Trở thành người mẫu không phải chuyện dễ dàng, nhất là trước áp lực giảm cân cực kỳ khắc nghiệt để đáp ứng yêu cầu về hình thể chuẩn. Người mẫu ảnh “dễ thở” hơn vì dù sao nhiếp ảnh gia cũng cần các đường cong nóng bỏng để bìa tạp chí trở nên cuốn hút và dễ bán hơn. Nhưng với người mẫu trình diễn trang phục, ngoại hình càng mỏng càng có lợi thế. Thậm chí vẻ đẹp “da bọc xương” size 0 từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn để nhà thiết kế lựa chọn người mẫu trình diễn cho bộ sưu tập.
Theo lý giải của cựu người mẫu Krystle Kelley, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các nhà thiết kế muốn khoe trang phục của họ chứ không phải khoe người mẫu. Bà cho biết: “Họ muốn sản phẩm của mình thu hút khách hàng và từ đó bán được hàng. Vì thế, cách tốt nhất là nhấn vào váy áo, giày, phụ kiện… chứ không phải là vào người mẫu. Các bộ sưu tập cũng thường được thiết kế cho người mẫu có thân hình “da bọc xương” với cỡ gần như nhỏ nhất là size 0 cho đến size 2 để khách hàng không chú ý vào vòng 1 hay vòng 3 gợi cảm mà tập trung toàn bộ vào trang phục khi người mẫu đang sải bước trên sàn diễn”.
Chính vì thế, một yêu cầu nghiệt ngã đã vô tình đặt ra cho giới chân dài làng mẫu là muốn sống được với nghề, buộc họ phải tìm cách giảm cân bằng bất cứ giá nào. Các chế độ ăn hà khắc nhằm giảm tối đa lượng calo thu nạp, hành xác cơ thể với rượu, thuốc lá và chất kích thích, thậm chí là ăn khăn giấy để mất cảm giác đói… đều được nhiều mẫu trẻ lẫn mẫu thành danh áp dụng.
Vốn có thân hình cao lớn, người mẫu Trang Khiếu từng bị trầm cảm nặng vì ép mình giảm cân cấp tốc nhằm tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tại kinh đô thời trang New York. “Tôi nhịn ăn nhưng vẫn phải tập thể dục nên sức khỏe đi xuống, tinh thần mệt mỏi. Mà vừa ốm được một tý, ăn thoải mái một bữa là lại tăng liền 2 kg”.
Cựu siêu mẫu Anh Carre Otis cũng từng chìm sâu trong nạn giảm cân vô tội vạ. Cô đã rất khó xử khi người hâm mộ gửi thư nhờ chỉ bí quyết giữ được thân hình thon thả đáng mơ ước. Carre Otis chỉ có thể mượn vài bí quyết giảm cân lành mạnh của tạp chí để trả lời, trong khi sự thật để giảm được vài kg cân nặng, siêu mẫu này đã phải trải qua những tháng ngày dài mệt mỏi “làm bạn” với thuốc lá, cà phê và các chất kích thích khác.
Hầu như mỗi ngày Carre Otis phải dùng từ 4 - 6 tách cà phê đen, ít sữa tách béo, và hút vài gói thuốc lá để tránh bị cảm giác đói dày vò. Dù cà phê, thuốc lá giúp cơ thể tăng năng lượng, nhưng tác động từ nicotine và caffeine, cũng như cơn đau dạ dày liên tục đã luôn hành hạ chân dài này trong suốt thời gian sống trong nghề mẫu. “Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ và thậm chí còn bị ảo giác, nhưng lại không thể ngủ được. Chính vì vậy cuối cùng tôi, cũng như bao đồng nghiệp khác, phải dùng đến thuốc ngủ để tìm kiếm vài giờ nghỉ ngơi thật sự vào mỗi buổi tối”, người đẹp cho biết.
Mẫu nam nổi tiếng của Ireland, Dubliner Sam Homan, cũng thẳng thắn thừa nhận mình từng gặp nhiều vấn đề về ăn uống khi mới vào nghề. Hầu như ngày nào anh cũng chỉ làm bạn với thực đơn nghèo nàn chỉ có bông cải xanh và thịt gà, và phải móc họng để tự nôn thức ăn 2 lần mỗi tuần. Có thời gian chàng trai Ireland này chỉ còn mỗi da bọc xương, với phần xương sườn lồ lộ.
Dù đã lấy lại thói quen ăn uống khỏe mạnh, nhưng Sam Homan vẫn còn lo sợ vì xung quanh anh, nhiều mẫu nam đang mắc chứng bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ chết người này: “Các anh bạn này chỉ toàn da và xương, nhưng lại luôn thức dậy với suy nghĩ thường trực mình quá béo và sẽ không ăn gì hết để giảm cân như mong muốn”.
Trong khi đó, những nạn nhân của cái gọi là chuẩn size 0 cũng không thể công khai thực tế đen tối của mình, vì áp lực từ các đơn vị quản lý người mẫu. “Bí mật nghiêm trọng” mà hầu như người mẫu nào cũng phải hiểu: “Các giám đốc casting luôn đòi hỏi người mẫu phải gầy và mỏng hơn nữa. Thậm chí 1 người mẫu để được chọn làm người mẫu cho mùa thời trang New York vào năm 2004, bốn người bạn của cô ấy đã ép cân đến mức nhập viện. Trong khi những người khác phải ăn giấy ăn hay bông gòn để chúng nở ra, lắp đầy dạ dày giúp giảm bớt cảm giác đói và thèm ăn hoặc chỉ uống nước thay cơm.
Chính vì áp dụng chế độ ăn hành xác mà hầu như người mẫu nào hoạt động trong làng thời trang quốc tế đều gặp vấn đề về ăn uống và dạ dày, thậm chí không ít người mẫu, cả nam lẫn nữ đã bị chứng rối loạn ăn uống hành hạ. Hậu quả là họ sẽ mất kiểm soát, một là ăn quá nhiều, hai là sợ và không thể ăn, dẫn đến bị trụy tim mạch. Nhẹ hơn sẽ là các vấn đề phổ biến như răng ố vàng do hút thuốc và dùng cà phê. Men răng bị ăn mòn do axit dạ dày tiết quá nhiều khi đói, và thậm chí là vì tự móc miệng để nôn thức ăn ra sau mỗi bữa cơm. Móng tay cũng vàng sạm, khô giòn và rất dễ gãy…
Nguy hiểm hơn, nhiều mẫu trẻ đã suýt chết, hoặc mất mạng thật sự vì ám ảnh tăng cân hoặc vì chuẩn “heroin chic”, chuẩn size 0 tàn nhẫn này. Cựu siêu mẫu Carre Otis cũng từng trải qua những giây phút cận kề cái chết vì biếng ăn. Sau 20 năm nhịn đói, tim của Carre Otis gặp vấn đề nghiêm trọng: “Trong tim của tôi có đến 3 chỗ hỏng và tôi phải làm phẫu thuật để cắt bỏ khẩn cấp. Chính ca phẫu thuật này đã cứu lấy cuộc đời còn lại của tôi. Giờ đây, tôi nhận ra rằng ánh hào quang của nghề mẫu không xứng đáng để tôi đánh đổi bằng sức khỏe và tính mạng của mình”.
Nỗi ám ảnh về cân nặng cùng với chế độ ăn uống khắc nghiệt có thể khiến nhiều siêu mẫu mắc phải chứng biếng ăn. Đây là một dạng rối loạn ăn uống có tỷ lệ tử vong cao. Năm 2006, thế giới sửng sốt sau cái chết của siêu mẫu Brazil 21 tuổi, Ana Carolina Reston. Khi ấy, với chiều cao 1,72m, Ana chỉ nặng 40kg do ăn táo và cà chua trong một thời gian dài. Một số trường hợp còn ngất xỉu và chết ngay trên sàn diễn thời trang như Luisel Ramos ở tuần thời trang Montevideo tại Uruguay năm 2006.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người mẫu không thể dừng lại. Vì ám ảnh size 0 và yêu cầu thân hình “da bọc xương” trong làng mốt mà họ đã tự biến mình thành những bộ xương di động, rồi sau đó qua đời vì chứng rối loạn ăn uống. Một danh sách dài những cái tên - những người mẫu xinh đẹp, tưởng chừng tương lai tươi sáng nhưng rồi phải chết trẻ vì thảm họa này như chân dài Brazil Ana Carolina Reston; chị em mẫu Uruguay: Luisel Ramos, 22 tuổi và Eliana Ramos, 18 tuổi; người mẫu, diễn viên Isabelle Caro; mẫu nam Jeremy Gillitzer…
Cái chết tức tưởi của họ đã gióng lên từng hồi chuông cảnh báo nguy hiểm, buộc nhiều NTK phải nhìn nhận lại thực trạng đau lòng này. Đã có nhiều hành động tích cực hơn để ngăn chặn nạn ép cân theo size 0, như trường hợp Victoria Beckham đã kiên quyết từ chối người mẫu size 0 trình diễn cho BST của mình trong Tuần lễ thời trang New York năm 2010 hay các ông lớn thời trang danh giá của Ý như Prada, Versace và Armani đã ra tuyên bố cấm người mẫu size 0 xuất hiện trên sàn diễn của nhãn hàng…
Những ca tử vong đột ngột vì kiệt sức đã dấy lên những cuộc đấu tranh phản đối phong trào “người mẫu gầy”. Nhưng đến nay, việc sở hữu những thân hình “size 0” vẫn là mơ ước của nhiều mẫu trẻ. Bởi lẽ, không ít thương hiệu vẫn còn giữ thói quen thiết kế đồ mẫu theo cỡ nhỏ nhất.