NSƯT Thanh Quý: Nếu cuộc đời này dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc

NSƯT Thanh Quý: Nếu cuộc đời này dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc

Logo Saostar - Special special

NSƯT Thanh Quý: Nếu cuộc đời này dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc

Copy Link
Chia sẻ

Tôi gặp cô Thanh Quý trong một buổi chiều hè. Khác với tính cách ghê gớm, khó tính như trên màn ảnh nhỏ. Ở ngoài đời, NSƯT Thanh Quý là người từ tốn, điềm tĩnh, đậm chất của người con gái Hà Nội xưa. Ở tuổi 64, cô vẫn tự chạy xe máy đi quay phim. Cô kể, có hôm một mình chạy vài chục cây số để đến điểm quay, đi từ lúc mặt trời chưa mọc, về là lúc mọi người đã chìm sâu trong giấc ngủ. Có những hôm, đi quay về giữa đêm lại gặp trời mưa to phải dừng lại nhiều chặng để nghỉ nhưng cô không thấy vất vả mà coi đó là niềm vui tuổi già. Cô bảo, ở tuổi này có sức khỏe để làm nghề, được cống hiến hết mình cho nghệ thuật là vui rồi. NSƯT Thanh Quý sống trong căn nhà rộng rãi, nhiều cây xanh cũng là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm của người nghệ sĩ tài năng này. Cô cho tôi xem những tấm ảnh hồi trẻ được cất giữ cẩn thận. Qua mỗi tấm ảnh, chuyện đời, chuyện nghề cứ thế ùa về theo dòng kí ức.

SAOstar đã có cuộc trò chuyện đầy cảm xúc với NSƯT Thanh Quý, cùng lắng nghe cô tâm sự kể về chuyện nghề và cuộc sống tuổi già của cô.

NSƯT Thanh Quý: Nếu cuộc đời này dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc Ảnh 1

- NSƯT Thanh Quý vừa hoàn thành xong vai diễn dài hơi trong bộ phim truyền hình Thương ngày nắng về. Cảm xúc của cô thế nào khi phải khép lại hành trình này?

Cảm giác đầu tiên là nhẹ nhõm. Vì khi nhận một vai diễn, không phải chỉ cần tập trung lúc quay phim mà thời gian chuẩn bị rất dài. Trong cả những ngày không quay, lúc đi chợ, lúc ngồi xem phim, lúc làm những việc khác, nhân vật luôn ở trong đầu tôi. Điều đó làm tôi không được thảnh thơi về tâm trí. Cả những thói quen cũng phải thay đổi để tập trung cho quá trình quay phim. Ví dụ, bình thường tôi rất thích uống cà phê nhưng uống cà phê buổi sáng, tỉnh táo quá lại khó quay những đoạn cần cảm xúc. Vì thế, có những đợt mấy ngày liền tôi phải nhịn, không được uống cà phê. 

Trong thời điểm quay, đạo diễn và mọi người cũng hay hỏi: “Cô có mệt không?”. Tôi bảo: “Không”. Vì thực sự lúc ấy có mệt tôi cũng quên đi để làm việc. Cứ nghĩ không mệt lắm đâu nhưng xong bộ phim mới thấy: “À hóa ra mình mệt thật”. Giữa hai hoàn cảnh, lúc đang làm việc với làm việc xong có độ chênh thực sự lớn. Vì thế xong phim tôi cảm giác nhẹ nhõm, thảnh thơi, không bị vấn vương nữa.

- Nhân vật bà Nga bán bún riêu có rất nhiều câu thoại sâu sắc và dài, điều đó có làm khó NSƯT Thanh Quý?

Tôi phải cảm ơn các bạn biên kịch đã viết nên kịch bản mà các nhân vật rất thuận, khi diễn viên thâm nhập vào vai diễn không bị trắc trở gì cả. Thứ hai, ngôn ngữ thoại của nhân vật rất ngọt, phù hợp với hoàn cảnh của câu chuyện trong phim. Ngôn ngữ đời thường, không bị đao to búa lớn quá. Đôi lúc tôi cũng nghĩ bà Nga có nhiều câu thoại hơn kinh điển (cười). Kể ra đặt vào một bà bán bún riêu thì hơi chênh. Nhưng ngẫm cho cùng, cuộc đời của người đàn bà kinh qua bao nhiêu khó khăn thì ắt người ta sẽ cảm thấy những câu thoại ấy có ý nghĩa thực tế. Vì thế việc học thoại không khó lắm. 

NSƯT Thanh Quý: Nếu cuộc đời này dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc Ảnh 2

- Phân đoạn xúc động khi Vân Khánh quyết định ly hôn mang lại cho cô cảm xúc gì?

Xét cho cùng, 1 lần đò, 2 lần đò chứ 10 lần đò cũng là cách người ta đi tìm hạnh phúc. Nếu con đi đò không thấy hợp, thì đi ô tô, đi xe máy, cứ gì mà phải đi đò. Khi quay cảnh đấy, Vân Khánh đang khóc mà nghe thấy mẹ nói thế là cười sặc lên. Bà Nga cũng bật cười vì câu nói đấy vừa chí lý, vừa cụ thể một cách hài hước. Phim có rất nhiều câu thoại hay nhưng câu cụ thể và rõ ràng, cần thiết nhất là: “Có mẹ đây rồi, yên tâm!”.

- Nhìn lại hành trình hơn 1 năm quay phim, NSƯT Thanh Quý thấy đây đã là một hành trình trọn vẹn chưa? Cô còn nuối tiếc điều gì với vai diễn bà Nga bán bún riêu không?

Tất nhiên là chẳng có gì hoàn hảo. Nghề diễn này khi xem lại phim vẫn thấy nuối tiếc điều này điều kia. Nhưng dù có nuối tiếc cũng không thay đổi được. Có cảnh bà Nga đang nấu ăn cùng Vân Vân thì người như lả đi, thất thần. Sau này, tôi thấy có khán giả bảo rằng đoạn đó diễn nhìn bị giả. Nhưng tôi đã từng thấy trường hợp như vậy ngoài đời, người mất trí thân xác ở đây nhưng người như lảng đi đâu. Tôi muốn tạo cảm xúc mạnh cho Vân Vân, làm Vân Vân òa khóc. Nhưng tôi hơi tiếc là lúc bà Nga tỉnh trí lại, tôi diễn một cách bình thản do đã xác định bị bệnh rồi. Giá như lúc ấy tôi diễn hốt hoảng một chút thì hợp lý hơn vì ở ngoài đời, dù đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu rồi nhưng chắn hẳn ai cũng sẽ có chút cảm xúc bất ngờ và hoang mang.

- Nhiều khán giả đã gọi NSƯT Thanh Quý là “bà mẹ quốc dân". Cô thấy sao khi được gọi bằng danh xưng này?

Tôi không dùng Facebook nên cũng không thấy được. Nhưng cũng có khán giả nói rằng qua nhân vật bà Nga, thấy được hình ảnh người bà, người mẹ, người hàng xóm nhân hậu, tần tảo, hết lòng vì những người xung quanh, luôn muốn che chở con cháu, nhận vất vả về mình. Còn tôi nghĩ chữ “quốc dân" mới có mấy năm nay nên để đạt được điều ấy cần tiêu chí nào thì tôi cũng chịu (cười).

- NSƯT Thanh Quý đánh giá bản thân giống bà Nga bao nhiêu phần? Ở ngoài đời, cô tự nhận mình là người mẹ thế nào?

Bà Nga 10 điểm thì chắc tôi chỉ 5, 6 điểm thôi. Bà Nga chăm chỉ, tảo tần còn tôi cái gì cũng vừa vừa, không có gì đặc sắc cả (cười). Khi đóng nhân vật nào đó, diễn viên cũng học hỏi được nhiều điều từ nhân vật của mình. Qua nhân vật bà Nga, tôi cũng phải học hỏi rất nhiều. Tôi chỉ có 1 cô con gái thôi, luôn luôn muốn cho con mình sống khỏe, mạnh mẽ, biết làm nhiều việc lo cho bản thân nó. Chính vì thế tôi hay bớt đi những tình cảm thùy mị. Nhưng nghĩ cho cùng, thùy mị cũng là sức mạnh đó chứ. Mỗi nhân vật đều dạy cho mình một điều nào đấy.

