Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Việt Tú: Học hỏi từ Đông sang Tây cả 10 năm để làm trình diễn thực cảnh

Không xô bồ, không lớn tiếng truyền thông, thậm chí đến Facebook cũng chỉ mới dùng gần đây, nhưng những chương trình anh tham gia đều vào hàng tầm cỡ như Live show Nhật thực, chương trình Không gian âm nhạc, Tùng Dương Concert, Hồ Ngọc Hà Live Concert…

Anh từng có nhiều dấu ấn, nhưng thời gian gần đây, không thấy nhiều dự án như vậy. Có phải vì anh giờ đây chú trọng đến việc kiếm tiền nhiều hơn là nghệ thuật?

Mọi người ở Việt Nam làm nghệ thuật ngại nói chuyện tiền vì nghĩ tiền bạc hơi xôi thịt, nhưng tôi không ngại, và muốn gọi nó là thành công về mặt thương mại. Từ lâu, khi vác ba lô đi tầm sư học đạo, tôi đã nghĩ đến điều này, và nước Mỹ đã dạy cho tôi rằng: văn hóa nghệ thuật và kinh tế là quan hệ cộng sinh. Ngày xưa những nhà giàu luôn đón nghệ sĩ trong nhà, vì họ nhìn thấy một điều: tiền bạc không giúp người ta lưu danh sử sách, cái họ lưu dấu ấn chính là các tác phẩm nghệ thuật. Và bài học đầu tiên tôi học được là: nếu một người nghệ sĩ tách mình ra khỏi đời sống, kinh tế, chính trị thì các tác phẩm của họ sẽ ẩn nấp đâu đấy trong bóng tối và bị che phủ. Như Van Gogh là một ví dụ: các tác phẩm của ông hàng trăm năm sau mới được công nhận, đó thực sự là một sự lãng phí. Trong khi có một trường hợp rất tuyệt vời là Piccaso đã chứng tỏ được mình ngay từ lúc sinh thời. Và tôi chỉ đơn giản đi theo dòng chảy đó.

(Đạo diễn Việt Tú chỉ đạo tại Vở diễn thực cảnh “Chùa Hương Xưa - Nay”)

Tuy nhiên, với một người có sức sáng tạo như anh thì trong 5 năm qua dường như có quá ít cái mới?

Tôi hi vọng: một vở diễn dân tộc trong nhà hát “Tứ Phủ” và hai vở diễn thực cảnh lớn như “Thủa ấy xứ Đoài”, “Chùa Hương Xưa và Nay” sẽ thay tôi trả lời câu hỏi này. Nhưng không vì vậy mà tôi cảm thấy hài lòng, tôi vẫn luôn gây áp lực cho mình hàng ngày để có thêm những mỏ quặng sáng tạo. Để có thể hiện thực hoá trình diễn thực cảnh tại Việt Nam, với tôi đó là sự kết tinh của 10 năm đi từ đông sang tây. Khát vọng trong tôi không thay đổi, chỉ là tôi chọn cách làm không ầm ĩ vì tôi nghĩ nó sẽ lâu bền.

(Hình ảnh trong vở diễn “Thuở ấy xứ Đoài”).

Điều gì đã khiến anh cảm thấy hứng thú với trình diễn thực cảnh?

Đến một lúc mình sẽ thấy các show hay event chỉ là cuộc đua danh gắn với những thứ đầu tiên, hay kỷ lục, hay công nghệ khủng, nhưng những thứ đó không đem lại cho tôi sự thỏa mãn, tôi muốn tạo ra những giá trị riêng lưu dấu mình, để ngay cả khi chết đi, người ta sẽ nhắc rằng ở thời điểm đó, ở thị trường này, có ông tên là như này đã tạo ra được di sản về nghệ thuật này.

Tuy nhiên, sau một dự án gặp trục trặc, anh sẽ tiếp tục theođuổi thực cảnh với các dự án mới như thế nào? Anh có cảm thấy nóng ruột ra mắt sản phẩm mới?

Tôi không đặt áp lực phải thực hiện dự án cho có, và tôi cũng không lên kế hoạch thực hiện đơn lẻ một dự án dài hơi nào. Như các bạn thấy trước khi ra mắt vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam “Thủa ấy xứ Đoài” thì tôi có “Tứ Phủ” song song với hai tác phẩm này tôi và Thầy trụ trì Chùa Hương đã ấp ủ thực hiện vở diễn thực cảnh “Chùa Hương Xưa - Nay” tại suối Yến với hình ảnh chủ đạo là cả trăm con đò. Với tôi mỗi tác phẩm cần là kết tinh của thành quả lao động và nghiên cứu của không chỉ riêng bản thân vì vậy lại càng phải cẩn trọng.

Về các trục trặc trong nghề, tôi cho nó là một phần của sự phát triển tôi coi đây là một cơ hội để mình có thể giải quyết các hạ tầng pháp lý cho bản thân và đồng nghiệp nghệ sĩ.

(Hình ảnh trong vở diễn thực cảnh “Chùa Hương Xưa - Nay”).

Một tác phẩm thực cảnh có thể tái sử dụng nhiều lần, có vẻ như anh chọn loại hình này sẽ rất có lợi về mặt kinh tế?

Một tác phẩm tốt để càng lâu càng được nhớ nhiều, giống như chai vang loại hảo hạng. Với người làm nghệ thuật, vở diễn thực cảnh cũng như những chương trình biểu diễn hàng ngày như “Tứ Phủ” giúp cho người nghệ sĩ thực hiện được việc sáng tạo một hệ thống, cũng như không phải bào mòn sức sáng tạo theo kiểu ngắn hạn, vì không ai làm được như vậy mãi.

Là một công dân đô thị, hình thức cũng có vẻ rất hiện đại tại sao anh lại đùng một cái chuyển hướng từ những sự kiện, liveshow đương đại quay về những chủ đề dân tộc như “Tứ Phủ” hay những vở diễn thực cảnh, phải chăng là nhân duyên?

Là “giai phố cổ” nhưng ký ức làng quê trong tôi chiếm phần lớn thời thơ ấu, vì hoàn cảnh gia đình mẹ tôi một diễn viên múa rối nước thường đưa tôi đi trong các chuyến đi công tác về các làng quê của bà. Kể từ đó trong đầu tôi lờ mờ là một ngày nào đó phải làm gì về nghệ thuật dân tộc, sau này, khi xem các chương trình của Trương Nghệ Mưu, TanDun, Kitaro, biên đạo El Sola Thủy, tôi bắt đầu mới có hình dung rõ hơn về con đường của mình. Kịch bản thực cảnh đầu tiên (tất nhiên lúc đó tôi không biết gọi thực cảnh là gì) của mình là năm 2009. Hồi đó ông Chu Lượng hiện là giám đốc Nhà hát múa rối nước Thăng Long, có cuộc triển lãm 1000 con rối cổ tên là “Hồn nước mặt người” đây là gợi í rất rõ ràng về thực cảnh vì ông trưng bày chúng trên bối cảnh thực của cuộc sống làng quê, và tôi chỉ cần làm đơn giản là tráo đổi khái niệm, chuyển hóa những tiết mục rối nước thành người nông dân trên không gian mà nó vốn thuộc về.

Ảnh trong vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam “Thủa ấy xứ Đoài”

Yếu tố tiên quyết để có một vở diễn thực cảnh thành công là gì?

Trước tiên thực cảnh phải có một câu chuyện đặc trưng của vùng đất đó tuyệt đối không được pha tạp, nếu không vì câu chuyện đặc trưng thì sao phải đến tận vùng đất ấy để xem. Làm ở đâu phải là câu chuyện ở đó. Sài Sơn không thể có xe kéo và thuyền rồng, quan họ. Sài Sơn đương nhiên phải là Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh và nghề múa rối nước. Vì vậy làm trình diễn thực cảnh, đạo diễn phải có vốn sống của một người làm văn hóa.

Nói thực cảnh mọi người cho rằng có gì ghê gớm, thực ra nó chỉ mới về khái niệm, thế giới làm nó từ đã lâu, tôi từng sang Ý và xem biểu diễn ở một nhà hát ngoài trời có tuổi đời cả nghìn năm với bối cảnh xung quanh là biển Địa Trung Hải và Núi lửa Etna đó cũng chính là thực cảnh. Một lần nữa tôi khẳng định điều mình đã từng nói: “Trong 3-5 năm nữa, trình diễn thực cảnh sẽ trở thành xu hướng của nghệ thuật ở Việt Nam”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vương Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất