Hồ Đắc Thanh Chương sinh ra trong dòng họ Hồ Đắc, dòng họ được trọng vọng bậc nhất ở làng An Truyền (còn có tên gọi khác là làng Chuồn), huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Không phải bỗng dưng mà từ bao đời nay, người làng An Truyền vẫn lưu truyền câu nói “họ Hồ làm quan, họ Đoàn làm giặc”. Bởi cùng vào triều Nguyễn, trái ngược với dòng họ Đoàn có ba anh em Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực đã lãnh đạo cuộc nổi dậy “loạn chày vôi” làm chao đảo kinh thành Huế một thời, dòng họ Hồ Đắc lại là một dòng họ lớn với nhiều người làm quan đầu triều cũng như các bậc trí thức tài danh trong lịch sử đất nước. Hãy cùng điểm qua một số cái tên lớn của gia tộc Hồ Đắc để xem mức độ “danh giá” của dòng họ này đến mức nào nhé:
1. Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung
Ông sinh năm 1861, thi đậu Cử nhân trong khoa thi năm 1884 rồi ra làm quan cho nhà Nguyễn. Trải qua 5 đời vua từ Đồng Khánh đến Bảo Đại, ông làm đến chức Đông Các đại học sĩ thuộc hàng Tứ trụ, tức một trong bốn chức quan cao nhất bên cạnh nhà vua nắm quyền điều khiển triều triều đình lúc bấy giờ, được phong tước Khánh Mỹ Quận công. Ông đồng thời cũng là cha vợ của vua Khải Định.
2. Giáo sư Hồ Đắc Di
Ông sinh năm 1890 là con trai thứ 3 của quận công Hồ Đắc Trung. Năm 1918, ông sang Pháp du học và tốt nghiệp ngành Y Đại học Tổng hợp Paris sau đó trở về với mong muốn cống hiến cho nước nhà. Sau 1945, ông tham gia chính phủ mới và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Giáo sư Hồ Đắc Di là vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập.
3. Giáo sư Hồ Đắc Điềm
Ông sinh năm 1899 là Tiến sĩ Luật, Giáo sư người Việt Nam đầu tiên tại Đại học Luật khoa Hà Nội dưới thời Pháp thuộc, rồi trở lại làm quan cho nhà Nguyễn ngạch Tư pháp, đã từng giữ chức Bố chánh tỉnh Bắc Ninh, Tổng đốc Hà Đông. Sau năm 1945, ông từ bỏ mọi vinh hoa phú quý và tham gia chính phủ mới, giữ chức vụ Chánh án Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Nhất giai Ân phi Hồ Thị Chỉ
Bà sinh năm 1902, là cung phi của vua Khải Định và là con gái của Quận công Hồ Đắc Trung. Bà được biết đến là một phụ nữ tài năng lại tinh thông tiếng Pháp và có vai trò quan trọng bậc nhất trong hậu cung nhà Nguyễn dưới triều Khải Định. Tuy nhiên, cuộc đời bà lại là một chuỗi bi kịch khi yêu vua Duy Tân nhưng lại trở thành vợ của vua Khải Định. Bà sống cuộc sống tẻ nhạt không con cái và có một kết thúc cuối đời hết sức đau buồn.
5. Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không - Hồ Thị Hạnh
Bà sinh năm 1905, tên thật là Hồ Thị Hạnh. Bà là người tinh thông cả Nho học truyền thống lẫn Tây học và là là một trong những lãnh đạo kiệt xuất hàng đầu của ni giới trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại.
Bên cạnh 5 cái tên nổi bật này, họ Hồ Đắc còn rất nổi tiếng khi có tới 5 nàng dâu là công chúa triều Nguyễn, cũng như là dòng họ có truyền thống khoa bảng, hiếu học hàng đầu ở Huế. Trong số con cháu trong họ Hồ Đắc hiện nay cũng có rất nhiều người theo học tại những ngôi trường trung học, đại học danh tiếng của Huế nói riêng và của cả nước nói chung.
Ngay bản thân Hồ Đắc Thanh Chương và anh trai Hồ Đắc Thanh Tân đều theo học tại ngôi trường “huyền thoại” Quốc học Huế. Có lẽ chính gia thế với bề dày truyền thống khoa bảng cộng thêm năng lực, sự cố gắng của bản thân là động lực thúc đẩy để chàng trai Hồ Đắc Thanh Chương đạt được những kết quả vượt trội trong suốt quá trình học tập cũng như có được chiến thắng vinh quang ngày hôm nay.