NSƯT Thanh Quý: Nếu cuộc đời này dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc Ảnh 3

- Khi xem phim của mẹ, con gái cô có nhận xét gì?

Con gái tôi bảo: “Mẹ chỉ ngọt trong phim thôi”. (cười)

- NSƯT Thanh Quý thấy sao khi hợp tác với thế hệ diễn viên trẻ đang lên hiện nay?

Tôi rất mừng khi thấy lứa diễn viên trẻ làm việc rất tốt. Khi làm việc với nhau, chẳng phân biệt già trẻ gì cả. Mọi điều đều công bằng và hòa hợp về tương tác. Không có cảm giác chênh nhau giữa diễn viên lớn tuổi và diễn viên trẻ tuổi. Nói thế để thấy được sự trưởng thành của các bạn ấy. Thật sự, làm việc với các bạn, nhân vật nào cũng có giá trị riêng. Lan Phương rất chắc nghề, Hồng Đăng cũng thế. Huyền Lizzie diễn tình cảm rất tốt. Ngọc Huyền mới vào nghề lại như dòng suối tươi trẻ, làm câu chuyện trong phim mát mẻ hơn. Mỗi bạn diễn viên ở mỗi vị trí của mình đều làm tròn vai, tốt trách nhiệm của mình. Xong phim, mọi người thân thiết như một gia đình thật sự, chúng nó toàn gọi tôi là "u" (cười).

- Rất nhiều nghệ sĩ cùng lớp diễn viên khóa II với NSƯT Thanh Quý đã tạo dựng được tên tuổi và chỗ đứng trong lòng công chúng. Theo cô, đâu là điểm đặc biệt của các diễn viên của thế hệ này, khiến họ trở thành tượng đài trong lòng công chúng?

Tôi cho rằng ngày đó mọi thứ đều mộc mạc, những loại hình giải trí cũng không được nhiều như bây giờ. Ngày ấy mỗi bộ phim ra được khán giả đón nhận rất lớn. Thời nào cũng thế thôi, tôi thấy anh chị em nghệ sĩ khác ai cũng làm hết trách nhiệm, hết sức của mình, tôi không nghĩ rằng thời ngày và thời xưa khác nhau. Không có vai diễn nhỏ, chỉ có người diễn viên nhỏ thôi. Vai diễn nào chúng tôi cũng làm hết sức, hết trách nhiệm của mình, còn thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

- NSƯT Thanh Quý là người trẻ nhất được chọn đóng vai chính so với các bạn cùng khóa. Cô nghĩ yếu tố nào giúp mình trở thành gương mặt ấn tượng được các nhà làm phim chú ý đến?

Thật ra tôi nhớ nhầm đấy chứ trước đây còn mấy người được đóng vai chính sớm cơ. Nhưng tôi cũng không biết lý do đâu, phải hỏi đạo diễn (cười). Khi học trong trường, tôi không phải người học giỏi gì, thấy mọi người diễn thì mình phục thật. Mọi người diễn nhanh và giỏi, tôi thì cứ lơ nga, lơ ngơ. Nhưng để chọn được diễn viên phù hợp thì các nhà làm phim khi chọn phải thấy diễn viên phù hợp với tuổi, mặt mũi tương đương với nhân vật theo như kịch bản yêu cầu nhưng sau đó quan trọng hơn cả lại phải là diễn xuất có đáp ứng được nhân vật, có gánh vác được vai diễn không.

NSƯT Thanh Quý: Nếu cuộc đời này dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc Ảnh 4

- Tôi được biết NSƯT Thanh Quý từng chán nản đến mức nghĩ đến cái chết khi phải nhường vai trong phim Hai người mẹ cho người khác lúc cô còn trẻ. Có phải nghệ sĩ luôn là người cầu toàn và quyết tâm như vậy trong công việc?

Lúc ấy tôi mất vai vì 2 điều: Thứ nhất là đó tôi còn trẻ cũng lơ ngơ. Thứ 2 là khi quay, quần bộ đội của tôi phải xắn đến 3 lần gấu. Được nửa phim tôi phải thả hết gấu xuống vì lớn một cách bất bình thường. Còn về cầu toàn thì tôi không cầu toàn lắm đâu. Tôi chỉ nghĩ là khi người ta tin tưởng giao vai cho mình, mình phải cố gắng làm hết sức. Tôi rất trân trọng khán giả, muốn mang đến cho khán giả những sản phẩm sạch sẽ và đẹp để khán giả được giải trí, được chia sẻ, suy nghĩ về cuộc sống. 

- Đóng phim từ năm 18 tuổi, nghệ sĩ có nhớ được mình từng tham gia bao nhiêu tác phẩm? Cho đến nay, có dạng vai nào cô vẫn mong muốn được thử sức trong tương lai?

Tôi ít khi ngồi thống kê lại. Nói chung là ở tuổi này có mong muốn cũng chả làm được gì, nên tốt nhất là không để trong đầu (cười). Vai diễn nào đến, mình thấy phù hợp với hoàn cảnh lúc đó thì mình nhận, còn kể cả bây giờ có vai diễn nặng ký nhưng tôi cảm giác tài năng, sức lực không đáp ứng được thì tôi không nhận được. 

- Ở tầm tuổi này nhiều người tạm gác công việc nghệ thuật để dành thời gian nghỉ ngơi, vậy sao cô vẫn quyết định tham gia đóng phim?

Thực ra, đây là cách để giải tỏa, không để thời gian trôi đi một cách lãng phí. Tôi vẫn một mình chạy xe máy đi quay phim bình thường. Nhiều người hỏi tại sao tôi không gọi taxi đi cho nhàn nhưng tôi lại thích tự chạy xe máy đi làm. Tự lái xe giúp trí não, chân tay hoạt động và tự có phản xạ nhạy bén hơn. Có nhiều hôm tôi tự chạy xe đi quay đến 3, 4 giờ sáng mới được về, về gặp mưa to đến mức không thể đi được, phải dừng lại giữa đường.

NSƯT Thanh Quý: Nếu cuộc đời này dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc Ảnh 5

- Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cô thấy Hà Nội xưa và nay có những thay đổi gì? 

Thay đổi nhiều chứ! Dân đông hơn, nhà cửa xây nhiều hơn. Ngày xưa, chỗ khu nhà tôi ở thưa thớt vài hộ gia đình, tối đến trẻ con tụ tập chơi trò chơi dân gian, vui lắm! Ngày đó công nghệ chưa phát triển nên muốn gặp nhau nói chuyện, chơi đùa thì phải gặp trực tiếp. Bây giờ, hầu như mọi thứ hoàn toàn thay đổi, cuộc sống ồn ào, náo nhiệt hơn trước đây rất nhiều.

- Nhiều người nói nghệ sĩ rất cô đơn, sau các vai diễn họ lại thu mình trong 4 bức tường có phải không ạ?

Ngày xưa thì tôi cũng thấy cô đơn, nhưng ai cũng thế cả. Bà Nga từng nói: Nếu như cuộc sống quá dễ dàng thì đã không phải khóc. Ai sinh ra thì cũng phải tự lập một mình, 8 tỉ người thì cũng chỉ có một mình mình biết một mình mình hay. Chỉ có điều là mình cố gắng và biết cân bằng mọi thứ trong cuộc sống một cách hài hòa.

- Cô có phải là người hay chia sẻ nỗi khổ về cuộc sống của mình không?

Nếu cuộc đời dễ dàng thì con người ta không đến thế giới này bằng tiếng khóc. Tôi rất ít khi chia sẻ, bởi khi gặp chuyện buồn tôi không muốn mang cái năng lượng tiêu cực đến cho người khác. Thứ hai, cuộc sống có biết bao nhiêu người gặp bi kịch, bao nhiêu người đau khổ thì mình đã là gì đâu. Mình cứ nghĩ, ông trời cho mình được cuộc sống như thế này là tốt lắm rồi.

- Trong phim Thương Ngày Nắng Về thì nhân vật bà Nga cũng là người mà một mình nuôi 3 đứa con, nhưng mà bù lại thì 3 chị ý rất là thương mẹ. Ở ngoài, cô có phải là người gần gũi với con cái không ạ?

Tôi muốn con mình luôn độc lập nếu mình gặp chuyện, chẳng biết ông trời ông “giở mặt” lôi mình đi lúc nào thì con tôi vẫn tự đứng vững được. Nhưng tất nhiên mình là người mẹ thì gom góp cho con mình được tí nào hay tí ấy, để ít ra thì trong cuộc sống có thể chuẩn bị được cho con.

- Nghệ sĩ thời xưa không có nhiều phương tiện truyền thông chú ý tới, cuộc sống của họ cũng không được biết tới và chỉ được khán giả biết đến qua phim ảnh. Hiện nay, ngoài sự nghiệp đời tư nghệ sĩ được khán giả chú ý tới. Vậy cô nghĩ sao khi nghệ sĩ không may vướng phải scandal, khán giả nên có sự bao dung hay lên án? 

Tôi nghĩ, không chỉ riêng nghệ sĩ mà bất kì ai nếu đã vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nghệ sĩ hay là người bình thường thì cũng như nhau. Nhưng chúng ta vẫn nên cho họ cơ hội để quay đầu nếu họ thực sự nhận ra lỗi lầm và sửa chữa nó.

- Trong phim Thương Ngày Nắng Về, bà Nga có một câu thoại đó là: "Qua dãi dầu mưa tuyết, mới vui ngày nắng về" thì đó là ngày nắng về trong phim. Còn ngày nắng về trong cuộc sống của cô là ngày như thế nào ạ? 

Mẹ tôi có câu: "Bao giờ nằm xuống thì mới hết chuyện". Cuộc đời thì không ai biết trước ngày mai sẽ như thế nào. Trong cuộc sống thì ta luôn hướng đến những điều tốt, cố gắng để mình trong sạch.

NSƯT Thanh Quý: Nếu cuộc đời này dễ dàng thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc Ảnh 6

- Nghề diễn được biết đến là một nghề vất vả, dường như theo nghiệp diễn thì phải có ngọn lửa với nghề lớn lắm?

Ai cũng thế thôi, làm nghề gì thì cũng cần sự yêu thích, gắn bó. Tôi hay nói vui rằng, làm nghề này được đi du lịch không mất tiền, vào những chỗ mà chỉ dân làm phim mới hay vào. Làm nghề thì mình hiểu hơn về cuộc sống nội tâm của con người, mình được sống với hoàn cảnh nhiều nhân vật, điều mà cuộc sống ngoài đời mình không làm được.

- Theo nghệ thuật được một khoảng thời gian rất là dài, cô thấy mình được gì và mất gì?

Tất nhiên, làm gì cũng phải có chút mất mát, đánh đổi nhưng tôi thấy mình không mất gì cả và được nhiều thứ. Đầu tiên, là tình yêu khán giả dành cho mình đó là điều rất trân trọng và hạnh phúc. 

- Cô luôn dạy các con là phải sống tự lập, đó có phải là tiêu chí sống của cô là luôn độc lập không nhờ vả vào ai khác?

Nghề của tôi cũng chỉ đủ sống thôi. Tất cả mọi việc trong cuộc sống tôi đều muốn tự mình làm. Bởi nếu dựa vào người khác sẽ thành thói quen đến khi không còn chỗ dựa đó thì mình sẽ đổ mất. Vậy nên, dù thế nào mình vẫn nên tự lập. Mình tự làm chủ mình là tự do nhất.

Cảm ơn NSƯT Thanh Quý với những chia sẻ trên!

Bài viết

Team Giải Trí

Photo

Ảnh: NVCC

Thiết kế

Yến Võ

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp