Theo tìm hiểu của Saostar, đội bóng đã mời gọi nhiều trụ cột của đội nữ TPHCM là CLB bóng đá Thái Nguyên. Đây là một đội bóng được tập đoàn T&T tài trợ (công bố vào cuối năm 2019), và đổi tên thành CLB bóng đá Thái Nguyên T&T.
Nhằm phục vụ cho tham vọng có thành tích, CLB bóng đá Thái Nguyên T&T đã mời gọi một loạt cầu thủ giỏi của CLB nữ TPHCM, trong đó có những gương mặt nổi bật là Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Mỹ Anh… Nhưng chỉ có Mỹ Anh và Hoài Lương muốn ra đi. Đây cũng là lý do dẫn đến sự lùm xùm trong thời gian qua.
Có hai vấn đề từ chuyện đội nữ được tập đoàn của bầu Hiển tài trợ đã mời gọi nhiều trụ cột đội nữ TPHCM với giá tiền cao ngất ngưởng.
Tiền bạc và tiền lệ
Bóng đá nữ Việt Nam từ xưa đến nay không có chuyện phí lót tay giống như bóng đá nam. Và đội nữ Thái Nguyên T&T trả phí lót tay cho những Mỹ Anh, Hoài Lương là lần đầu tiên xảy ra.
Tại cuộc họp ngày 2/3, biên bản ghi rõ con số là hậu vệ Mỹ Anh được CLB Thái Nguyên hứa trả 500 triệu/2 năm, mức lương sẽ bằng hoặc cao hơn so với đội nữ TPHCM trả. Hoài Lương nhận 400 triệu/2 năm, tiền lương cũng được hứa tương tự như Mỹ Anh.
Bản chất có thể thấy CLB bóng đá Thái Nguyên T&T chấp nhận trả tiền cao hơn đội nữ TPHCM để lấy quân. Ví dụ khoảng lương đã nêu rõ là họ trả bằng hoặc cao hơn, kèm theo có tiền lót tay.
Tuy nhiên, nếu rải tiền để lấy cầu thủ như CLB bóng đá Thái Nguyên T&T thì dẫn tới hệ luỵ rất lớn cho đội nữ TPHCM nói riêng, và bóng đá nữ Việt Nam nói chung. Đặt vào trường hợp CLB nữ TPHCM bị mất Mỹ Anh, Hoài Lương thì tạo ra tiền lệ xấu, là họ có thể mất cả đội nếu đối thủ chèo kéo nhờ nhiều tiền.
Nói đúng, đội nữ TPHCM đang rất mạnh (6 chức vô địch quốc gia trong 7 năm qua), đóng góp nhiều tuyển thủ cho tuyển Việt Nam. Bây giờ có một đội được “rót bầu sữa” từ tập đoàn đến lấy cầu thủ giỏi vì có tiền. Nếu bị mất sạch quân thì đội nữ TPHCM sẽ ra sao?
Đây là câu hỏi mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải giải quyết, bởi một bên là đơn vị đào tạo cầu thủ, là đội bóng sắm nòng cốt cho tuyển nữ Việt Nam, một bên đang rải tiền cho tham vọng vô địch.
Chờ VFF giúp xử lý
Đội nữ TPHCM làm bài bản với ba tuyến, có tổng 100 cầu thủ, kinh phí khoảng 15 tỷ đồng/năm từ ngân sách. Đây là sự nỗ lực rất lớn vì khó làm đào tạo cầu thủ nữ trong bối cảnh nhiều gia đình không cho con đi đá bóng.
Nên nhớ, gần 1/2 số cầu thủ giúp tuyển nữ Việt Nam đi World Cup 2023 là quân của đội nữ TPHCM, bên cạnh đó có hai trợ lý là HLV Kim Chi và Kim Hồng.
Trong khi đó, CLB bóng đá Thái Nguyên T&T muốn vô địch nên rải tiền lấy quân giỏi. Bản chất từ cách làm của hai đội khác biệt lớn. Nhưng điều quan trọng là bóng đá nữ chưa chuyên nghiệp, cũng chưa có luật gì để các CLB giữ quân hay quản lý cầu thủ.
Trường hợp Mỹ Anh và Hoài Lương cũng như thế. Họ không có hợp đồng chuyên nghiệp, chỉ có hợp đồng đào tạo và hợp đồng lao động với Trung tâm TDTT Thống Nhất.
Quyết định cho vận động viên ra đội tuyển Thể thao Thành phố có quy định: “Vận động viên có tên trong quyết định không được phép tham gia thi đấu cho bất kỳ đơn vị tỉnh, thành, ngành khác khi chưa được sự đồng ý của Sở Văn hoá - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh”.
Trường hợp của Mỹ Anh là cụ thể nhất. Hậu vệ này đã bất ngờ không có tên trong đợt triệu tập chuẩn bị cho SEA Games 31 dù từng góp công vào tấm vé dự World Cup 2023. Nguyên nhân có thể thấy là ảnh hưởng vì chuyện đi - ở trong sự mời gọi của CLB bóng đá nữ Thái Nguyên T&T.
Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM không muốn xảy ra chuyện các cầu thủ bị đội nữ Thái Nguyên T&T lôi kéo, hay tự ý làm việc riêng. Hai bên có thể trực tiếp làm việc và trao đổi mọi thứ.
Ngành thể thao TPHCM nói với Saostar là mong muốn VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) phải xử lý đúng đắn, tránh để những đơn vị đào tạo ra cầu thủ bị mất quyền lợi.