Học đường

Từ quy định giáo viên xúc phạm học sinh bị phạt 30 triệu đến việc cô giáo bắt cả lớp ngậm bút giữ trật tự: Khi ranh giới đúng sai trở nên quá mong manh

Vương Phi (TH)
Chia sẻ

Trong khi Bộ GD&ĐT đang đề xuất dự thảo sẽ xử phạt giáo viên xúc phạm danh dự và xâm phạm thân thể học sinh số tiền 10 đến 30 triệu đồng thì cũng là lúc dư luận xôn xao vụ việc cô giáo bắt học trò lớp 1 ngậm bút để giữ trật tự.

Xử phạt 10 đến 30 triệu đồng giáo viên xúc phạm danh dự, xâm hại thân thể học sinh

Thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT khiến nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh xôn xao khi đưa Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GDĐT ra để lấy ý kiến. Đây có lẽ là lần đầu tiên, những quy chuẩn đạo đức nhà giáo được chuyển hóa thành nội quy rõ ràng và xử phạt hoàn toàn bằng tiền trong túi giáo viên. Với mức lương không cao trong ngành giáo dục, dự thảo này đang gây ra vô số tranh cãi trái chiều.

Lý do là khung hình phạt của dự thảo khá nặng. Cụ thể, nghị định mới nêu rõ: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

Nếu vi phạm, giáo viên buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ 1 đến 6 tháng”.

Giáo viên xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc xâm phạm thân thể học sinh sẽ bị phạt nặng. Ảnh minh họa.

Trong khi tương lai của dự thảo trên sẽ ra sao vẫn chưa có câu trả lời thì mới đây, dư luận lại băn khoăn trước câu chuyện cô giáo bắt học sinh lớp 1 ngậm bút để giữ trật tự.

Toàn bộ vụ việc bắt đầu từ việc nữ giáo viên được cử dạy thay. Trong thời gian cuối giờ, vì lớp quá ồn ào nên cô giáo yêu cầu học sinh ngậm bút giữ trật tự. Việc này sau đó bị phụ huynh phát hiện và đăng lên Facebook với lời lẽ khá tức giận. Cơn sóng gió bắt đầu nổi lên, cô giáo đã phải xin lỗi phụ huynh, học sinh… nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng ở lại đó.

Tình huống này tiếp tục bị mọi người đem ra mổ xe, phân tích. So sánh với chuyện giáo viên bắt học sinh quỳ gối và rồi đổi lại chính cô phải quỳ xin lỗi phụ huynh từng gây sóng gió trong dư luận trước đây, câu chuyện này có khá nhiều điểm tương đồng. Tất cả đều gây ra tranh cãi gay gắt rằng rốt cuộc thì những việc làm đó có thật sự đã xâm hại danh dự, tinh thần học sinh nghiêm trọng như những gì phụ huynh lo lắng và nhiều người đang đồn thổi. Đặt trường hợp việc bắt học sinh quỳ gối có mang yếu tố này thì liệu việc chỉ ngậm một chiếc bút đã là hành vi sai trái đến nỗi phải lên án gay gắt?

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề này, ông Phan Nam, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Huế khẳng định, việc làm của cô Phan Thị Hương Lan (người bắt học trò ngậm bút) là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học trò. Vì đã làm sai nên chuyện cô giáo xin lỗi phụ huynh, học sinh không có gì là hạ thấp danh dự nghề giáo. Trái lại, những trường hợp biết nhìn nhận lỗi sai của mình nên trở thành tấm gương để mọi người học hỏi.

Từ những câu chuyện thực tế đến nỗi lo ngại bị xử phạt oan

Có lẽ chuyện giáo viên bắt học sinh ngậm bút sẽ không ầm ĩ đến thế nếu thời điểm này, Bộ GD&ĐT không đưa dự thảo mới ra lấy ý kiến. Chỉ một việc bắt học sinh ngậm bút đã bị phản đối kịch liệt, nhiều giáo viên băn khoăn không biết trong tương lai, họ sẽ phải cư xử như thế nào với học sinh khi Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục lại không quy định rõ đâu là hành vi xúc phạm danh dự, việc nào chỉ dừng ở mức nhắc nhở người học.

Cô giáo Phương (Hà Nội) cho rằng, nghị định mới nên có những điều khoản rõ ràng để giáo viên căn cứ vào đó biết cách ứng xử với học trò. “Nếu chỉ một câu mắng mỏ, một cái phạt roi vào tay mà bị phạt 20-30 triệu đồng thì còn ai dám đi dạy học nữa“, cô Phương nói.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rằng: “Ở khía cạnh nào đó, hình phạt này có thể có tác dụng nhưng lại ở mức cao và không phù hợp”. 

Đồng tình với quan điểm này, PGS -TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - cho rằng cần có quy định cụ thể thế nào là xúc phạm nhân phẩm, thân thể người học thì mới có thể áp dụng phạt tiền. Việc đánh vào túi tiền của giáo viên, học sinh hay phụ huynh, có thể ngăn chặn tiêu cực nhưng không phải dài pháp triệt để.

Ảnh minh họa.

Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh Tra Bộ GD&ĐT cho biết, mục đích ban hành Nghị định này là ngăn chặn tiêu cực, giúp các chủ thể liên quan đến giáo dục thấy nếu làm những việc không đúng sẽ có nguy cơ bị phạt thế nào để tránh. Ngoài hình phạt với giáo viên, nghị định cũng áp dụng với phụ huynh có hành vi xúc phạm giáo viên. Đây là công cụ để cảnh báo, bảo vệ giáo viên để không vi phạm nặng hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng, thực tế, giáo viên đi dạy cũng không tránh khỏi việc nổi nóng, quát học sinh…hình thức vi phạm tới mức độ nào, phạt như thế nào đều phải xem xét một cách cụ thể.

Ông Bằng phân tích, dù không còn khuyến khích giáo viên vụt thước vào tay học trò nhưng điều này không có nghĩa là chiếu theo nghị định mới, chỉ cần một hành động như vậy mà giáo viên bị phạt 30 triệu. Việc phạt hành chính sẽ được đưa ra tùy theo tính chất sự việc và được xem xét kỹ càng.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi (TH)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất