Từ ngày phát hành, The Queen's Gambit chưa bao giờ rời khỏi top những phim được quan tâm nhất trong những tháng cuối năm của Netflix. Bộ phim nói về hành trình trở thành Đại kiện tướng cờ vua của thần đồng cờ vua người Mỹ, Beth Harmon (do Anya Taylor-Joy thủ vai).
Bên cạnh những trận đấu đáng kinh ngạc, cảm hứng thời trang năm 60s của phim cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Nhà thiết kế trang phục có trụ sở tại Berlin, Gabriele Binder đã mang đến cho nữ chính một tủ quần áo chứa đầy ý nghĩa, biểu tượng và thông điệp ẩn.
Dưới đây là hành trình phát triển của trang phục cùng sự trưởng thành của nhân vật Beth Harmon.
1. Đầu phim, Beth Harmon không có khả năng kiểm soát tủ đồ của mình
Thời gian sống trong trại trẻ mồ côi và gia đình mới, Harmon không có quyền tự chủ về phong cách riêng. Hiệu trưởng của trại trẻ, bà Deardoff buộc cô phải từ bỏ chiếc váy mà mẹ đã thêu tên cô trên đó. Sau đó, Harmon được phát cho một bộ váy giống với các bạn khác trong tòa nhà. Màu xanh nhạt trên chiếc váy cũ của cô sẽ xuất hiện trở lại ở phần cuối phim.
Sau khi được nhận nuôi, Harmon tiếp tục mặc chiếc váy yếm của trại trẻ mồ côi. Mẹ nuôi Alma mua cho cô bộ quần áo mới nhưng là hàng hạ giá lỗi thời. “Harmon cảm thấy lạc lõng so với các bạn nữ ở trường nhưng cô vẫn cần tìm ai đó để kết nối. Vì không có người thật, cô ấy tự hướng sự chú ý của mình đến bộ váy ma nơ canh mặc ở cửa hàng” - nhà thiết kế trang phục Binder giải thích.
2. Sau chiến thắng đầu tiên, Harmon mạnh dạn tự quyết định phong cách ăn mặc của mình
Với số tiền thưởng 100 USD, Harmon ngay lập tức đến cửa hàng bách hóa để mua một bàn cờ và chiếc váy kẻ sọc trên ma nơ canh. Đây là lần đầu tiên cô y có quyền kiểm soát tiền bạc, trang phục và tương lai của mình. Vì thế đây là chiếc váy tượng trưng cho sự độc lập. Nhà thiết kế chọn họa tiết kẻ cho váy để biểu thị bàn cờ vua.
3. Harmon thường đi giày màu đen trắng
Nữ chính bị các bạn chế giễu về kiểu giày da lỗi thời nhưng sau đó cô đã có sự thay đổi. Giày của nhân vật Harmon là kiểu oxford màu đen, trắng, cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho hai bên cờ vua.
4. Càng thành công, Harmon càng tự do trong định hướng thời trang
Đồng thời, cô cũng bắt đầu có sự tự do khi kết bạn. Harmon và Benny Watts đều là những người có tính nổi loạn, khác thường. Họ không mang hình ảnh mọt sách như người ta vẫn thường nghĩ về các kỳ thủ đấu cờ, nhưng họ cũng không bị đám đông chế giễu về sự khác thường của mình. Nhân vật Watts được mặc đồ da, dắt dao ở thắt lưng và đội một chiếc mũ cao bồi. Còn Harmon thì liên tục được diện những bộ cánh sành điệu. Cùng với nhau, họ đại diện cho sự phản văn hóa những năm 1960.
