Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sống khỏe

Việt Nam lần đầu ghi nhận trên 26.000 ca mắc Covid-19 trong ngày

Các chuyên gia dự đoán sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, số lượng ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam có chiều hướng tăng cao.

Từ sau ngày 3/2 (mùng 3 Tết Nguyên đán Nhâm Dần) đến nay, tổng số ca nhiễm tại Việt Nam liên tiếp tăng cao, nhiều ngày phát hiện trên 20.000 F0 trong 24 giờ.

Theo bản tin tối 10/2, Bộ Y tế công bố Việt Nam ghi nhận 26.032 ca nhiễm mới, trong đó có 9 người nhập cảnh và 26.023 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát đến nay.

Hà Nội liên tiếp là nơi có số ca tử vong cao nhất

Ngày 10/2, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thành phố có 2887 ca, giảm nhẹ so với ngày trước đó, nhưng vẫn là nơi ghi nhận số ca lượng mắc mới cao nhất trong ngày. Trong đó, 627 ca tại cộng đồng và 2.260 ca đã cách ly.

Trong vòng một tháng qua, mỗi ngày, thành phố này đều phát hiện thêm gần 2.900 ca nhiễm.

Cụ thể, 2.887 bệnh nhân phân bố tại 434 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (177); Đông Anh (175); Nam Từ Liêm (161); Chương Mỹ (151); Long Biên (150).

Việt Nam lần đầu ghi nhận trên 26.000 ca mắc Covid-19 trong ngày Ảnh 1
Học sinh ở Hà Nội trong ngày trở lại trường học. Ảnh: Thạch Thảo.

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, là 162.909 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 9/2, trên địa bàn thành phố hiện có 59.588 bệnh nhân được điều trị. Trong đó, số bệnh nhân tại 2 bệnh viện Trung ương là 331 ca; các bệnh viện của Hà Nội có 2.490 ca, các cơ sở thu dung thành phố 58 ca, các cơ sở thu dung quận, huyện 535 ca.

Số F0 đang được theo dõi, điều trị tại nhà là 56.174 ca (chiếm hơn 94%). Trong ngày, không có bệnh nhân chuyển độ nặng. Mặc dù vậy, liên tiếp gần một tháng qua, mỗi ngày, Hà Nội là nơi ghi nhận số ca tử vong có mắc Covid-19 cao nhất cả nước.

Trước thực tế này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã đề nghị các giám đốc trung tâm y tế làm tốt công tác quản lý, theo dõi người mắc Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà, phát thuốc đầy đủ, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện nhằm giảm áp lực cho tuyến trên. Mục tiêu là từng bước giảm dần số ca bệnh nặng, hạn chế ca tử vong.

Số ca nhiễm tại TP.HCM tăng nhẹ

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 10/2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, qua biểu đồ theo dõi tình hình dịch của ngành y tế, số ca mắc trên địa bàn có xu hướng tăng nhẹ.

Trước kỳ nghỉ Tết, số ca mắc duy trì ở mức 3 con số. Từ ngày 4/2 đến ngày 7/2, số ca nhiễm đã giảm chỉ còn ở mức 2 con số, đặc biệt, trong ngày 5/2, TP.HCM còn 24 ca nhiễm mới.

Việt Nam lần đầu ghi nhận trên 26.000 ca mắc Covid-19 trong ngày Ảnh 2
Người dân TP.HCM chen chúc đi mua vàng ngày Thần Tài. Ảnh: Hoàng Giám.

Sau kỳ nghỉ Tết, từ ngày 8/2 đến 10/2, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng nhẹ, từ 43 ca ngày 6/2 lên 76 ca ngày 7/2, 116 ca ngày 8/2 và ngày 9/2 có 219 ca. Ngày 10/2, số ca mắc tại thành phố tăng 242.

"Vài ngày tới, ngành y tế nhận định số ca mắc Covid-19 sẽ tăng, nhưng theo dõi ca nặng, thở máy, tử vong không tăng, thậm chí sẽ giảm do quá trình điều trị tốt. Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường tiêm vaccine cho người dân", Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM nhận định.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản tham mưu UBND TP kế hoạch sắp xếp, chuyển đổi công năng, duy trì hoạt động bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị và trung tâm hồi sức Covid-19.

Trong đó, dự kiến 2 cơ sở sẽ giải thể, hoàn thành sứ mệnh là: Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) và Bệnh viện dã chiến số 12 (khu tái định cư Thủ Thiêm), vốn là nơi dành riêng điều trị ca nhiễm biến chủng Omicron.

Hiện nay, ca mắc Covid-19 biến chủng Omicron tại TP.HCM vẫn dừng lại ở con số 92 trường hợp, chưa ghi nhận ca bệnh nào tử vong.

