Cư dân mạng chắc hẳn vẫn còn chưa quên được câu chuyện vô cùng cảm động của bác giao hàng lớn tuổi một mình loay hoay giữa trời mưa bão khi một khách hàng đặt mua trà sữa rồi lại không nhận hàng.
Đối với nhiều người, đó có thể chỉ là một ly trà sữa, nhưng đối với bác, đó là công sức của cả một ngày dài trên đường mưu sinh.
Câu chuyện khách hàng đặt mua đồ ăn - thức uống thông qua các ứng dụng giao hàng rồi lại không chịu nhận hàng và cũng không đưa ra lý do thích đáng dường như không còn mấy “lạ tai”. Cách hành xử kém văn minh như thế này đã nhiều lần dấy lên sự phẫn nộ nơi cộng đồng mạng.
Vừa qua, một trang mạng xã hội được đông đảo bạn trẻ theo dõi đã có chia sẻ câu chuyện về một trường hợp dùng địa chỉ ảo để mua hàng rồi khi hàng được giao đến lại không ra nhận mà thay vào đó còn “khẩu chiến” với người giao hàng.
“Thanh niên order vài triệu tiền trà sữa rồi bùng hàng của nhiều shipper.
Hôm nay, các shipper của 1 app order-ship thức ăn liên tục bị bom hàng cùng một người. Một tài khoản đã đặt nhiều đơn hàng trà sữa khác nhau có giá trị từ 200k đến 300k, khi shipper đến địa chỉ do app cung cấp thì lập tức chửi và không nhận hàng.
Mỗi địa chỉ ship thường cách xa khoảng 10km, và hoàn toàn là địa chỉ ảo. Mỗi đơn hàng shipper phải gánh chịu là 200k đến 300k bằng 1 đến 2 ngày đi ship của họ.
Năm mới đến rồi còn gặp khách như thế này thì tội họ thật”.
Vốn là chủ đề được cư dân mạng rất quan tâm ở thời điểm gần đây, nên khi được đăng tải cách đây không lâu, câu chuyện này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng.
Rất nhiều người đã chia sẻ câu chuyện này đi rộng rãi đồng thời để lại những bình luận bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động “khó hiểu” này:
“Chắc thanh niên này có “thâm thù, đại hận” với mấy anh giao hàng rồi tìm cách trả thù đây mà. Mà thù ai thì trả người đó chứ tự nhiên hành xử kiểu này thì có mà nghiệp đầy mình”.
“Mình thật sự đang ngồi đây và hóng cái kết của câu chuyện này. Nói trước, chơi mất dạy thì có ngày mất mạng”.
“Khi mình đặt hàng mà quên nghe 2 - 3 cuộc gọi nhỡ của shipper thì đã cảm thấy có lỗi với người ta lắm rồi, thế mà còn có thành phần rảnh rỗi sinh nông nổi như thế này đi làm những chuyện linh tinh”.
Những mặt hàng đặc thù như đồ ăn - thức uống có tỷ lệ đổi trả dường như ở mức 0%. Khi hàng đã ra khỏi quầy, dường như không cửa hàng nào có thể nhận lại và hoàn tiền cho khách hàng nên tổn thất là điều chắc chắn xảy ra.
Và khi khách không nhận hàng, tổn thất này dường như đổ dồn về người giao hàng.
Tình huống này lại càng trớ trêu hơn với những đơn hàng có giá trị quá lớn, bằng cả công sức lao động trong nhiều ngày của người giao hàng. Dù xuất phát từ động cơ gì đi chăng nữa thì hành động của thanh niên trong câu chuyện trên vẫn khó có thể chấp nhận được.