Sức khỏe Đời sống dẫn lời PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây lan nhưng nó khó lây hơn những bệnh truyền nhiễm khác.
Đậu mùa khỉ không dễ lây lan như Covid-19 hay bệnh cúm thông thường, thậm chí khả năng lây thấp hơn nhiều so với bệnh đậu mùa, do đó khả năng thành dịch là rất thấp.
"Virus đậu mùa khỉ chỉ lây truyền trong một số cộng đồng nhất định, khả năng thành dịch là rất thấp. Nó chỉ lây truyền tốt với động vật gặm nhấm và loại khỉ trong môi trường tự nhiên còn trong môi trường xã hội mình thì ít có khả năng lây lan", PGS.TS Đỗ Văn Dũng khẳng định.
Theo đó, với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh phải tiếp xúc khoảng cách gần, cọ xát, da có trầy xước, quan hệ tình dục... với người bị bệnh đậu mùa khỉ thì mới có thể bị lây truyền.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, triệu chứng quan trọng nhất của những người mắc đậu mùa khỉ là đau dữ dội do vậy khi bị bệnh phải đến cơ sở y tế nên có thể sàng lọc, phát hiện.
Ngoài ra người bị đậu mùa khỉ còn có triệu chứng sốt, phát ban đỏ, đau cơ, đau đầu, mụn nước, sang thương, đặc biệt là nổi hạch.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, để phát hiện bệnh đậu mùa khỉ cần phải thông qua 3 yếu tố.
Thứ nhất là dịch tễ: Phải là những người có nguy cơ tiếp xúc gần, cọ xát, da có trầy trợt và sang thương, quan hệ tình dục... với người bị đậu mùa khỉ thì mới lây bệnh, còn người chưa bao giờ tiếp xúc với người bị đậu mùa khỉ thì không thể mắc được.
Những người tiếp xúc với người nước ngoài, chung phòng, chung giường với người lạ, người có phát ban thì có cơ sở nghi ngờ.
Thứ hai là triệu chứng: Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương đối "cổ điển", đầu tiên có sốt, sau đó phát ban đỏ, đặc biệt là nổi hạch, mụn nước…
Thông thường khi xuất hiện các biểu hiện này người bệnh sẽ đi khám, những trường hợp không đi khám là rất cá biệt.
Thứ ba là xét nghiệm: Với người bình thường thì căn cứ trên dịch tễ và dấu hiệu lâm sàng.