Sở Y tế TP.HCM vừa đề xuất tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và người có nguy cơ cao vào 2 tháng cuối năm 2021. Các chuyên gia nhận định, việc triển khai tiêm cần thận trọng, sử dụng vaccine đúng loại, đúng thời gian để đạt hiệu quả tốt, an toàn.
Tiêm mũi 3 là cần thiết
Sau nhiều đợt triển khai tiêm vaccine Covid-19, TP.HCM và TP. Hà Nội, đạt tỷ lệ tiêm đủ liều trung bình trên 69%, cao nhất cả nước. Tuy nhiên, sau 6 tháng một số trường hợp mặc dù đã được tiêm đầy đủ nhưng vẫn nhiễm bệnh, tỷ lệ dao động từ 10-30% (tùy từng nghiên cứu).
Để rút kinh nghiệm đợt dịch thứ 4 vừa rồi, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận thấy rằng, khả năng virus SARS-CoV-2 bùng phát trở lại, nên việc tạo hàng rào miễn dịch cộng đồng là điều cần thiết.
Các chuyên gia nhận định, 6 - 12 tháng là khoảng cách tiêm vaccine mũi 3 an toàn, hiệu quả cao. Việc tiêm đúng thời gian quy định sẽ giúp Covid-19 dần trở thành bệnh cúm thông thường.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết trên Lao Động: "Virus SARS-CoV-2 có thể có nhiều biến thể trong tương lai, nhằm chống lại vaccine của con người. Đơn cử như biến thể phụ của Delta là AY.4.2 lây lan nhanh và xuất hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, nhiều quốc gia đang khẩn trương tiêm mũi thứ 3 bảo vệ người dân".
Tiêm mũi 3 triệu chứng nhẹ hơn mũi 1 và mũi 2. Tuy nhiên, các trường hợp sốc phản vệ cũng có thể xảy ra. Hiện nay, chúng ta đã có kinh nghiệm tổ chức tiêm chủng nên trường hợp tử vong rất hiếm.
"Tiêm chủng mũi 3 chúng ta vẫn cần lưu ý về chứng rối loạn đông máu xảy ra ở người lớn, hoặc viêm cơ tim ở trẻ nhỏ nên cẩn trọng vẫn là điều cần thiết", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nói.
Có thể tiêm vaccine mũi 3 khác loại
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược TP.HCM kiêm Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - thông tin trên Người Lao Động, trước đó, nếu tiêm 2 mũi đầu là vaccine AstraZeneca hoặc vaccine khác loại được phép tiêm thì có thể tiêm Moderna hoặc Pfizer. Ví dụ, mũi 1 tiêm AstraZeneca, mũi 2 Pfizer hoặc mũi 1 Moderna mũi 2 Pfizer thì mũi 3 cũng có thể tiêm chéo 2 loại vaccine này (vì hiện được phép tiêm trộn 2 loại này).
Riêng ới các loại vaccine khác như của vaccine Vero Cell do Sinopharm sản xuất thì chưa có nghiên cứu nào thử nghiệm nên cần thận trọng khi tiêm mũi 3 khác loại.
Theo PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, các phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 sẽ là những phản ứng phổ biến như đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy, các cơ sở tiêm chủng cần bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc.
Bên cạnh các quy định bảo đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm cũng cần được khám sàng lọc tương tự 2 mũi tiêm trước. Các điểm tiêm phải bố trí để bảo đảm giãn cách, sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất thường xảy ra với cơ thể (dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm).
"Về nhà cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế", PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho biết.