12 bàn thắng sau 2 trận đấu và chỉ thủng lưới 1 bàn, U22 Việt Nam đang đứng đầu bảng B SEA Games 30. Nhưng liệu hai chiến thắng trước U22 Lào và U22 Brunei có đáng để tung hô ngất trời dành cho thầy trò HLV Park Hang Seo?
Câu trả lời là: KHÔNG! Vì vốn dĩ chuyện các ĐTQG của Việt Nam thắng Lào, Brunei với cách biệt 6 - 7 bàn là chuyện thường tình ở các kỳ SEA Games, thậm chí Việt Nam từng thắng Lào đến 9 bàn.
Nghịch lý là sự ngợi ca đang quá lời dành cho U22 Việt Nam. Có người cho rằng Việt Nam chơi bóng mang dáng dấp Barcelona, hay những bàn thắng của U22 Việt Nam thường được gắn liền với từ đẳng cấp. Ví dụ pha ghi bàn bị từ chối của Đoàn Văn Hậu, một pha dứt điểm đi vào lưới mà phần lớn do thủ môn Lào xử lý kém. Nhưng bình luận viên vẫn không ngần ngại nhắc đi nhắc lại cụm từ: Đẳng cấp.
Ở một góc nhìn sòng phẳng, trận đấu với U22 Brunei, Hà Đức Chinh mở tỷ số từ một pha xử lý bóng lỗi của thủ môn Brunei. Hai bàn thắng đầu tiên của Tiến Linh cho thấy được bản năng của một tay săn bàn cự phách nhưng hàng thủ U22 Lào là nguyên nhân trực tiếp với hai lần mắc sai lầm ngớ ngẩn. Pha bóng đầu tiên là hậu vệ xử lý chậm chạp, còn bàn thắng thứ hai đến từ sự bất cẩn để mất bóng theo kiểu “sai lầm chết người”.
Những sai số kể trên khó diễn ra ở các đối thủ tiếp theo của U22 Việt Nam, điển hình là U22 Indonesia chọn cách chơi phòng ngự phản công. Ở vòng loại U23 châu Á 2020, Indonesia cũng chính là đối thủ khiến cho U23 Việt Nam phải đến tận những giây cuối cùng mới có được chiến thắng, nhờ pha đánh đầu của Triệu Việt Hưng.
Một điều không thể phủ nhận là U22 Việt Nam đang có trình độ vượt trội và lực lượng rất mạnh so với nhiều đối thủ, bởi 14/20 cầu thủ đã và đang khoác áo tuyển Việt nam. Tức ông Park đang có trong tay một dàn hảo thủ tuyển Việt Nam chứ không đơn thuần là quân U22.
Hơn hết, mục tiêu của U22 Việt Nam là giành HCV SEA Games 30. Đây cũng là nguyên nhân HLV Park Hang Seo chấp nhận cầm quân ở SEA Games, dù ông từng bày tỏ nguyện vọng chỉ dẫn dắt tuyển Việt Nam, thay vì rơi vào cảnh “vừa bồng em, vừa xay lúa”. Nhưng trước sự thuyết phục của những người đứng đầu ngành thể thao Việt Nam, ông Park chấp nhận dẫn dắt U22 Việt Nam để tăng thêm cơ hội giành HCV SEA Games 30.
Dĩ nhiên, thành tích bao giờ cũng đi kèm với áp lực, dù ông Park có trong tay một lứa cầu thủ giỏi, giàu kinh nghiệm và có thói quen chiến thắng trước các đối thủ lớn. Bản thân ông thầy Hàn Quốc hiểu hơn ai hết khi từng cùng Hàn Quốc gây địa chấn với việc vào bán kết World Cup 2002 nhưng thất bại ở ASIAD năm 2002, sân chơi chỉ sau World Cup 2002 vài tháng, cũng được tổ chức ngay tại sân nhà Hàn Quốc.
Thất bại ở ASIAD năm 2002 khiến HLV Park Hang Seo từ tư thế người hùng trở thành “tội đồ”, qua đó mất ghế HLV trưởng U23 Hàn Quốc. Bởi người Hàn Quốc lấy thước đo từ chính việc tuyển Hàn Quốc cách đó không lâu vào đến bán kết World Cup 2002.
Thế nhưng, bóng đá Hàn Quốc tiếp tục gây sốc khi để thua U23 Việt Nam với bàn thắng duy nhất của Văn Quyến. Một thất bại có thể gọi là chấn động cả châu Á khi tứ đại anh hào World Cup gục ngã trước đội bóng đến từ vùng trũng.
Cần nhấn mạnh, tuyển Hàn Quốc thua U23 Việt Nam chứ không phải U23 Hàn Quốc. Thất bại của Hàn Quốc trước Việt Nam cũng khiến cho HLV trưởng đội bóng này bị mất ghế.
Nhưng U23 Việt Nam đá SEA Games 22 (cùng năm thắng Hàn Quốc) không thể giành HCV. Một trong những người đồng hành cùng U23 Việt Nam, HLV Nguyễn Thành Vinh từng nói: “Năm ấy, họ có thái độ, trách nhiệm và tư tưởng như cầu thủ bây giờ, thì vô địch SEA Games 22. Nhiều cầu thủ về sau này vì tâm lý không vững vàng và suy nghĩ sai lệch khiến họ vướng vào vòng lao lý”.
Từ tuyển Hàn Quốc đến U23 Việt Nam năm 2003 cho thấy rằng, sự kiêu ngạo có thể trở thành con dao hai lưỡi với bất kỳ đội bóng nào, kể cả có đẳng cấp vượt trội đối thủ. HLV Park Hang Seo chắc chắn hiểu rõ điều đó để giúp U22 Việt Nam giữ đôi chân trên mặt đất, nhưng chính chúng ta cũng cần kiệm lời khen dành cho đội nhà vì trái bóng tròn không thể nói trước điều gì!