Sở dĩ, người ta gọi là chú Năm bông gòn vì người đàn ông 77 tuổi này đã dành gần 50 năm trên chiếc xe đạp, bán từng chiếc kẹo. Chú Năm và gia đình sống trong căn nhà lụp xụp chỉ vỏn vẹn vài mét vuông tại phường 9, quận 8, TP Hồ Chí Minh.
Trong căn nhà nhỏ chẳng có đồ vật gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cũ là công cụ mưu sinh của cả gia đình. Gia tài ấy đã theo cụ ông 77 tuổi trong suốt 45 năm qua.
Đáng lẽ ra, ở cái tuổi phải được an hưởng tuổi già, vui vầy bên con cháu thì chú Năm lại không may mắn như vậy. Hai vợ chồng chú có 6 người con nhưng người nào cũng nghèo khó, vất vả, chẳng đỡ đần được cha mẹ là bao. Hiện tại, vợ chồng chú sống cùng đứa cháu con của người con gái thứ tư.
Một nhà 3 người, tất cả mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều dựa vào chú và xe bông gòn khiến đôi vai của cụ ông càng thêm nặng gánh mưu sinh. Ở cái tuổi xế chiều, bản thân chú Năm mắc bệnh tim lại thêm tuổi già sức yếu không thể ngày ngày chạy xa buôn bán.
Giữa thành phố Sài Gòn rộng lớn, tìm được một xe kẹo bông gòn đã khó, tìm được một người làm kẹo bông gòn bằng thủ công như chú Năm còn hiếm hoi hơn. Chú Năm ngồi cả buổi sáng cũng chỉ lác đác vài người khách qua đường, thu nhập cả ngày nếu may mắn thì bán được hai ba chục ngàn. Có khi cuối ngày, chú còn chẳng bán được cây kẹo bông gòn nào.
Ngoài việc tự làm kẹo bông, chú năm còn bán cả những chiếc chong chóng. Với thu nhập ít ỏi, không đủ tiền để mua những chiếc chong chóng được bán ở chợ đầu mối, chú Năm buộc phải tự mình cắt dán, làm nên những chiếc chong chóng mộc mạc, đầy màu sắc.
Đi qua nhiều năm tháng, mái tóc chú đã bạc hơn và hình ảnh chiếc áo sờn vai cùng nụ cười rạng rỡ khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.