Vài ngày tới, nhiều nghệ sĩ sẽ tổ chức đêm nhạc nhằm quyên góp chi phí giúp Kasim Hoàng Vũ có thêm chi phí chữa trị bệnh. Mới đây, trên trang cá nhân, một nữ đồng nghiệp với anh đã có bài đăng, cho biết hiện Kasim Hoàng Vũ không thể tiếp tục ca hát do ảnh hưởng từ bệnh.
“Hóa ra bao lâu nay không thấy em ấy xuất hiện trên sân khấu là vì em ấy không còn khả năng để hát nữa.
Đối với một ca sĩ đang bay nhảy, chạy show khắp nơi, việc không còn hát được nữa là một nỗi đau ít người thấu hiểu. Mình đã từng bị mất giọng trong 3 năm, mỗi lần nhìn đồng nghiệp đứng hát trên sân khấu là nước mắt lại rơi”, đồng nghiệp của giọng ca Vì Yêu chia sẻ trên trang cá nhân.
Căn bệnh mà Kasim Hoàng Vũ đang mắc là viêm khớp xương hàm, từ đó gây ra nhiều biến chứng, điển hình là khiến anh bị lệch mặt, sụt cân nhiều.
Nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh của Kasim Hoàng Vũ là do thoái hóa khớp, nhiễm khuẩn khớp, viêm khớp dạng thấp… Ngoài ra, nguyên nhân gây viêm khớp xương hàm cũng có thể do tai nạn giao thông, bị va đập, bị ngã khiến vùng hàm mặt bị chấn thương nghiêm trọng.
Một số thói quen cử động miệng sai cách như mở miệng liên tục, nghiến răng, nhai kẹo cao su… sẽ tạo áp lực lớn lên khớp hàm, tăng nguy cơ gây viêm.
Răng mọc lệch, mọc chen chúc chèn ép răng khác cũng là nguyên nhân gây viêm khớp xương hàm.
Thời gian đầu, bệnh nhân bị đau ở mức nhẹ và có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, về sau bệnh nhân thường bị đau dữ dội, liên tục và đặc biệt là đau khi nhai. Thời điểm này là bệnh tiến triển nặng.
Một số biểu hiện khác của bệnh viêm khớp quai hàm là đau đầu, đau mặt, đau tai, mỏi cổ, mệt mỏi, viêm khớp nổi hạch ở một hoặc hai bên, gương mặt bị sưng to mất cân đối…
Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp quai hàm sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Để giảm đau cho bệnh nhân, bác sĩ thường kê một số loại thuốc giảm đau. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp trị liệu vật lý để giảm đau như xoa bóp cơ, chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại…
Nếu trong trường hợp người bệnh đáp ứng tốt với phương pháp điều trị thì có thể khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn biến nặng, thời gian chữa trị có thể là một năm hoặc tình huống xấu hơn là phải sống chung với bệnh cả đời.
Bệnh nhân khi mắc viêm khớp xương hàm cần điều trị kịp thời để tránh bị các biến chứng.
Một số lưu ý để tránh bị viêm khớp xương hàm:
- Hạn chế ăn thức ăn quá cứng hoặc quá dai.
- Thay đổi các thói quen xấu như cắn móng tay, nghiến răng, chống cằm, cắn chặt răng… dễ ảnh hưởng đến khớp hàm.
- Thăm khám ở cơ sở y tế uy tín khi thấy có dấu hiệu bất thường để kịp thời chữa trị.