Delta là biến chủng dễ lây truyền nhất của virus SARS-CoV-2 cho đến nay và đã lây lan ở hơn 100 quốc gia. Nhìn chung, các biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và vaccine vẫn phát huy tác dụng, nhưng chỉ khi tất cả mọi người nghiêm túc chấp hành.
Ngay cả những quốc gia thực hiện tốt công tác tiêm chủng cho người dân cũng bắt đầu đối mặt với vấn đề nhiều người không muốn dùng vaccine. Điều đó đã tạo nên 2 thái cực đối lập: những người được tiêm chủng có thể trở lại với cuộc sống bình thường, còn nhóm không được tiêm chiếm đa số các trường hợp nhập viện và tử vong mới do Covid-19.
Biến chủng Delta hoành hành khắp nơi
Ngày 25/6, WHO khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang, kể cả khi đã được tiêm vaccine, để chống lại sự lây lan của Covid-19. Trong thời gian tới, khi virus tiếp tục đột biến, yếu tố con người vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch.
Tinh thần sẵn sàng tiêm chủng, điều chỉnh hành vi và chấp nhận các quy tắc giãn cách góp phần lớn trong việc định hình diễn biến của đại dịch, theo nhà virus học Amy Rosenfeld và Vincent Racaniello phát biểu trên tờ New York Times.
Nhưng sau 16 tháng xa rời xã hội, nhiều người sẽ có tâm lý muốn tái hoà nhập và sống cuộc sống bình thường. Nếu không được quản lý tốt, suy nghĩ này sẽ khiến đại dịch bùng phát thêm lần nữa và tạo cơ hội cho các biến thể nguy hiểm xâm nhập.
Tại Mỹ, Delta hiện chiếm 20% số ca mắc mới và đang trên đà trở thành biến chủngphổ biến nhất. Ở Israel, nó thậm chí chiếm đến 70% ca bệnh mới, khiến quốc gia này phải ban bố quy định đeo khẩu trang trong phòng. Đáng quan ngại hơn, khoảng 50% số trường hợp mắc mới là người lớn đã được tiêm phòng đầy đủ. Con số này còn cao hơn ở Anh, nơi đã tiêm phòng cho phần lớn dân số, và Uganda, nơi chưa tiêm chủng cho nhiều người.
Trong khi đó, dù đã thoát được tình hình tồi tệ nhất khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm ngoái, khu vực Đông Nam Á hiện chứng kiến số ca nhiễm và tử vong tăng cao chưa từng thấy, trong khi tỷ lệ tiêm phòng thấp và biến thể Delta đang cản trở các nỗ lực kiểm soát dịch.
Bản thân Delta đang tiếp tục thay đổi. Tuần trước, cơ quan y tế ghi nhận một biến chủng phụ mang tên Delta Plus đã lây cho ít nhất 50 người ở Ấn Độ và hiện lan sang 11 quốc gia.
Vì sao biến chủng Delta nguy hiểm?
Biến chủng B.1.617, hay còn gọi là Delta, mang cả 3 đặc điểm của một biến thể đáng lo ngại: dễ lây lan hơn, gây ra bệnh nặng hơn và làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine hoặc hệ miễn dịch trước đó.
Markus Hoffmann, nhà virus học tại Viện Nghiên cứu Linh trưởng Leibniz, cho biết: "Hầu hết các đột biến được tìm thấy trong biến chủng Delta liên quan đến việc tăng hiệu quả xâm nhập vào tế bào hoặc né tránh hệ miễn dịch. Chưa rõ liệu chúng có hoạt động song song hoặc hỗ trợ nhau không".
Biến chủng Delta có khả năng lây lan cao hơn khoảng 60% so với Alpha, phiên bản vốn có thể lây truyền mạnh gấp 60% so với chủng virus ban đầu. Một nghiên cứu trên 5,4 triệu người ở Scotland cho thấy Delta làm tăng nguy cơ nhập viện lên gấp đôi so với Alpha. Và khi đại dịch lan rộng, các quy định giãn cách hoặc phong toả mới sẽ khiến tất cả mọi người bị ảnh hưởng.
Giữ khoảng cách và tiêm chủng
Hiện tại, mục tiêu của các quốc gia vẫn là làm chậm sự lây lan của virus bằng các quy định an toàn và công tác tiêm chủng. Trong đó, tiêm vaccine chống lại Covid-19 là hình thức bảo vệ mạnh nhất. Moderna, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson đều được chứng minh có thể ngăn ngừa hầu hết các trường hợp nhập viện và tử vong.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet ở Scotland cho thấy vaccine AstraZeneca có 60% hiệu quả ngăn ngừa biến chủng Delta, còn Pfizer đạt hiệu quả 79%. Moderna cũng công bố kết quả chứng minh vaccine của họ giúp tạo ra phản ứng miễn dịch với Delta, dù yếu hơn các chủng khác.
Hai loại vaccine đến từ Trung Quốc, do Sinopharm và Sinovac phát triển, có tác dụng ra sao với Delta. Song, hiện tại chúng đang được sử dụng rộng rãi ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ.
Để bảo vệ cộng đồng tối ưu, vaccine cần được tiêm cho càng nhiều người càng tốt, cho đến khi virus không còn dễ dàng lây truyền nữa. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 trên khắp thế giới vẫn chưa đạt đến mức lý tưởng, tạo cơ hội cho virus hoành hành.
Những người từng trải qua một lần nhiễm Covid-19 cũng có khả năng không bị nhiễm Delta, dù cơ chế bảo vệ của cơ thể yếu hơn so với khi được tiêm vaccine. Xác định trình tự bộ gene của các mẫu SARS-CoV-2 đang có mặt trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và đón đầu các đột biến mới.
Tuy nhiên, tình trạng "đóng cửa" kéo dài khiến hoạt động kinh tế đình trệ, dẫn đến sự bất mãn của người dân. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Mỹ, Anh và Ấn Độ để phản đối việc đeo khẩu trang, thực hiện quy tắc giãn cách.
Ở Mỹ, các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng chính là những nơi gặp khó khăn trong việc thực hiện các chiến lược ngăn chặn Covid-19. Các khu vực nông thôn ở nhiều bang như Arkansas, Missouri, Nevada và Utah là trường hợp điển hình.
Tại một số quốc gia, việc tiêm chủng hầu như chưa bắt đầu. Chad, Benin, Syria và Yemen mới chỉ tiêm chủng cho 1% dân số. Uganda và Zambia đang đương đầu với làn sóng dịch thứ 2, thứ 3 với bệnh viện quá tải. Cho đến nay, có hơn 3/4 dân số thế giới chưa hề được tiêm một liều vaccine nào, nghĩa là phần lớn người dân đang phải đối mặt với căn bệnh chết người mà rất ít hoặc không có biện pháp bảo vệ.
Trong tình thế gấp rút này, cần tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng để chống lại sự lây lan của virus. Nếu không, chúng ta chỉ có thể đứng nhìn nó hủy hoại cuộc sống và sự phát triển của cả quốc gia mình lẫn các nước khác.
Xem thêm: Triệu chứng mắc biến thể Delta khác gì so với những dấu hiệu nhiễm chủng Covid-19 ban đầu?