Vào ngày Tết Hàn thực 3/3 hàng năm (năm nay rơi vào 3/4 dương lịch), mỗi gia đình đều bận rộn chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay.
Theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Ngày tết truyền thống này gắn với một điển tích ở Trung Quốc, được biết tới nhiều qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc. Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt.
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Chẳng hạn người Việt có lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3 ở Hà Tây. Tiếp đó, ngày giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3 người Việt từ khắp mọi miền tổ quốc về đền Hùng, Phú Thọ thắp hương và dâng cúng những đĩa bánh trôi bánh chay, tưởng nhớ cội nguồn... Như thế, rõ ràng tết Hàn thực của ta mang màu sắc dân tộc riêng, trường tồn trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Số lượng bát bánh trôi và bánh chay trên mâm cũng thường là 3 hoặc 5, tùy theo từng gia đình.
Mặc dù là món ăn truyền thống nhưng vào ngày Tết Hàn thực, một số người không nên ăn nhiều bánh trôi, bánh chay. Do nhân bánh trôi chứa đường, chứa nhiều chất ngọt nên những người bị đái tháo đường không nên ăn món này để tránh chỉ số đường trong máu vượt ngưỡng quá cao.
Người thừa cân, béo phì cần hạn chế tinh bột. Bánh trôi lại làm hoàn toàn bằng bột gạo nên đây cũng là món ăn không dành cho người béo phì.
Người bị tim mạch, dạ dày nếu ăn quá nhiều bánh trôi có thể làm tăng gánh nặng cho việc lưu thông máu khiến tim mệt. Bánh trôi còn thúc đẩy bài tiết acid dạ dày làm cho bệnh tình của bệnh nhân bị đau dạ dày thêm trầm trọng.
Người có hệ tiêu hóa kém nếu ăn nhiều bánh trôi, món làm chủ yếu từ bột nếp, có thể gây nóng, đầy bụng, ợ hơi, không phù hợp với người có hệ tiêu hóa kém như người cao tuổi và trẻ nhỏ.