Câu chuyện ngày hôm nay kể về nhà thiết kế trẻ Nguyễn Minh Tuấn, mang trong mình dòng máu nghệ thuật nhưng lại sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến khốc liệt thậm chí là nguy hiểm này khiến bao người ngưỡng mộ nể phục.
Trò chuyện với Tuấn sau khi anh hoàn thành ca trực đêm tại Bệnh Viện Hồi Sức Covid (Thủ Đức), tôi không khỏi xúc động với những câu chuyện, kỉ niệm và trải nghiệm của anh trong quá trình làm thiện nguyện ở bệnh viện.
- Cảm xúc và sức khỏe của NTK Nguyễn Minh Tuấn thế nào sau khi kết thúc ca trực đêm?
Tuấn hoàn toàn khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực. Về cảm xúc thì mình mang nhiều năng lượng và cảm xúc tích cực. Từ khi tham gia tình nguyện tại bệnh viện, mình đã tập thói quen chỉ lưu giữ những cảm xúc vui vẻ để khi vào ca, gặp bệnh nhân, mình có thể truyền cho họ những niềm vui đó.
Trò chuyện, trêu đùa, tâm sự với các người bệnh để họ vui hơn. Muốn làm được điều đó thì bản thân phải vui vẻ, tinh thần thoải mái trước đã.
- Bố mẹ và gia đình phản ứng thế nào khi bạn tham gia tình nguyện kiểu này?
Bố Tuấn tuy bất ngờ nhưng vẫn ủng hộ con trai trước lựa chọn này. Nhưng mẹ lại rất sốc, ban đầu mẹ khóc và phản đối rất nhiều. Bà nói "cả nước ai cũng trốn chạy dịch mà con lại lao thân vào nơi dịch căng nhất." Tuấn là con một trong gia đình nên mẹ nói vậy cũng dễ hiểu.
Tuấn đã mất một thời gian tương đối để thuyết phục mẹ. Hiện cứ 2 ngày mình lại gọi điện hỏi thăm bố mẹ và "báo cáo" tình hình bản thân để bố mẹ yên tâm. Còn mẹ thì ngày nào cũng cầu nguyện cho mình và các bạn trong nhóm.
- Công việc cụ thể của Tuấn trong ca trực là gì?
Hiện mình đã đi tình nguyện được 13 ngày rồi. Nhiệm vụ ca trực của mình có thể liệt kê như sau:
+ Kiểm tra, thu gom thùng rác tại các phòng bệnh, để nó luôn sạch sẽ và không bị đầy.
+ Đảm bảo vệ sinh trong các phòng bệnh, nếu xuất hiện dơ, vết máu, nước tiểu... mình sẽ lấy dung dịch khử khuẩn, đồ lau để dọn sạch.
Trong quá trình đi thu rác, mình sẽ vào từng phòng bệnh, hỏi thăm bệnh nhân xem ai có cần giúp gì không, có đau mỏi ở đâu không.
Những bệnh nhân nhẹ thường tự làm được mọi việc nhưng với bệnh nhân nặng họ rất mệt mỏi cần hỗ trợ từ việc uống nước uống sữa, lau mặt, buộc lại tóc tai cho đến thay tã, thay bỉm, lau mồ hôi cơ thể cho bệnh nhân giúp họ thoải mái hơn...
Đặc biệt với những ca bệnh chuyển biến nặng bị hôn mê, không còn ý thức. Tình nguyện viên chúng mình phải thường xuyên để mắt trước mọi dấu hiện bất thường của họ để báo ngay cho bác sĩ, y tá biết mà hỗ trợ kịp thời. Dù có điều dưỡng ở viện nhưng số lượng khó có thể đáp ứng được.
Với những bệnh nhân còn tỉnh táo họ rất cô đơn, đau đớn hoang mang và lo lắng cho tương lai của mình. Nhiều bệnh nhân suy nghĩ tiêu cực rằng cứ vào viện là có thể sẽ tử vong. Điều đó khiến tinh thần đi xuống kéo theo tình trạng bệnh sẽ xấu đi.
Tình nguyện viên phải làm tâm lý để họ vui vẻ thoải mái hơn. Không chỉ trò chuyện, động viên mà nhiều khi mình còn hát, nhảy múa, tấu hài để mang lại tiếng cười cho họ.
- Tuấn có được huấn luyện về kiến thức y tế trước khi nhận nhiệm vụ không?
Sau khi đăng ký tên vào danh sách tình nguyện, mình được tham gia tập huấn online về các kiến thức cần thiết nhất do các bác sĩ đầu ngành hướng dẫn.
Sau đó hai ngày tập huấn online, mình làm bài test. Khi bài test đạt yêu cầu, mình được tư vấn qua điện thoại xem có nên đi tình nguyện không và xem đã sẵn sàng để tham gia chưa.
Khi được chọn, mình được xe bus đón lên bệnh viện. Tại đây một lần nữa lại tập huấn tập trung với tất cả các tình nguyện viên khác.
Tiếp theo là chia thành từng nhóm nhỏ để đi khảo sát thực tế, tận mắt tai nghe về việc chống dịch trong bệnh viện. Thực hành trực tiếp về việc mang đồ phòng hộ, rửa ray, tiếp xúc rác thải, tiếp xúc F0 như thế nào cho an toàn.
Nghe tưởng chừng rất đơn giản như việc mặc đồ, rửa tay trẻ con cũng làm được. Nhưng tất cả tình nguyện viên đều phải tập trung 100% nơ-ron thần kinh để nghe - ghi nhớ - làm chính xác. Bởi nếu chỉ sai một li thôi, hậu quả sẽ đi một dặm.
- Công việc phải tiếp xúc với nhiều rủi ro như máu, nước tiểu, rác thải y tế, những ngày đầu nhận nhiệm vụ Tuấn có sợ không và làm thế nào bạn vượt qua được nỗi sợ đó?
Xa xôi một chút xíu đó là gia đình Tuấn là mang nghiệp võ. Bố của mình là bộ đội nên từ nhỏ đã được rèn luyện sự dũng cảm, lòng can đảm và ý chí vượt khó khăn.
Có thể mọi người mới chỉ biết về NTK Nguyễn Minh Tuấn chuyên thiết kế váy áo, "nhí nhố" trong những clip sống ảo mà chưa biết mình vốn là cậu trai rất lỳ, rất chì trước mọi việc.
Và khi đã xác định đi theo tiếng gọi thiện nguyện thì Tuấn không sợ gì cả. Nếu sợ thì làm sao chống dịch được chứ.
Nhưng covid-19 là căn bệnh truyền nhiễm. Mình có thể không sợ nhưng vẫn phải biết cách giữ gìn cho bản thân và người thân. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện nghiêm túc và thật chuẩn các nguyên tắc phòng, chống dịch mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.
- Vậy có nghĩa hiện tại Tuấn cũng như các tình nguyện viên khác đang sống trong khu cách ly, cuộc sống trong đó thế nào, có đầy đủ không?
Bất cứ ai khi đã bước vào cuộc chiến chống dịch đều phải tự coi mình là F0 để nâng cao tinh thần cảnh giác hết sức.
Tuấn và các bạn tình nguyện hiện đang ở khu cách ly riêng là một nhà thiếu nhi ở quận 9. Hàng ngày được xe bus đưa tới bệnh viện và đón về khu cách ly.
Cuộc sống tại đây thoải mái, vui vẻ, hầu hết là các bạn trẻ, ai cũng đồng lòng và quyết tâm cống hiến sức trẻ theo lời kêu gọi của đất nước. Tại đây có không gian, có người trò chuyện nên không hề cảm thấy bí bách như khi giãn cách tại nhà riêng.
Mình không thiếu thốn gì cả. Được ăn các suất cơm rất ngon, đa dạng món và hợp khẩu vị từ thành đoàn, ban tuyên giáo và các đơn vị ủng hộ. Các mạnh thường quân cũng thường xuyên ủng hộ các nhu yếu phẩm cũng như trái cây, bánh sữa.
- Đã ở trong tuyến đầu được một thời gian rồi, Tuấn thấy điều khó khăn nhất trong nhiệm vụ này là gì?
Chắc mọi người sẽ bất ngờ lắm, không phải sợ virut, không phải sợ bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy cấp mà điều khó khăn hơn cả chính là việc mặc bộ đồ phòng hộ (cười).
Bộ đồ phòng hộ dùng trong bệnh viện dày và rất nóng, rất khó vận động, di chuyển. Bình thường bạn lau mặt, với tay lấy món đồ nào đó hoặc đi lại rất đơn giản. Nhưng khi mang bộ đồ đó, mọi thứ như tăng độ khó lên gấp đôi gấp ba. Chưa kể đến việc bê đỡ bệnh nhân, khuân vác đồ nặng, lau chùi ở những vị trí khó như gầm giường, gầm bàn...
Đặc biệt là nó rất nóng rất bí, thiếu ôxy. Mồ hôi bên trong bộ đồ phòng hộ chảy như suối nên rất khó chịu và ngứa nhưng cũng không thể thò tay vào mà gãi được. Nếu mặc lâu, chính mồ hôi chảy ra không thoát hơi lại ngấm ngược vào cơ thể dễ gây cảm lạnh và kiệt sức.
Trong một ca trực kéo dài 10- 12 tiếng ( cả trực đêm lẫn ngày), nhóm sẽ chia nhau luân phiên để có người ở ngoài nghỉ, sau đó lần lượt tiếp sức cho nhau chứ nếu mặc nguyên bộ đồ đó 12 tiếng chắc không ai chịu nổi.
- Có ca trực nào khiến bạn ám ảnh không?
Thời gian tuy chưa dài nhưng Tuấn cũng đã gặp hết các ca ở đủ các tình trạng bệnh. Trường hợp khiến mình ám ảnh nhất, mỗi khi nhớ lại đều rùng mình đau xót đó là một bệnh nhân nữ trên 50.
Cô đã rơi vào tình trạng mê sảng mất ý thức. Hôm đó mình qua phòng dọn rác và chăm sóc bệnh nhân. Mình đứng chết trân khi thấy cô mắt nhắm chặt nhưng miệng gào thét rất to.
Trong cơn vô thức, cô kể lại những đau đớn, mất mát, tội lỗi, sai lầm, những điều chưa làm được của cuộc đời. Cô gọi tên con trong nước mắt. Cô cầu cứu con cái. Chân tay vẫy vùng rất mạnh, cơ thể co giật nên các y bác sĩ đã cột lại vì sợ cô vô tình kéo ống thở của mình ra.
Mình và mọi người trong phòng không ai cầm được nước mắt trước cảnh tượng đó. Cô nhập viện khi bệnh trở nặng trong cô đơn, không người thân hỏi thăm, không biết tin tức gì về gia đình nên càng hoảng loạn.
Trở về khu cách ly, lòng mình nặng trĩu nỗi buồn. Thậm chí mình còn mơ thấy cô trong giấc ngủ. Mong cô sớm khỏe lại.
Những bệnh nhân còn tỉnh táo lại khổ sở theo nhiều cách. Người lo sợ không qua khỏi, người lo cho gia đình. Có người nghèo quá lại lo ra viện sẽ sống như nào với tình hình dịch bệnh này. Có người cả nhà phân tán khi cách ly thì đau đáu tìm thông tin người thân đang ở đâu...
Tận mắt chứng kiến những sự ra đi trong đau đớn, cô đơn, hoảng loạn ấy, mình như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục chiến đấu.
- Việc đi tình nguyện này có ảnh hưởng tới công việc thiết kế đồ của Tuấn không?
Theo chỉ thị 16 thì mình cũng đóng cửa tiệm, nhân viên cũng về quê tránh dịch rồi nên không có ảnh hưởng gì. Lúc rảnh Tuấn chỉ thực hiện một số clip để giữ tương tác với bạn bè, khách hàng trên trang cá nhân thôi.
Tuấn thấy việc đi tình nguyện là quyết định vô cùng đúng đắn. Một đợt kéo dài một tháng. Sau đó Tuấn sẽ cách ly 15 ngày nữa, tổng cộng là 45 ngày. Nếu sau đó tình hình dịch vẫn căng thẳng, có thể mình sẽ đăng ký đi tiếp để góp công sức nhỏ bé cho thành phố.
- Được mệnh danh là nhà thiết kế của các Hoa hậu, việc bạn đi thiện nguyện nhận được nhiều lời tán dương. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Nguyễn Minh Tuấn chỉ đang đánh bóng tên tuổi. Bạn nói sao về điều này?
Tuấn sống đơn giản nên nghĩ cũng đơn giản lắm. Điều gì tốt, tích cực thì mình cố gắng thực hiện và lan tỏa. Qua đây, Tuấn cũng xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã ủng hộ Tuấn.
Còn với những người cố tình nghĩ mình rảnh quá, mình bao đồng hay thậm chí là gồng lên đánh bóng tên tuổi thì cũng kệ họ thôi.
Thẳng thắn mà nói, Tuấn rất thích những ai đánh bóng tên tuổi bằng việc làm thiện và giúp đỡ mọi người, vì càng giúp được nhiều người thì càng tốt vì miễn sao không vi phạm pháp luật là được.
Việc chê bai hay dè bỉu người làm việc thiện mà khoe đã quá cũ kỹ và lỗi thời, hãy xem đó là 1 phong trào tốt và cần cho xã hội.
Đối với Tuấn, đứng nơi chiến tuyến đầu dịch, tính mạng còn không sợ thì mấy lời thị phi đó không là gì cả. Thanh xuân ngắn lắm, tuổi trẻ ngắn lắm, hãy cứ công hiến khi còn có thể.
- Tận mắt chứng kiến những cuộc giành giật sự sống cho bệnh nhân covid-19 nơi tuyến đầu, Tuấn có lời nhắn nhủ nào tới bạn bè, độc giả và cộng đồng không?
Mình là Nguyễn Minh Tuấn, tình nguyện viên tại Bệnh Viện Hồi Sức Covid, mình tha thiết mong mọi người hãy cài đặt ý thức ở chế độ cao nhất trong việc phòng và chống dịch. Không được lơi là và mất cảnh giác với bất kì ai, bất cứ khâu nào.
Từ việc bỏ khẩu trang sau khi sử dụng đến việc rửa tay đúng - đủ. Từ việc hạn chế ra ngoài cho đến việc giữ khoảng cách khi tiếp xúc...
Mong tất cả hãy cùng đồng lòng trong cuộc chiến này để đánh đuổi được giặc covid-19.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của NTK Nguyễn Minh Tuấn, chúc bạn luôn mạnh khỏe và cống hiến được nhiều hơn nữa!