Dù cầm bóng nhiều hơn nhưng U22 Việt Nam thua 1-2 trước U22 Trung Quốc. Bàn thua quyết định đến từ phút 90 khi phòng ngự thiếu tập trung. Đây là trận đấu hay của U22 Việt Nam khi tốt hơn U22 Trung Quốc về kiểm soát bóng, dứt điểm và số cơ hội ghi bàn. Nhưng điểm yếu quen thuộc là khả năng phòng ngự không tốt.
Phòng ngự kém cỏi và thất bại trong những thời khắc quan trọng do mất tập trung. Vấn đề này từng diễn ra nhiều lần dưới thời HLV Troussier. U22 Việt Nam bị U22 Indonesia loại ở bán kết SEA Games 32 là ví dụ điển hình. Dù có lợi thế chơi hơn người nhưng U22 Việt Nam để cho đối thủ ghi bàn quyết định trong thời gian đá bù giờ. Hôm đó, HLV Park Hang Seo xuất hiện trên khán đài và bày tỏ sự tức giận bằng đập vé xuống ghế, bỏ ra về ngay sau đó.
Ở thời HLV Troussier, tuyển Việt Nam chỉ có duy nhất chiến thắng 2-0 trước Philippines là giữ sạch lưới, các trận đấu khác thuộc giải chính thức đều nhận nhiều bàn thua. Điểm yếu này vẫn chưa được cải thiện thời HLV Kim Sang Sik, Việt Nam nhận 5 bàn thua sau 2 trận đấu cuối cùng ở vòng loại thứ hai World Cup 2026. Tình cảnh của HLV Kim Sang Sik cần được cảm thông vì chưa có thời gian xây dựng lối chơi cho tuyển Việt Nam.
Sự khác biệt rất lớn nếu làm một vài thống kê ở thời HLV Park Hang Seo. U23 Việt Nam vô địch SEA Games 31 với thành tích giữ sạch lưới. Đây là kỷ lục của môn bóng đá nam ở SEA Games. Tuyển Việt Nam tạo ra kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi ba kỳ AFF Cup liên tiếp (2018, 2020, 2022) đều giữ sạch lưới ở vòng bảng. Thành tích này được đánh giá là một trong những kỷ lục khó phá nhất trong lịch sử bóng đá. Tuyển Việt Nam còn phá kỷ lục của tuyển Pháp (15 trận bất bại) sau khi vô địch AFF Cup 2018 với 16 trận không thua.
Không khó để thấy sức mạnh của tuyển Việt Nam đến từ khả năng phòng ngự tốt để giảm tối thiểu nguy cơ nhận bàn thua, trước khi ghi bàn. Ngược lại, việc thay đổi phong cách theo quan điểm của HLV Troussier là ghi bàn càng nhiều càng tốt mà không quan tâm bị thủng lưới, đây là lựa chọn không đúng thực tế với bóng đá Việt Nam.
Đúng hơn, bóng đá Việt Nam cần xác định được triết lý phù hợp trong thời gian tới, thay vì mắc sai lầm theo kiểu nhận xét lối chơi phòng ngự phản công của HLV Park Hang Seo nhàm chán và không thể tiến xa. Tuyển Việt Nam cũng cần tránh đạp lên vết xe đổ với triết lý bóng đá kiểu "ru ngủ", không rõ ràng về tấn công lẫn phòng ngự ở thời HLV Troussier.
Nên nhớ, mọi triết lý bóng đá đều có ưu điểm và nhược điểm. Điều quan trọng là lối chơi phù hợp với cầu thủ Việt Nam để tạo ra thành công.