5. Harmon dùng thời trang để củng cố chiến thắng
Trong tập bốn, Harmon đã có cuộc chiến khó khăn với cậu bé 13 tuổi người Nga, Georgi. Khi tạm niêm phong ván đấu, Georgi đã nói về sự ngưỡng mộ các ngôi sao người Mỹ, như Elvis Presley, Debbie Reynolds và Elizabeth Taylor. Sáng hôm sau, Harmon xuất hiện bên bàn cờ trong một chiếc áo không tay màu vàng và chân váy trắng, giống như trang phục của Elizabeth Taylor tại Oscar năm 1961. Kết quả là cậu bé Georgi đã thua. Tất nhiên Harmon là một cao thủ cờ vua, nhưng cô cũng rất khôn khéo khi sử dụng đòn tâm lý - gợi hình ảnh nữ diễn viên yêu thích của đối thủ để họ mất tập trung.
6. Trong trận đấu ở Paris, Beth Harmon mặc váy giống viên thuốc an thần
Khi còn ở trại trẻ mồ côi, Harmon bị nghiện thuốc an thần màu xanh lá cây. Harmon tin rằng thuốc an thần giúp cô hình dung ra cả ván cờ nên đã phụ thuộc vào chúng để giành chiến thắng. Trước khi đấu với đại kiện tướng cờ vua Nga, Vasily Borgov, cô uống thuốc nhưng vẫn thua. Nhà thiết kế cho cô mặc chiếc váy giống với màu thuốc để nhấn mạnh sự phụ thuộc của cô vào thuốc an thần. Sau ván đấu, Harmon cần nhận ra chiến thắng hay thất bại không liên quan đến thuốc an thần.
7. Sau cái chết của mẹ nuôi, Harmon bắt đầu mặc quần áo giống bà
Tại Paris, Harmon không chỉ thua ván cờ quan trọng mà còn mất đi người mẹ nuôi yêu quý. Trong cảnh này, Harmon mặc một chiếc áo ba lỗ màu xanh nhạt và áo khoác len hồng, ngược lại với bộ đồ mẹ Alma mặc trong tập trước. Nhà thiết kế muốn thể hiện sự đau buồn của nhân vật khi mất đi người thân duy nhất.
8. Áo đơn sắc thể hiện sự thoải mái của nhân vật
Khi không phải thi đấu, Harmon thường mặc đồ màu trắng, phối cùng đường kẻ đen. Trang phục tối giản thể hiện lối sống đơn giản, thoải mái, phóng khoáng của nhân vật. Tất nhiên màu đen, trắng lại có dụng ý biểu thị cho bàn cờ vua.
9. Áo khoác báo hiệu chiến thắng
Trong thời gian ở Moscow, Nga, Harmon mặc chiếc áo chiến thắng được thiết kế bởi André Courrèges. Binder nói với Vogue: “Chiếc áo có phom dáng rất mạnh mẽ, thể hiện sự tự tin. Tôi muốn thể hiện hình ảnh chiến thắng cho nhân vật”. Binder đặt tên cho chiếc áo là ‘Beth's Pride Coat’ như một tuyên bố táo bạo rằng chiến thắng đang đến gần.
10. Harmon gợi nhớ đến quê hương trong chiến thắng cuối cùng
Trong tập đầu tiên, Harmon mặc váy xanh nhạt khi ngồi trên chiếc ô tô gặp tai nạn thảm khốc. Trong tập cuối, cô cũng mặc váy xanh khi đánh bại đại kiện tướng cờ vua Nga, Vasily Borgov. Binder nói với Vogue: “Màu sắc của chiếc váy thể hiện ý thức về 'nhà' (quê hương) của Beth Harmon. Chúng tôi sử dụng màu này để gợi lên cảm giác người mẹ vẫn luôn ở bên cô ấy. Ban đầu, màu xanh của Harmon thể hiện sự mong manh. Nhưng đến cuối, nó là biểu tượng cho sự mạnh mẽ. Đồng thời nó cũng mang ý nghĩa cô ấy sắp được trở về nhà”.
11. Trang phục trong tập cuối của Harmon
Sau chiến thắng cuối cùng, Harmon cũng khoác lên người trang phục cuối cùng của phim. Cô mặc một cây trắng toát, áo khoác trắng, mũ trắng, găng tay trắng. Binder nói với Vogue: “Ý tưởng của tôi là biến cô ấy thành nữ hoàng trên bàn cờ vua và bàn cờ chính là thế giới”.