Tường An đã quyết định chọn Đại học Standford danh tiếng cho những năm học tiếp theo trên đất Mỹ. Cô bạn chia sẻ vẫn còn đang phân vân giữa hai ngành học: luật sư môi trường và luật sư quốc tế. Tuy nhiên, trước khi trải nghiệm đời sinh viên, nữ sinh này quyết định sẽ cho bản thân tạm nghỉ một thời gian để chăm chút cho các hoạt động cộng đồng của mình.
Chọn “gap-year” rất sớm
Từ năm lớp 10, Tường An đã suy nghĩ nghiêm túc về việc “gap-year” trước khi vào đại học và mất một khoảng thời gian khá lâu để thuyết phục ba mẹ. Tường An là người sáng lập cộng đồng trẻ Viet Youth Service và đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục International Catalysts for Empowerment (ICE). Trong năm trải nghiệm này, Tường An muốn tập trung mở rộng hoạt động cho hai tổ chức trên tại Việt Nam và Ấn Độ. Tường An kể mình cũng muốn tranh thủ dành thời gian với gia đình tại Việt Nam, dự định thăm bạn bè cũ và đi khám phá nhiều hơn.
Chia sẻ thêm về việc học đại học, Tường An nói: “Ở trường cấp 3, tài nguyên mà học sinh được sử dụng hạn chế hơn rất nhiều so với cấp đại học. Mình muốn mở rộng thêm kiến thức bằng cách trò chuyện với các giáo sư đại học, tiếp xúc với bạn bè đến từ các nền văn hóa đa dạng, khám phá bản thân ở những khía cạnh mình chưa biết”.
Sau năm “gap-year” và những năm học đại học, Tường An dự định tiếp tục học tập và nghiên cứu tại trường luật để chắc chắn hơn về lựa chọn trong tương lai.
Đam mê môi trường
“Ý nghĩ chỉ ở Việt Nam mới giúp được đất nước đã quá cũ rồi. Trong sự thay đổi những năm gần đây, tại sao chỉ phải là giúp người Việt Nam trong khi chúng ta có thể mở rộng đam mê giúp đỡ cộng đồng toàn cầu. Vì công dân ở các quốc gia khác cũng gặp khó khăn, thậm chí còn tệ hơn ở Việt Nam” - Tường An nói khi được hỏi về ý định sau khi tốt nghiệp đại học và trường luật.
Nữ sinh 17 tuổi này còn cho rằng việc về Việt Nam cống hiến tùy thuộc vào khi nào cơ hội tới và Tường An sẽ tận dụng hết mọi cơ hội.
Nói về lựa chọn đầu tiên: luật sư môi trường, Tường An thể hiện rõ khía cạnh sống vì cộng đồng của mình. Cô gái 17 tuổi muốn tìm hiểu những yếu tố trong luật các nước ảnh hưởng đến tác động của con người đến môi trường, những điều luật tạo nên sự kết nối giữa hai yếu tố trên để thấu hiểu cách thức giúp các nước phát triển bền vững.
Hiện tại, Tường An chia sẻ mình cố gắng kết nối học sinh với môi trường được gần gũi nhau hơn vì cô cho rằng vấn đề môi trường càng trở nên quá lớn đến nỗi họ cảm thấy không đủ khả năng làm gì để giúp nó tốt hơn.
Không thích bỏ cuộc
Về kinh nghiệm học tập ở Mỹ, Tường An khá thích thú khi chỉ ra người Mỹ không thích cá nhân từ bỏ mục tiêu sớm. Đặc biệt tại trường THPT của cô gái này, các học sinh còn mang định kiến học sinh quốc tế thường thích bỏ cuộc. Vì vậy để chứng minh điều này sai, Tường An đã kiên định tham gia đội điền kinh mặc dù không thích môn thể thao này.
Năm lớp 10, Tường An từng có ý định chuyển trường khác nhưng sau đó cho rằng quá trình phấn đấu mới quan trọng, nữ sinh này chọn ở lại. Tường An còn vận động tranh cử làm chủ tịch câu lạc bộ trong trường với bài phát biểu dài hơn 2 trang giấy.
Hiện tại, đối với Tường An, thành công là hiểu được nhiều hơn về bản thân, trải nghiệm nhiều hơn và xác định được việc bản thân yêu thích và muốn đi đến đâu trong cuộc sống.