Hầu hết các mốt trong văn hóa ăn kiêng đều tồn tại ý tưởng rằng bạn cần hạn chế ăn uống để cơ thể gầy đi. Tuy nhiên, một phân tích nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Obesity đã chứng minh ngược lại, theo đó thức ăn bạn thêm vào đĩa thực sự quan trọng so với những gì bạn giảm bớt đi.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia từ Đại học Rutgers đã phân tích dữ liệu từ nhiều thử nghiệm giảm cân được thực hiện trong trường đại học và phát hiện ra, việc tăng lượng protein trên đĩa của bạn sẽ dẫn đến lựa chọn thực phẩm tốt hơn và tránh mất khối lượng cơ thể nạc (Lean Body Mass).
Phân tích thử nghiệm đã nghiên cứu trên 200 nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 24 đến 75 với chỉ số khối cơ thể phân loại: thừa cân hoặc béo phì. Mỗi người tham gia được khuyến khích tuân theo chế độ ăn thiếu 500 calo để giảm cân, nhưng với sự hỗ trợ và tư vấn dinh dưỡng phù hợp trong 6 tháng.
Phân tích kết luận khi 20% lượng thức ăn ăn vào là từ protein, hầu hết những người ăn kiêng cũng ăn nhiều rau xanh hơn và giảm lượng ngũ cốc tinh chế và đường bổ sung. Dù những thực phẩm này không bị loại bỏ hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống, lượng protein cao hơn trong bữa ăn của họ dẫn đến mong muốn bổ sung bữa ăn bằng các món khác lành mạnh hơn và giảm ham muốn ăn những thực phẩm có hại cho sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, thông thường khi những người ăn kiêng giảm cân, họ cũng đang giảm khối lượng cơ thể nạc. Bất kỳ ai trải qua một chế độ giảm cân khuyến khích hạn chế calo cũng có thể sẽ giảm lượng thức ăn lành mạnh với các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Nếu bạn thực sự đang muốn một cơ thể thon gọn hơn thay vì chỉ gầy hơn, nghiên cứu khuyên bạn nên tiêu thụ một lượng protein cao hơn và cải thiện chất lượng chế độ ăn uống để giữ được khối lượng cơ thể gầy đó.
Ví dụ, nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù cả nhóm có hàm lượng protein thấp và protein cao đều giảm được cân nặng như nhau (khoảng 5% trong khoảng thời gian 6 tháng), nhưng nhóm sử dụng có lượng protein cao hơn sẽ ăn các loại thực phẩm lành mạnh hơn và giữ được lượng cơ nạc cao hơn.
Những người tham gia các nghiên cứu được khuyến khích tiêu thụ các nguồn protein nạc như thịt gia cầm, thịt đỏ chưa qua chế biến, cá, các loại đậu và sữa. Bên cạnh các nguồn protein này, họ được khuyến khích cân bằng chế độ ăn uống với trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời giảm lượng chất béo bão hòa, ngũ cốc tinh chế, đường và muối.