá giản dị vào buổi tối.
Trong nhiều năm, các hãng thời trang đã sử dụng phụ kiện như mũ, vòng cổ, găng tay…như giải pháp tối ưu nhất giúp các quý cô chuyển đổi phong cách của một bộ trang phục.
Lệnh cấm của Mỹ (cấm bán rượu từ năm 1920 đến năm 1933) khiến khái niệm váy cocktail trở nên hư hỏng, trong khi thực tế là hàng triệu người vẫn tiếp tục uống rượu thường xuyên.
Trong thời gian này, thị trường buôn bán rượu bất hợp pháp hoạt động vô cùng sôi nổi. Những người giàu làm dịu nỗi đau bị cấm đoán bằng cách du ngoạn đến London, Paris, Cuba, rồi đem những khía cạnh mới của văn hóa cocktail toàn cầu về Mỹ. Các cuộc tụ họp được tổ chức với tần suất dày đặc khiến nhu cầu về váy cocktail cũng tăng cao trở lại.
Ngày 15 tháng 5 năm 1927, lần đầu tiên váy cocktail được đề cập trực tiếp trên tạp chí Vogue dưới hình ảnh một chiếc váy Patou làm bằng "vải tuýt nam tính". Đến năm 1930, thuật ngữ “váy cocktail” được sử dụng thường xuyên hơn. Năm 1931, tạp chí Harper's Bazaar ca ngợi mẫu váy này có thiết kế “vô cùng hiện đại”.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929 và cuộc suy thoái kinh tế trước đó đã làm thay đổi hoàn toàn các chuẩn mực trong xã hội. Những chiếc váy dạ tiệc với kiểu dáng ôm, xẻ tà, dài đến mắt cá chân thống trị thời trang nữ những năm 1930 được thay thế bằng những chiếc váy ngắn, hình trụ, tiện lợi và năng động. Tình hình kinh tế khó khăn khiến văn hóa cocktail không còn phổ biến nhưng những chiếc váy cocktail thì vẫn sống khỏe mạnh nhờ tính thực tế.
Những tác động tàn khốc của Thế chiến thứ hai gây ảnh hưởng rõ rệt đến văn hóa cocktail. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, các bữa tiệc cocktail lại một lần nữa hồi sinh. Thời trang nữ thời điểm này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bộ sưu tập "New Look" của Christian Dior năm 1947. Những chiếc váy bó ở eo với phần chân váy phồng to trở thành biểu tượng cho thời trang sang trọng.
Khái niệm “váy cocktail” thực sự được sử dụng rộng rãi vào cuối những năm 1940. Thuật ngữ này cũng là một chiến lược marketing ranh mãnh nhằm thu hút những khách hàng Mỹ thích rượu, thích tổ chức tiệc tùng và thích trưng diện cho các dịp cocktail.
Năm 1950 đến 1960, những buổi tụ tập cocktail trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội của người Mỹ. Bất cứ ai cũng có thể tham gia tiệc cocktail, bất kể địa vị hay thu nhập, nhưng tiếp viên và khách mời vẫn phải tuân thủ một số quy tắc nhất định.
Váy cocktail (ngắn và sành điệu) chính là yêu cầu bắt buộc với tất cả mọi người trong những bữa tiệc như vậy. Trong cuốn tự truyện năm 1957 "Christian Dior và tôi", nhà thiết kế lừng danh người Pháp đã tuyên bố cocktail là "biểu tượng xuất sắc của lối sống Mỹ".
Khoảng thời gian giữa 1970 và 1990 được coi là thời kỳ đen tối đối với những người đam mê cocktail thật sự. Máy pha chế trở nên phổ biến và các buổi tiệc cocktail bán trang trọng thì dần biến mất. Vào cuối những năm 1960, phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu bắt đầu tổ chức tiệc uống rượu tại nhà trong trang phục quần ống rộng và áo liền quần, váy cocktail bỗng trở thành một món thời trang mơ hồ và xa xôi.
Những năm 2000 được cho là thời kỳ phục hưng của văn hóa cocktail. Tất nhiên, "thời kỳ hoàng kim" hiện đại này gắn liền với những quán bar sành điệu, những người pha chế bảnh bao, những công thức đồ uống mới lạ và những bộ trang phục hào nhoáng của khách khứa. Các nghi thức cocktail xưa kia không còn được tuân thủ chặt chẽ nữa.
Ngày nay, bạn có thể thoải mái mặc bất cứ thứ gì mình thích đến tiệc cocktail. Và chiếc váy tiệc tùng này cũng có thể xuất hiện ở mọi nơi, từ đám cưới, tiệc sinh nhật, cho đến các sự kiện thời trang và giải trí độc quyền.
Xem thêm: Phương Oanh và Shark Bình vẫn tình tứ đánh golf sau loạt ồn ào.