Sau khi đệ đơn xin phá sản, Forever 21 đã được 3 công ty mua lại. Nhiều thương hiệu nhỏ hơn, bao gồm Wildfang & Word, đã từng cáo buộc công ty sao chép áo phông của họ vào năm 2017.
Forever 21 cũng bị Ariana Grande đâm đơn kiện đòi bồi thường 10 triệu USD vào năm 2019. Luật sư cho biết nhà bán lẻ này đã cố tình dùng người mẫu giống với Ariana để lôi kéo khách hàng. Hãng cùng sử dụng clip từ bài hát của nữ ca sĩ để quảng cáo miễn phí thương hiệu.
Sau chuỗi ngày lao đao, Forever 21 vẫn tiếp tục đi vào vết xe đổ.
Amber Richele, một nhà thiết kế 35 tuổi, đã rất sốc khi một trong những người theo dõi instagram gửi cho cô đường link bán chiếc áo phông của Forever 21. “Cô gái, đây là áo của cô phải không?” - Người đó nhắn. Chiếc áo làm thủ công của Richele có giá 45 đô la (1,043,010 VNĐ), nhưng Forever 21 chỉ bán với mức 15 đô la (347,670 VNĐ).
Để làm ra một chiếc áo, Richele phải mất hàng giờ, tự bỏ tiền mua nguyên liệu, phối màu, thử nghiệm, chụp hình, tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay. Điều trái ngang hơn là mẫu áo này hiện đang bán chạy hàng top trên trang web của Forever 21.
Nhà thiết kế khai trương cửa hàng Amber Richele vào giữa tháng 5 vì dịch COVID-19 khiến nơi cô đang làm việc phải đóng cửa. Richele nói: “Trong nhiều năm, tôi đã ấp ủ ước mơ tạo ra một dòng quần áo của riêng mình. Nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu”.
Thật bất ngờ, trong thời gian ở nhà vì đại dịch, các sản phẩm sáng tạo trên TikTok đã truyền cảm hứng cho cô. Richele quyết định tự may quần áo rồi đăng quá trình làm việc lên blog và youtube. Ban đầu, cô chỉ muốn làm một bộ cho mình nhưng những người theo dõi lại hỏi cô có định bán không.
Gia đình hết sức ủng hộ ý tưởng kinh doanh thời trang của Richele. Cô bắt tay vào thành lập thương hiệu và trở thành ‘nữ hoàng thuốc nhuộm’. “Tôi là kiểu người khi đã đam mê điều gì đó, tôi sẽ dốc toàn lực. Tôi sẽ làm việc không ngừng nghỉ cho đến khi hoàn thành. Tôi lên kế hoạch kinh doanh, xin giấy phép, chuẩn bị web bán hàng tất cả chỉ trong 3-4 ngày. Sau đó tôi bắt đầu tập trung thiết kế quần áo” - Cô nói với Insider.
Từ tháng 5, Richele đã tạo ra 31 tác phẩm, thử nghiệm vô số màu sắc để chuẩn bị cho bộ sưu tập mùa hè và mùa thu. Cô không có nhân viên. Một mình cô làm tất cả, kể cả công đoạn đóng gói. “Nhờ sự ủng hộ của mọi người nên tôi mới có đủ khả năng thanh toán các hóa đơn và nuôi gia đình.
Bạn có biết rằng bạn đang hỗ trợ một người làm mọi thứ trong gara như tôi?” - Richele chia sẻ sự biết ơn vì nhãn hàng của cô được yêu thích.
Richele cho biết: “Tôi làm mẫu áo này từ tháng 6 và nó là một trong những mặt hàng nổi tiếng nhất ở shop của tôi. Vậy mà họ lại ăn cắp thiết kế của tôi, sản xuất hàng loạt, thuê nhân công rẻ, dùng vật liệu rẻ để làm nhái lại.
Họ bán nó với giá rẻ bằng một nửa. Tôi thật sự tức giận khi nhìn thấy họ làm việc như vậy. Forever 21 nổi tiếng về việc ăn cắp ý tưởng. Họ thường nhắm vào các nhà thiết kế độc lập, đặc biệt là khi nhìn thấy những mẫu phối màu độc đáo. Họ vẫn luôn bị chỉ trích về cách làm này nhưng họ vẫn tiếp tục làm”.
Cô mong rằng mọi người không chỉ tập trung vào các thương hiệu lớn mà còn nhìn vào các cửa hàng nhỏ: "Hỗ trợ một doanh nghiệp nhỏ đồng nghĩa với việc bạn đang chắp cánh cho ước mơ của ai đó, bạn cũng đang trực tiếp làm phát triển nền kinh tế địa phương. Bạn đang góp phần hỗ trợ sự sáng tạo và tinh thần kinh doanh cho mọi người”.
Hiện Richele đã liên hệ với luật sư sở hữu trí tuệ để yêu cầu Forever 21 xóa chiếc áo khỏi trang web bán hàng. Một phát ngôn viên của Forever 21 cho biết: “Chúng tôi đã biết về cáo buộc này và đang trong quá trình xem xét. Chúng tôi luôn tôn trọng tài sản trí tuệ hợp lệ của các bên thứ ba".