Nhiều tỉnh tăng cao số ca dương tính

Nghệ An hôm nay cũng giảm nhẹ số ca nhiễm mới (ít hơn 151 ca so với hôm qua) những vẫn đứng thứ 2, sau Hà Nội. Tiếp sau đó là Hải Phòng (1.366) và Hải Dương (1.329), số lượng F0 tại 2 tỉnh này có chiều hướng tăng nhẹ.

Từ 18h ngày 9/2 đến 18h ngày 10/2, tỉnh Nghệ An ghi nhận 2.407 ca mắc Covid-19 mới tại 21 địa phương, nhiều nhất ở TP Vinh (396 ca), Đô Lương (331 ca), Diễn Châu (269 ca)... Trong đó, 420 ca được phát hiện tại cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An, số ca mắc trên địa bàn tỉnh tăng cao nhiều ngày qua do một số yếu tố chủ quan và khách quan, như lượng người dân từ các địa phương khác về quê đón Tết, sau đó lây nhiễm trong gia đình.

Việc thăm hỏi, chúc tụng và các lễ hội tập trung đông người là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo thông tin của Sở Y tế TP Hải Phòng, tính từ 18h ngày 9/2 đến 18h ngày 10/2, thành phố ghi nhận 1.360 ca mắc Covid-19 mới tại 14/15 quận, huyện.

Trong đó, 1.149 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 13 ca bệnh nghi ngờ, 79 ca test nhanh dương tính, 16 trường hợp xét nghiệm sàng lọc nhân viên y tế, còn lại là trường hợp F1.

Nam Định lần đầu vượt mốc 1.000 ca mắc Covid-19 trong ngày 10/2. Trong đó, 1.189 ca mắc ghi nhận tại Hải Hậu (147), TP Nam Định (294), Nghĩa Hưng (148), Trực Ninh (83), Xuân Trường (87), Giao Thủy (69), Mỹ Lộc (33), Nam Trực (129), Vụ Bản (86), Ý Yên (113).

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, chỉ trong 4 ngày (từ ngày 4/2 đến 7/2), Ninh Bình ghi nhận gần 1.400 ca mắc Covid-19. Từ ngày 6/2 đến 7/2, số ca mắc Covid-19 tại địa phương tăng mỗi ngày trên 400 ca bệnh. Từ ngày 8/2 đến 9/2, số ca F0 tăng nhanh đột biến với mỗi ngày khoảng 1.000 ca.

Riêng trong ngày 9/2, số ca bệnh mới được phát hiện là 1.050 ca, trong đó test nhanh kháng nguyên là 890 ca, xét nghiệm RT-PCR là 160 ca. Tại cộng đồng có 985 ca, còn lại là khu vực phong tỏa với 65 ca bệnh.TP Ninh Bình là địa phương có số ca bệnh mới nhiều nhất.

Hiện tỉnh có 3 phường của TP Ninh Bình là Tân Thành, Vân Giang và Thanh Bình thuộc vùng dịch cấp độ 4 (vùng đỏ).

Hòa Bình ghi nhận sự gia tăng đột biến ca nhiễm mới khi tăng từ 18 ca ngày 9/2 lên 1.073 ca ngày 10/2.

Theo báo cáo của CDC Hòa Bình, trong số 1.073 ca có 330 trường hợp dưới 18 tuổi, 687 người trong độ tuổi 18-65, 56 trường hợp trên 65 tuổi; 282 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, 23 người tiêm vaccine một mũi, 768 người đã tiêm đủ 2 mũi trở lên; 923 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng, 150 trường hợp đã được cách ly trước đó.

Việt Nam đã tiêm hơn 30 triệu mũi 3 vaccine Covid-19

Thống kê của Bộ Y tế chiều 10/2, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 184.129.785 liều, trong đó tiêm mũi một là 79.162.150 liều, tiêm mũi 2 là 74.486.438 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 30.481.197 liều.

Liên quan vấn đề tiêm chủng vaccine Abdala, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, sử dụng hiệu quả vaccine Abdala hiện còn.

Cụ thể, trong tháng 10-11/2021, Bộ Y tế đã phân bổ 5 triệu liều vaccine Abdala cho các địa phương. Tại thời điểm phân bổ, Bộ Y tế đã xem xét nhu cầu sử dụng vaccine để đáp ứng kịp thời việc triển khai tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala cho nhóm người 19-65 tuổi.

Tuy nhiên, theo báo cáo đến ngày 28/1, số vaccine Abdala còn tại các địa phương là 541.400 liều.

Các địa phương này gồm: Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 thần tốc hơn nữa để hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala trong tháng 2, kiên quyết không để vaccine phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết zing

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất