Học đường

Vụ phạt trò 231 cái tát: Giáo viên khẳng định không có mặt lúc tát và nêu lý do khiến nhiều người phẫn nộ

Yến Nguyễn (Tổng hợp)
Chia sẻ

Cô Nguyễn Thị Phương Thủy thừa nhận việc mình tự ý đặt ra "quy định" là sai nhưng một phần cũng vì áp lực thi đua của trường và mong muốn các học trò của mình được tốt lên nên mới giáo dục một cách nghiêm khắc như vậy.

Liên quan đến vụ việc cô giáo phạt bằng 231 cái tát khiến học sinh nhập viện, Phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh đã tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977, GVCN dạy Toán và Công nghệ của lớp 6.2) 2 tuần và lập đoàn kiểm tra xác minh vụ việc.

Cô giáo phạt học trò bằng 231 cái tát nói gì?

Trả lời báo Lao động, từ đầu năm học, cô Nguyễn Thị Phương Thủy (sinh năm 1977) cho biết, cô nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 6/2 thì tình hình lớp không được tốt, phần lớn các em học lực dưới trung bình, hay vi phạm đạo đức, đánh nhau, chửi nhau, vi phạm nội quy nhà trường.

“Do áp lực nên sau buổi sinh hoạt lớp gần đây, tôi nói là từ nay về sau, em nào mà nói tục chửi thề thì các bạn bên cạnh sẽ vả vào mồm bạn vi phạm. Khi đó, các em hỏi “vả mấy cái cô?”. Tôi trả lời “vả 10 cái”, báo này dẫn lời cô Thủy

Trả lời câu hỏi rằng thông tin mỗi em trong lớp tát 10 cái vào mặt em N. là đúng không?, cô Thủy cho rằng đúng là có tát, còn cụ thể thế nào thì cô không biết vì khi đó đang dạy ở lớp khác. Cũng không có học sinh nào báo với cô và nhà trường khi sự việc xảy ra.

Em N. bị cô Thủy cho bạn trong lớp tát mỗi bạn 10 cái nhập viện trong tình trạng sưng tím mặt.

Cô Thủy nói thêm, chắc ai đó nghe được việc cô nói khi ai nói tục thì bị bạn bên cạnh tát 10 cái rồi lấy 23 học sinh nhân lên 10 thành 230 cái tát, cộng với 1 tát của cô nữa là thành 231 cái tát vào mặt em N.

Cùng trao đổi với báo Người lao động, Thủy thừa nhận việc mình tự ý đặt ra “quy định” là sai nhưng một phần cũng vì áp lực thi đua của trường và mong muốn các học trò của mình được tốt lên nên mới giáo dục một cách nghiêm khắc như vậy.

Bản thân cô Thủy đã rất hối hận về hành động của mình và đã đến gia đình em N. xin lỗi.

Trong chiều ngày 24/11, em H.L.N đã quay lại trường để học tập bình thường. Em N. bày tỏ mong muốn không tiếp tục học lớp mà cô Thủy chủ nhiệm. Đây cũng là nguyện vọng của gia đình em N. sau sự việc đau lòng nói trên.

Những quy định hà khắc của trường tạo áp lực, làm khó giáo viên

Về phía nhà trường, Cô giáo Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh xác nhận với báo Tiền Phong về sự việc nói trên và xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân thì toàn bộ công sức của tập thể nhà trường sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

Theo bà Lệ Anh, trong hoạt động Đội của trường quy định nếu lớp học có em học sinh nói tục là bị trừ 5 điểm, nên đã tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm. Bà Anh cũng thừa nhận biện pháp của cô Thủy đưa ra không đúng, mong phụ huynh thông cảm.

Trường THCS Duy Ninh - nơi xảy ra vụ việc.

Trước những nội quy, quy định đang siết chặt, làm khó các thầy cô của nhà trường, cô Đỗ Quyên đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về nguồn cơn dẫn đến việc giáo viên dùng bạo lực học đường với các em học sinh:

“Trước Cứ nhìn một số quy định trong sổ cờ đỏ của nhiều trường học chúng ta sẽ thấy có quá nhiều điểm trừ khi học sinh vi phạm.

Lỗi về đi học trễ, không đội mũ bảo hiểm, nói tục chửi thề, gây gỗ đánh nhau, quét trực nhật bẩn, xả rác bừa bãi…không phân biệt mắc lỗi lần đầu hay thường xuyên vi phạm…tất cả lỗi đều quy ra điểm để trừ.

Lớp nào có tên học sinh mắc lỗi ở sổ cờ đỏ trong tuần xem như là cả lớp bị tụt hạng và giáo viên chủ nhiệm sẽ là người chịu trách nhiệm chính.

Nhiều trường học sợ giáo viên lơ là nhắc nhở vào giáo dục các em nên cột thành tích của lớp vào thành tích giáo viên. Điều này thầy cô khó lòng mà thoát được.

Không ít trường làm rất gay gắt chuyện này và vì thế giáo viên lại gay gắt đến độ “phát xít” với trò.

Một số đồng nghiệp của chúng tôi đang giảng dạy tại một trường trung học phổ thông cho biết, đầu tuần là đọc bảng xếp thứ hạng. Lớp đứng trong tốp được khen, lớp đội sổ chỉ vài lần bản thân thầy cô được lên phòng hiệu trưởng “uống nước”.

Nếu cứ liên tục lặp lại như thế, chuyện xếp loại chủ nhiệm của thầy cô cũng sẽ bị mang ra xem xét, mổ xẻ.

Trường không hà khắc chuyện này thì thầy cô giảm được nhiều áp lực và chính học sinh cũng dễ thở hơn nhiều.

Chuyện quy định cứng nhắc các lỗi học sinh mắc phải là trừ điểm bộc lộ khá nhiều bất cập, vô lý. Ví như đi học muộn trừ 5 điểm mà không cần biết vì sao em ấy lại đi học muộn.

Ở bậc tiểu học, học sinh đến trường phải phụ thuộc vào phụ huynh. Có em nói rằng đến giờ đi học nhưng ba mẹ đi công chuyện chưa về.

Em cho biết do mẹ gọi dậy muộn, hay đang chuẩn bị đi nhà có khách, ba có điện thoại, rồi xe hư, xe hết xăng…thầy cô mắng phạt các em nhưng người gây ra lỗi lại chính là cha mẹ chúng.

Hãy để trường học là môi trường giáo dục đúng nghĩa

Thầy cô giáo nào hằng ngày chẳng dạy các em những điều hay lẽ phải, thực hiện đúng những quy định nhà trường đã phổ biến.

Chuyện học sinh vi phạm cũng là bình thường và giáo viên vẫn tiếp tục nhắc nhở, động viên từ từ.

Vậy cớ gì phải có đội quân cờ đỏ chuyên giám sát, theo dõi để “bắt bớ”, để trừ điểm?

Cớ gì khi thầy cô luôn dạy dỗ, giáo dục các em hết mình nhưng vi phạm của trò (ngoài mong muốn) lại đổ ập lên đầu giáo viên?

Chẳng thể phản kháng, nhiều thầy cô chỉ còn cách áp chế học trò. Và giáo viên dùng bạo lực học đường với các em cũng xuất phát từ đây”, báo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời chia sẻ của cô Đỗ Quyên.

Việc cô giáo phạt học sinh là sai và hoàn toàn không chấp nhận được

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Nghĩa - thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết lãnh đạo Bộ đã yêu cầu Sở GD-ĐT Quảng Bình kiểm tra, xử lý ngay vụ cô giáo phạt tát học sinh 231 cái và báo cáo sớm nhất về Bộ GD-ĐT.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng dù nguyên nhân là gì thì việc cô giáo phạt học sinh với hình phạt như trên là sai và hoàn toàn không chấp nhận được. Vì vậy, nhà trường phải xem xét và xử lý thật nghiêm.

Chiều 24/11, Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng họp để xem xét sự việc trên cơ sở giải trình của những người liên quan.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất