Khi Grab đã trở thành phương tiện phổ biến tại Việt Nam, thì tài xế Grab trở thành nghề chính của rất nhiều người. Không còn coi chạy Grab là để cho vui nữa, nhiều tài xế đã bỏ rất nhiều công sức, chất xám để trở thành một Grabber chuyên nghiệp, làm hài lòng khách như gắn sẵn wifi miễn phí trên xe cho khác, nhiệt tình tâm sự trò chuyện với khác, cho khác thiếu tiền xe…
Thế nhưng, đỉnh cao của dịch vụ Grab phải kể đến tài xế có tên Lê Hoàng Đạo dưới đây. Loạt ảnh ghi lại khung cảnh phía trong xe ô tô của anh Đạo đã nhận về hàng nghìn lượt chia sẻ của cư dân mạng. Trông chiếc xe chẳng khác gì cửa hàng tiện lợi với bánh kẹo, đồ ăn vặt, sữa tươi, thậm chí, bác tài còn chu đáo chuẩn bị cả tăm bông cho khách dùng.
Xem xong loạt ảnh này, ai cũng ước một lần được vi vu trên chiếc xe ngầu như thế. Và rất nhiều người đã để lại những lời ca ngợi dành cho cách làm marketing quá chuyên nghiệp của bác tài. Họ cho rằng, chính những điều nhỏ nhặt đến từ phong cách phục vụ này sẽ khiến dịch vụ Grab trở nên thiện cảm hơn trong lòng người dân, và chẳng ai lại nỡ đánh 1 sao khi lên chuyến xe này cả.
Liên hệ với tài xế, chúng tôi được biết anh Đạo sinh năm 1973, hiện đang sinh sống tại quận Tân Phú (TPHCM). Anh cho biết bản thân rất bất ngờ khi nhiều người quan tâm đến xe của anh như thế. Trong lòng anh thấy rất vui.
Khi được hỏi về ý tưởng của ”tiệm tạp hóa di động” này, anh Đạo thật thà: ”Anh chạy Grab mới được một thời gian ngắn thôi. Thời gian đầu thì gặp nhiều khó khăn, nhưng khó nhất là phải đối diện với không khí nhàm chán trên xe cùng khách. Nhất là những lúc kẹt xe hoặc đi đường dài.
Rồi có những lúc khách đói, khách khát, mà vì kẹt xe nên chưa thể tới nơi khiến khách khó chịu trong lòng, làm mình cũng không thoải mái theo. Nên anh đã nảy ra ý tưởng này. Những lúc chạy đường dài hoặc kẹt xe, anh sẽ mời khách ăn snack, uống nước… rồi nhân đó mà kiếm chuyện để nói với khách luôn. Khách vui lắm, bất ngờ nữa. Thấy vậy, anh cũng vui theo”.
Đối với anh Đạo, chi phí cho những đồ ăn thức uống này không là bao nhiêu so với niềm vui mà anh nhận lại từ khách hàng cả. Chưa kể, khách hàng của anh đa số là người lớn hiểu chuyện, nên họ ăn uống cũng khá ít, vui là chính. Trên xe anh cũng để sẵn thùng rác nhỏ để khách vứt bao bì vào đó luôn.
Từ ngày thực hiện ”tiệm tạp hóa di động”, anh cho biết bản thân cảm thấy hào hứng với nghề này hơn, nhiệt tình hơn, chứ không còn bi quan như trước. Anh chỉ quan niệm rằng, khách vui thì anh vui, không cần gì hơn.