Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Thời trang

Chuỗi ngày 'lâm trận' ở kinh đô thời trang: Cát-xê không như mơ lại còn 'chia năm xẻ bảy'

Để chính thức sải bước trên những sàn diễn quốc tế, những người mẫu Việt phải trải qua những chuỗi ngày casting kinh khủng.

Nhiều người chỉ thấy “bề nổi” của nghề người mẫu, chỉ thấy vẻ hào quang rực rỡ trên sân khấu, cũng như cho rằng, họ “kiếm cơm” nhờ khuôn mặt. Song, thực tế lại khác. Để có thể trở thành siêu mẫu sải bước trên sàn diễn quốc tế những cô gái trẻ phải bỏ ra rất nhiều công sức, phải trả giá bằng mồ hôi và nước mắt.

Mỗi khi có tuần lễ thời trang hoặc một show thời trang được tổ chức, cũng là lúc hàng trăm người mẫu sẽ quy tụ để casting. Hiểu nôm na, đây là việc chọn người mẫu cho các show. Mỗi chương trình, mỗi nhà thiết kế có một tiêu chí riêng để chọn người mẫu cho show. Chính vì thế, trong suốt sự nghiệp của mình, hiếm chân dài nào có thể trúng tuyển mọi show mà họ tham gia casting.

Ngoại trừ những người mẫu danh giá được mời tham dự, tất cả các người mẫu đều phải cầm trên tay hồ sơ casting khi tham dự (portfolio). Vị giám đốc và các thành viên trong bộ phận casting đáng kính sẽ xem xét hồ sơ của bạn chỉ trong 10 giây thôi. Đôi khi bạn trải qua được “81 kiếp nạn” chỉ để được lời từ chối nhẹ nhàng không có “bonus” một lời giải thích. Thế mới thấm nhuần câu nói “vạn sự khởi đầu nan”.

Mệt mỏi vì đi bộ

Không chỉ gặp vấn đề về sự phân biệt giới tính, người mẫu Việt muốn khẳng định bản thân đều phải trải qua thử thách… đi bộ và cả lạc đường vì tới một chốn xa lạ.

Đi bộ hàng giờ dưới nắng, mưa và cái lạnh trời Tây… Đây là trải nghiệm mà mọi chân dài như Minh Tú, Kha Mỹ Vân, Đỗ Hà đều thừa nhận là đã trải qua. Thậm chí, có lần vì casting trên giày cao gót, đôi chân của Kha Mỹ Vân đã bị tước đến rỉ máu. Nếu không có sức khỏe tốt, người mẫu rất khó trụ nổi tại các tuần lễ thời trang thế giới vì tốc độ “chạy show” liên tục và căng thẳng.

Hoàng Thùy từng thổ lộ, có hôm cô đã bật khóc trên đường vì lạnh quá mà phải đi đến nhiều điểm casting.

Lệch múi giờ, không quen thời tiết

Thông thường, vì điều kiện kinh tế, các người mẫu sẽ tới tham dự tuần lễ thời trang khá sát giờ. Vì vậy, họ cũng phải làm quen với việc lệch múi giờ hay sự thay đổi thời tiết tại nơi mình tới. Hoàng Thùy từng chia sẻ, cô phải mất cả tuần mới quen được với múi giờ lệch tới 12 tiếng và thời tiết lạnh từ -5 tới -20 độ C.

Trong một buổi chụp ảnh tại Paris, Kha Mỹ Vân cũng từng phải diện trang phục mong manh dưới tiết trời 15 độ C .

Buồn ngủ, đói lả người

Trở về từ tuần lễ thời trang New York 2015, người mẫu Minh Tú từng chia sẻ, lịch trình làm việc của cô là thức dậy từ 7 giờ sáng, đi ngủ sau 24h và casting ít nhất 5 show mỗi ngày. Với lịch làm việc dày đặc tương tự, người mẫu đã quá quen với việc buồn ngủ và… đói bụng.

Lê Thúy, á quân Vietnam’s Next Top Model cũng từng tiết lộ có ngày cô phải chạy tới 12 buổi casting, phải chịu đựng cảnh mưa, đói và thiếu ngủ trầm trọng. Đây cũng là câu chuyện quen thuộc với chân dài Thùy Trang. “Những ngày đầu tiên khi đặt chân đến Milan, tôi phải cố gắng tập thích nghi với sự chênh lệch múi giờ, cứ đến tầm chiều tà, là tôi buồn ngủ díp cả mắt.”

Người mẫu tranh thủ chợp mắt để lấy sức chống chọi cho tới cuối ngày.

Nói chi đâu xa xôi, ở Việt Nam mức độ “khắc nghiệt” cũng chẳng thua kém gì khi ra nước ngoài. Suốt thời gian diễn ra các người mẫu gần như ăn ngủ ở hậu trường, họ bận rộn với lịch casting, thử đồ, make-up…

Cát-xê không như mơ lại còn “chia năm xẻ bảy”

Không phải cứ xuất hiện tại các sàn diễn thời trang quốc tế, mặc đồ của nhà thiết kế nổi tiếng mà người mẫu có thể mơ tới mức thù lao “khủng” như những gì siêu mẫu đình đám Linda Evangelista từng nói: “Không ra khỏi giường khi không được trả 10.000 đô la mỗi ngày”.

Bên cạnh đó, chi phí sinh sống ở trời Tây cũng vô cùng đắt đỏ. Kha Mỹ Vân từng tiết lộ, cô tiêu hơn 1.000 đô la (hơn 20 triệu đồng) mỗi tháng cho việc thuê nhà, di chuyển và sinh hoạt phí. Vì vậy phải rất tiết kiệm, người mẫu mới có thể trụ nghề bằng tiền kiếm được.

Về cát-xê show diễn, Trang Khiếu từng cho biết, cô được 7 triệu đồng cho show diễn ở tuần lễ thời trang London và còn phải trả 45% cho công ty quản lý.

Bị nhà thiết kế loại ngay trong chớp mắt

Thị trường thời trang nào, dù lớn hay nhỏ, vẫn có sự cạnh tranh giữa các người mẫu với nhau để tìm cho mình một chỗ đứng. Nhưng cạnh tranh ở môi trường quốc tế khốc liệt hơn nhiều lần. Theo miêu tả của Trang Phạm, để vượt qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người mẫu đến từ khắp nơi trên thế giới, đó thực sự là cuộc đấu trí.

“Thế giới có nhiều công ty người mẫu, nhưng không dễ để vào được agency lớn. Nếu gia nhập agency nhỏ, cơ hội của bạn sẽ rất hạn hẹp, người ta không biết đến bạn nhiều. Thị trường người mẫu rộng lớn, mình giỏi thì vẫn có người giỏi hơn. Để thích nghi và tồn tại được, mình phải làm sao để giỏi hơn nữa”, chân dài Việt bộc bạch.

Còn Thùy Trang, top 4 cuộc thi Vietnam's Next Top Model 2011, mẫu Việt hiếm hoi tham gia Paris Fashion Week, cho hay tỷ lệ cạnh tranh của thị trường quốc tế là một chọi hàng trăm, hàng nghìn. Chính vì vậy, để có được show diễn, ngoại hình đẹp chưa phải tất cả, yếu tố may mắn chiếm hơn 50%.

“Mỗi buổi casting, chúng tôi phải cố gắng đến thật sớm để được cast trước, thì cơ hội cũng sẽ nhiều hơn. Và đặc biệt, bạn phải hiểu nhà thiết kế là ai, đối tượng khách hàng của họ như thế nào để thể hiện bản thân cuốn hút, phù hợp nhất. Điều này có thể coi là vinh quang nằm trong tay kẻ khôn ngoan nhất”, chân dài 8X nói.

Một yếu tố khắc nghiệt nữa ở các kinh đô thời trang lớn - nơi mỗi năm lại có hàng trăm người mẫu mới đổ về - là bạn có thể bị nhà thiết kế hoặc nhãn hàng gạch tên, loại khỏi cuộc chơi ngay trước buổi diễn.

“Nếu có thể vượt qua được những khắc nghiệt, những khó khăn đó, bạn sẽ trở thành một người bản lĩnh. Bạn sẽ biết mang giá trị thật của mình đến với các nhà thiết kế để khẳng định năng lực bản thân”, Trang Phạm bày tỏ.

Bị “lật kèo” bất cứ lúc nào

Casting liên tục, đầu tư không ít và hy vọng rất nhiều nhưng các người mẫu Việt cũng phải làm quen với việc thường xuyên bị “lật kèo”. Từng được sải bước ở tuần lễ thời trang London, New York nhưng Trang Khiếu khẳng định, có lần cô đi casting 10 show thì bị từ chối tới 8, song trong hai show đó chưa chắc bạn đã được diễn.

Thậm chí Đỗ Hà, chân dài vừa được diễn mở màn một show ở tuần lễ thời trang Milan còn chia sẻ, cô từng bị từ chối dù trước đó đã chắc chắn rằng mình được chọn. Ở show đầu tiên, cô đi casting, catwalk và chụp ảnh đều được khen và lựa chọn nhưng đến phút cuối lại bị hủy, không được đi fitting (thử đồ).Trong một show diễn khác ở ngày cuối của tuần lễ thời trang Milan, đơn vị tuyển trạch đã chọn cô sau khi casting, thử đồ, chốt đồ và chụp lại hình mà cuối cùng vẫn bất ngờ từ chối cô sau đó.

“Không có gì là chắc chắn cho đến khi bạn bước lên sàn catwalk. Tôi từng mất show vài lần ở Milan dù đã casting và thử đồ xong. Người ta sẵn sàng thay thế bạn bằng một gương mặt mới. Ngay cả một show nhỏ, mức độ cạnh tranh cũng rất cao. Có những ngày bạn thức dậy từ 4 - 5h để lao đi casting nhưng cuối cùng không được chọn. Tôi nhận ra rằng cuộc đời chẳng có gì chắc chắn và dễ dàng cả. Bạn luôn phải chuẩn bị tinh thần để chống chọi với mọi thứ”, Đỗ Hà chia sẻ.

Từng đứng xếp hàng dài chờ casting “người nối người”. Tuy nhiên cô vẫn lọt “mắt xanh” của nhà tuyển dụng nhưng Hà Đỗ vẫn bị hủy vào phút chót trước ngày diễn.

Trang Phạm cho biết việc bị hủy show bất ngờ như vậy cũng khiến cô stress nặng. Ở Việt Nam, số lượng người mẫu không thay đổi nhiều, những chân dài đã có tiếng nhiều khi không cần casting. Nhưng ở London thì khác, người mới liên tục xuất hiện. Như một điều tất yếu, bạn phải đến casting để cho nhà thiết kế thấy bạn muốn tham gia trình diễn cho họ.

Chà Mi có khoảng thời gian làm việc tại Milan, Ý cuối năm 2015, nhớ về những ngày tháng bị “lật kèo” cô hụt hẫng vô cùng. Vì thế chỉ khi nào được diễn cô mới thoải mái, cảm xúc mừng phát khóc, không cần ăn uống gì vẫn vui.

Vì vậy hãy Kiên trì, tự tin và có thần kinh “thép”

Thông thường các người mẫu phải chờ đợi 4 - 5 tiếng thậm chí nhiều hơn thế để có thể thử “vai”. Họ chỉ có vẻn vẹn 30 giây để xuất hiện trước mặt đơn vị tuyển dụng. Mỗi buổi casting thường có số lượng 300 - 400 người tham dự. Bởi vậy các người mẫu trẻ không có cơ hội thứ 2 khi đi hỏng.

Chân dài Herieth Paul từng tham dự khá nhiều buổi casting. Tại New York Fashion Week xuân hè 2014, cô cho biết trung bình một ngày cô chạy show đến 8 buổi gặp mặt nhà thiết kế khác nhau. “Việc bạn có cơ hội hay không phụ thuộc vào việc ban tổ chức ấn tượng với hồ sơ và mời bạn đến buổi casting”, cô nói.

Người mẫu Valery Kaufman cho biết: “Casting không ngừng casting là cách bạn nên làm nếu muốn trở thành người mẫu nổi tiếng. Tôi đã di chuyển từ Paris sang New York và tới Milan liên tục trước khi các tuần lễ thời trang bắt đầu để tìm kiếm cơ hội cho mình. Không có nhiều tiền để đi máy bay, bạn có thể đi ô tô đường dài, đi tàu điện. Đừng nản chí!”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phi Long

Được quan tâm

Tin mới nhất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới