Dưới đây là những lời khuyên bổ ích về chế độ ăn uống cho F0, F1 cách li tại nhà dựa theo bài viết của Giảng viên khoa Y Tế công cộng - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
1. Đảm bảo nguyên tắc cân đối và đầy đủ dinh dưỡng
Ăn đủ số lượng, đa dạng các loại thực phẩm đảm bảo nhu cầu theo từng nhóm tuổi bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ và nước.
- Đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, có thể thêm 3 bữa phụ.
- Nên chế biến hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt thức ăn.
- Khi bệnh nhân rơi vào tình trạng chán ăn, đau họng, giảm vị giác, khứu giác có thể chế biến dạng mềm, lỏng, dễ ăn và dễ hấp thu.
- Nghiêm túc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi mua, chế biến và sử dụng, bảo quản thực phẩm.
2. Đa dạng các loại thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch
- Protein (đạm):
Đây là thành phần nền tảng cơ bản, cấu tạo nên tế bào và mô của cơ thể tham gia các phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Thiếu protein, sẽ bị ức chế việc hình thành kháng thể, giảm khả năng chống lại virút.
Bữa ăn trong ngày đều cần chất đạm, cần phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa,...) và đạm thực vật (các loại đậu, nấm, đậu phụ,…).
- Các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất:
Nhóm Vitamin
Vitamin A: Gan động vật, các loại rau củ có màu vàng, đỏ, xanh sẫm,...
Vitamin C: Ổi, cam, chanh, đu đủ, bưởi, nhãn, kiwi, ớt chuông, rau ngót, cần tây, rau đay, rau cải, ...
Vitamin D: Dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, cá trích, ...
Vitamin E: Dầu thực vật, quả hạch, hạt hướng dương, mầm lúa mì, hạt ngũ cốc toàn phần, đậu phộng, rau bina, cải xoăn, ...
Acid Folic: Thịt bò, cam, các loại rau màu xanh đạm, ...
Vitamin B6: Cá hồi, cá ngừ, các loại trái cây, rau củ đa dạng, ...
Vitamin B12: Trứng, thịt, cá, phomai, …
Nhóm khoáng chất
Sắt: Gan động vật, nghêu, vừng, các loại đậu,...
Kẽm: Các loại sò, thịt động vật, vừng, đậu,…
Đồng: Nội tạng động vật và ngũ cốc nguyên cám,...
Selen: Nội tạng và thịt động vật, hải sản...
Nhóm thực phẩm chứa Flavonoid
Nhóm này giúp tăng khả năng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể và đã được chứng minh là có thể ức chế các hoạt động của nhiều loại virút: quả họ dâu (berries), trà xanh, cần tây, hành tây, trái cây họ cam chanh bưởi, các loại rau gia vị (như các loại húng, tía tô), súp lơ xanh, cải xanh, táo, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh, dầu olive, đậu năng, …
Nhóm thực phẩm chứa các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (Probiotics) và chất xơ (Prebiotics).
Probiotics: yaourt (sữa chua), sữa, pho mát, dưa chua, kim chi, tương bần, cà pháo,…
Prebiotics: hạt óc chó, chocolate đen, hành tây, yến mạch, táo, tỏi tây, đậu lăng đỏ,...
Nhóm chất béo, đặc biệt chất béo giàu Omega 3.
Ưu tiên sử dụng những loại chất béo không no: cá, quả bơ, dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương,… hơn là những chất béo no (thịt mỡ, bơ thực vật, dầu dừa, pho mát,…).
Omega3 là acid béo thiết yếu, cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch, có nhiều trong dầu cá, dầu gan cá tuyết, cá mòi, cá hồi, basa, cá bơn, cá trích, cá thu, cá ngừ,…
Uống đủ nước theo nhu cầu và đúng cách
Uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, nước đun sôi để nguội hoặc đã tiệt trùng, uống từ từ, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày, ngay cả khi không khát, không uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
3. Hạn chế những thực phẩm sau
Tránh các loại thức uống có gas, nước ngọt, đồ uống có chứa cồn,
Hạn chế thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, mỳ tôm, ... chứa nhiều chất béo, đường và muối không tốt cho cơ thể. Lượng muối tối đa: 5g/ngày (kể cả muối trong thực phẩm).