Theo kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tâm thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP. Thủ Đức) được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.
Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở oxy dòng cao (HFNC) có tỷ lệ trầm cảm 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy bệnh nhân hài lòng về mọi mặt trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Đồng thời, 67% bệnh nhân rất muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.
Trước nhu cầu thực tế đó, Ban giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 đã mời nữ tu - Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đến khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân Cocivd-19 tại đây.
Thời gian khảo sát trong 4 ngày với 32 mẫu, là các bệnh nhân nặng đang nằm điều trị tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP. Thủ Đức.
TS Minh Thúy chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online: "Khi bị bệnh thông thường còn có người thân theo cùng chăm sóc, nhưng với COVID-19 họ phải cách ly, tôi thấy có quá nhiều vấn đề lo lắng, chán nản, hoảng loạn, trầm buồn của người bệnh".
Bằng việc tiếp cận trực diện, bà nói rằng cố gắng khơi gợi với hy vọng giúp bệnh nhân những gì cụ thể nhất như cho ăn, uống, massage… Việc được hỗ trợ tâm lý góp phần giúp bệnh nhân bình tĩnh, dần dần chấp nhận thực tại và có thể vượt qua được c.ú sốc, vực dậy tinh thần chiến đấu với bệnh tật.