Chị Cao Thị Minh Nguyệt (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) nổi tiếng với biệt danh: “Người mẹ có con bốn giới tính”. Trong đó, một cô con gái là dị tính, cô con gái thứ hai là Nguyễn Trúc Vy (27 tuổi) chuyển giới từ nữ sang nam. Đứa con út là Phan Minh Nhật (20 tuổi) là đồng tính nam. Mới đây, chị có một cô con dâu là người song tính.
Theo lời chị Nguyệt, ngay từ khi còn nhỏ, Trúc Vy không như những đứa con gái khác. Vy không thích mặc váy, chơi búp bê… Thay vào đó lại thích trốn tìm, đá bóng… Vy không thích mặc váy, đi giày nữ… Vy thích mặc quần cộc, đi dép lê… Ngày ấy, chị ngỡ Vy là đứa con gái cá tính nên không để ý nhiều.
Đến tuổi đi học, Vy thường bị bạn bè trêu chọc vì vẻ ngoài khác lạ. Nhiều khi giáo viên gọi điện dùng nhiều lời lẽ khó chịu với chị vì không biết cách dạy con, khiến cô bé “khác thường”. Mỗi lần như thế chị cảm thấy rất buồn.
Chị tìm đọc những thông tin về giới tính. Trong tâm thức, chị mù mờ nhận ra hình như con gái mình thuộc giới tính thứ ba. Chị vẫn hy vọng đó chỉ là suy nghĩ sai lầm của mình. Thế nhưng theo thời gian, “cá tính”của Vy ngày càng rõ rệt.
Không ít lần chị nhìn thấy Vy rơi nước mắt vì bị kì thị mà lòng thắt lại. Với hy vọng tránh xa những lời dị nghị đối với Vy, chị quyết định chuyển nhà, chuyển trường. Thậm chí, khi lên cấp ba, Vy không chịu mặc áo dài. Suy đi tính lại, sau cùng chị chuyển lên Đà Lạt với lý do nữ sinh không mặc áo dài. Đến nay, gia đình chị đã chuyển nhà tổng cộng 15 lần.
Vy đậu vào một trường đại học sư phạm theo nguyện vọng của mẹ. Sau khi tốt nghiêp, cầm tấm bằng trong tay, mẹ con chị nghẹn đắng, đi đâu cũng bị khước từ vì: “Không đủ tư cách, tác phong đứng trên bục giảng”. Lúc ấy, chị hỏi lại con thích nghề gì, Vy khẽ đáp: “Mẹ cho con học nghề sửa xe nha”.
Theo thời gian, chị biết Vy là đứa con gái chuyển giới sang nam. Và đây không phải là bệnh mà là do tạo hóa. Một hôm, Vy dắt về nhà một cô gái giới thiệu: “Đây là người yêu của con”. Cả hai vui vẻ một khoảng thời gian dài nhưng sau đó bị gia đình cô gái phát hiện, tìm cách ngăn cấm.
Họ tìm đến tận nhà, chửi bới mẹ con chị bằng những lời cay độc, chính Vy đã lây bệnh cho con họ. Vy chạy vào phòng nằm khóc. Lòng chua chát, chị vừa giận lại vừa thương. Chị “phản ứng” bằng cách kéo Vy đứng trước mặt họ và nói: “Con tôi vẫn bình thường, không bệnh hoạn gì. Tình yêu là giữa hai chúng nó. Anh chị cũng là cha mẹ. Nếu cho rằng tình yêu này là sai thì anh chị cũng có một phần trách nhiệm”.
Kể từ hôm đó, Vy đóng chặt cửa và khóc, nhẩm theo những bài hát trước đây vẫn thường nghe với người yêu. Xót xa, chị liên hệ, xin cô gái đến gặp Vy. Rồi cuộc tình ấy cũng vội tan vỡ. Cô gái đi lấy chồng, chưa tròn một năm thì ly dị và nuôi con một mình.
Thời gian thấm thoắt trôi, Vy có tình cảm với một cô gái khác. Gia đình cô gái lại phát hiện, chửi bới, cho rằng Vy lây bệnh và “chơi ngải” con gái mình. Họ mời công an đến lục soát nhà chị với lý do Vy bắt cóc con mình. Bỏ hơn 10 triệu đồng mua bùa, họ nhốt con gái 5 ngày đốt bùa giải ngải. Rồi dùng nước đái khỉ hắt vào người Vy. Tất cả đều vô hiệu, cả hai vẫn quấn lấy nhau.
Sau cùng, họ dùng hạ sách bắt cóc, đánh đập Vy tàn nhẫn ngay trước mặt người yêu. Họ cho giang hồ đe dọa sẽ vứt Vy xuống đèo Rù Rì. Lúc này, Vy nhanh trí bỏ trốn được. Về đến nhà, người Vy đầy vết thương tươm máu. Chưa tròn một năm, cô gái ấy lấy chồng và cũng ly dị.
Chị Nguyệt kể, sau khi thoát khỏi vòng tay của kẻ côn đồ, Vy về nhà ấm ức trách: “Sao mẹ sinh con ra làm gì? Sao mẹ không giết con khi con còn nhỏ? Con không thể sống như thế này được nữa”. Chị đau đớn, không biết phải xử lý với đứa con chuyển giới như thế nào. Nhìn về hai người yêu cũ của Vy, chị nhận ra hạnh phúc của con không phải do cha mẹ định đoạt. Phải chăng, bi kịch của hai cô gái ấy là những gì bậc cha mẹ mong muốn? Từ đó, chị mở lòng, cổ vũ con cứ yêu, cứ sống đúng với bản chất của mình.
Gần bốn năm trước, Vy dẫn Phan Thị Bích Hà (23 tuổi) về giới thiệu là người yêu. Chị mất hết hy vọng, tự nghĩ cuộc tình ấy rồi cũng trở nên bi kịch. Thấy cả hai quấn quýt nhau trong suốt thời gian dài, chị quyết định “đánh liều”, ra thị xã Ninh Hòa hỏi vợ cho con. Trên đường, chị tưởng tượng đến viễn cảnh sẽ bị đánh đuổi vì dám “làm điều khác người”.
Gia đình Hà sống ở quê, cha mẹ già yếu, bệnh tật. Đề cập vấn đề chính, chị bất ngờ khi cha mẹ Hà cho biết: “Gia đình tôi nghèo, không lo lắng gì được cho con. Là cha mẹ, chỉ mong cháu được hạnh phúc. Chừng ấy, khi tôi nhắm mắt cũng an lòng”. Vậy là hai gia đình làm vài mâm cơm nhỏ ra mắt họ hàng. Vy và Hà trở thành vợ chồng từ đó.
Đêm đầu tiên Hà về nhà, chị Nguyệt tâm sự: “Mẹ luôn muốn các con được hạnh phúc, có danh phận. Nhưng pháp luật chưa công nhận nên con phải chịu chút thiệt thòi. Con là con dâu trong nhà nhưng nếu thấy hạnh phúc thì tiếp tục ở, còn không chỉ cần nói với mọi người một tiếng rồi ra đi. Gia đình luôn tôn trọng ý kiến của con”.
Sau khi Vy lập gia đình không lâu, chị Nguyệt thấy con trai út là Nhật mỗi lần đi học về lại vào phòng đóng cửa, tránh né ánh mắt của người thân. Theo dõi con từ khi còn nhỏ, chị biết Nhật ít giao tiếp với các bạn nam cùng lớp. Cậu chỉ thích chơi búp bê, tính tình yếu đuối. Lúc này chị nghi ngờ con trai cũng thuộc giới tính thứ ba nhưng không dám hỏi vì sợ gây tổn thương.
Chị nhờ vợ chồng Vy tìm hiểu, tâm sự với Nhật. Một hôm, chị vào phòng, dùng khăn lau nước mắt cho Nhật và hỏi nhẹ: “Con không cần phải lo lắng, sợ sệt nếu là đồng tính”. Nhật ôm mẹ vỡ òa: “Chị Vy là người chuyển giới, giờ con là đồng tính nam, làm sao mẹ chịu đựng nổi”.
Từng chấp nhận Vy nên đến lúc Nhật thú nhận, chị đã vơi đau khổ hơn, chỉ bảo: “Các con thuộc giới tính nào thì cũng là con của mẹ. Mẹ chỉ cần các con được hạnh phúc, vui vẻ. Đó là tâm nguyện lớn nhất của bậc sinh thành”.
Mới đây, chị Nguyệt cùng vợ chồng Vy mở một quán cà phê mưu sinh. Riêng Nhật là sinh viên trường đại học Nha Trang chuẩn bị bước sang năm ba. Trong cuộc trò chuyện, chị Nguyệt chia sẻ: “Tôi cảm thấy mãn nguyện với hiện tại vì có bốn đứa con đều ngoan hiền. Các con sinh ra đã khiếm khuyết, đau đớn vì dư luận xã hội rất nhiều. Con đã bị đẩy vào cảnh cô đơn mà cha mẹ còn ép thì làm sao sống nổi. Tuy nhiên, tôi vẫn trăn trở về pháp lý của các con cũng như những người thuộc giới tính thứ ba. Là một người mẹ, tôi hy vọng trong tương lai gần, các con tôi sẽ được danh chính ngôn thuận trong cả pháp lý lẫn ánh nhìn của xã hội”.