Hà Nội và Sài Gòn là hai thành phố lớn đặc trưng cho hai miền Bắc-Nam của đất nước. Hai địa danh này cũng thường xuyên bị đem ra so sánh vì sự khác biệt về cách sử dụng ngôn ngữ, văn hóa, nếp sống và dĩ nhiên cả sự đa dạng của ẩm thực. Bạn là dân Sài Gòn, liệu bạn có bao giờ thắc mắc chè Thái phiên bản Hà Nội sẽ bao gồm những gì và ăn sẽ như thế nào không? Nếu bạn là một tín đồ ẩm thực của cả hai miền, xin đừng bỏ qua bài viết này.
1. Chè Thái
Tôi, một đứa Sài Gòn đích thực, vẫn còn nhớ rõ cảm giác khi lần đầu tiên được ăn chè Thái Hà Nội. Phiên bản nào đúng hơn thì chắc phải qua Thái nếm thử mới biết được. Nhưng ở Sài Gòn và Hà Nội, chè Thái vẫn vô cùng khác lạ và phong phú.
Sài Gòn:
-Giá: 15-20k/ly
-Thành phần: Sầu riêng, nước dừa, đậu xanh đánh, các loại thạch, hạt lựu, mít…
Chè Thái ở Sài Gòn được biết đến như một món ăn mát lạnh giữa tiết trời quanh năm nóng bức của nơi đây. Ly chè thơm phức mùi nước dừa và sầu riêng, đặc trưng bởi vị bùi béo ngọt lịm có thể hạ gục bất kì ai hảo ngọt ngay tức khắc. Thạch, hạt lựu và mít được làm không quá ngọt kéo lại vị thanh nhưng không gắt cho ly chè đặc trưng này.
Hà Nội:
-Giá: 15-20k/bát
-Thành phần: nước dừa, bánh lọt, hạt dai…
Khác biệt đầu tiên chắc chắn là việc chè Thái ngoài việc dùng trong ly thì còn được đựng trong…bát. So với chè Thái Sài Gòn, chè Thái Hà Nội có phần đơn giản hơn, chỉ đặc trưng một màu xanh cốm của bánh lọt và thơm mùi nước dừa, thiếu các thành phần cần có như Sầu riêng, mít… Món này gần giống với “sương sa hạt lựu” hoặc “bánh lọt nước dừa” ở miền nam. Chè Thái ở Hà Nội cũng được xem là loại chè đá giải nhiệt rất đã giữa thời tiết nắng nóng mùa hè.
2. Bánh giò
Bánh giò là một loại bánh dân dã của người Việt, được làm từ bột gạo tẻ, bột năng/bột bắp được hấp nóng với nhân là thịt băm, mộc nhĩ, gia vị… Tuy là món ăn quen thuộc trên cả hai miền Nam - Bắc, nhưng có lẽ ít người nhận ra sự khác biệt thú vị giữa cách người ta ăn bánh giò ở Sài Gòn và Hà Nội.
Sài Gòn:
Bánh giò được bán chung trong những tiệm bánh mì, bánh bao hoặc xôi. Nhân bánh gồm một ít thịt băm và vài quả trứng cút. Người ta mua vội bánh giò để ăn dọc đường đi làm, đi học, chỉ ăn đơn giản bánh giò mà không kèm thêm bất cứ món gì khác. Có thể nói bánh giò ở miền Nam giống như một món “fastfood” thuần Việt vậy. Bánh có giá từ 10k đến 15k một cái.
Hà Nội:
Ngược lại với Sài Gòn, bánh giò miền Bắc được ăn cầu kì hơn trong một bát đầy ụ với nem, chả cốm, chả lụa, dưa leo, cũng có khi là trứng hoặc xúc xích rồi xịt tương ớt lên trên. Phần vỏ mềm. Phần nhân bánh dày hơn với mộc nhĩ, thịt lợn xay hoặc thịt gà, nấm hương…có thể nói là chất lượng hơn trong nam rất nhiều. Một phần bánh giò ở Hà Nội vì thế cũng có giá cao hơn từ 20-40k/phần.
3. Bánh cuốn
Chắc hẳn bất kì ai sinh ra và lớn lên ở Việt Nam đều đã từng ăn qua món bánh cuốn truyền thống. Thành phần bao gồm bột gạo cán mỏng cuốn với nhân thịt băm và mộc nhĩ, khi ăn dùng kèm nước mắm nấu. Thế nhưng nếu mời một người bạn miền Nam ra Bắc ăn bánh cuốn hoặc ngược lại có thể làm bạn ấy ngạc nhiên lắm lắm đấy.
Sài Gòn:
Bánh cuốn ở đây không quá chú trọng tới nhân thịt khi phần nhân chỉ được cho vừa phải, nước mắm nấu loãng và có vị hơi ngọt. Điểm khác biệt thú vị ở đây là phần đồ ăn dùng kèm khi đầy ụ nào nem chua, nào chả lụa, chả giò, nào bánh cốm, nào bánh tôm đậu xanh…Có nơi lại còn tráng một lớp trứng kèm trên lớp bột bánh nữa. Càng nhiều “topping” lạ, lại càng thu hút khách hơn.
Hà Nội:
Bánh cuốn Hà Nội được tráng bằng một lớp vỏ bánh mỏng, nhân đi kèm là thịt lợn xay mộc nhĩ nấm hương trải đều mặt bánh, cuốn lại thành miếng nhìn đẹp mắt. Lớp bánh và thịt đều nhau nên ăn không có cảm giác ngấy của bánh hay thịt. Bánh cuốn thường được ăn với chả hoặc giò lụa. Đặc biệt là phần nước chấm thường được dùng nóng.
Cách ăn cũng khá khác với Sài Gòn. Hà Nội ăn tới đâu chấm tới đó, còn Sài Gòn thì chan đều nước mắm vào đĩa bánh.
4. Ốc
Ốc vẫn luôn là món ngon dành cho những tín đồ mê ăn hàng. Nhưng khi nghe câu gọi rủ rê “đi ăn ốc nào” thì các cư dân Việt ở 2 đầu tổ quốc lại liên tưởng ngay đến hai hình ảnh hoàn toàn khác biệt sau đây.
Hà Nội:
Trong khi ốc Hà Nội có phần đơn giản chỉ gồm vài ba loại như ốc mít, ốc vặn hoặc ngao thì ở Sài Gòn con số này lên tới gần trăm loại với đa dạng các loại ốc như ốc hương, ốc mỡ, cà na, chem chép, móng tay, ốc khế, ốc len, ốc dừa, ốc đỏ, ốc gai, ốc ngựa…Kể thôi cũng đã muốn hết hơi, ấy là chưa kể tới các loại nghêu, sò, càng cua, ghẹ, cúm…
Về phần chế biến cũng có thể thấy sự khác biệt lớn giữa 2 miền do đặc trưng khí hậu. Hà Nội có mùa đông lạnh, mùa thu và xuân mát mẻ nhiều gió nên ốc Hà Nội thường được luộc, hấp ăn nóng với nước mắm gừng và xả ớt, ngồi ăn ốc nóng hổi giữa tiết trời lạnh thì không còn gì hơn.
Ở miền Nam với khí hậu ấm nóng quanh năm, các món hải sản được nướng, xào và hấp. Tuy nói đơn giản là nướng và xào nhưng lại có hằng trăm công thức chế biến khác nhau tùy từng tiệm. Cơ bản gồm có xào me, xào bơ, xào sa tế, xào phô mai, nướng mỡ hành, nướng mọi, nướng muối ớt, hấp thái, hấp xả… Từng ấy công thức kết hợp với nguồn hải sản phong phú ở miền Nam đã đem đến cho Sài Gòn một “văn hóa ăn ốc” mà ít có nơi đâu sánh kịp.
5. Chả cá
Nếu bánh giò, bánh cuốn vẫn giữ nguyên đặc trưng cơ bản và cách nấu truyền thống, chỉ khác nhau về cách ăn thì chả cá lại là món ăn tuy cùng tên nhưng lại hoàn toàn khác biệt giữa 2 miền.
Ở Hà Nội nhắc tới chả cá là người ta nghĩ ngay tới món chả cá Lã Vọng cực kì nổi tiếng. Cá được nướng với gia vị rồi nấu cùng rau thì là. Khi ăn ăn kèm với bánh đa, cuốn bún và chấm nước mắm. Chả cá Hà Nội là món ăn rất ngon nhưng lại hơi đắt và có phần cầu kì. Điều này hoàn toàn trái ngược với chả cá của người Nam.
Chả cá Sài Gòn cũng giống như chả giò, chả bò gồm thịt xay nhuyễn, nêm gia vị, nặn thành hình rồi chế biến lại. Chả cá nghĩa là các loại cá xay nhuyễn, nêm ướp rồi nặn thành miếng hay vo viên, sau đó được chiên giòn. Ngược lại với sự đắt đỏ và cầu kì của chả cá Lã Vọng, ở Sài Gòn chả cá là món ăn dân dã, có thể tìm được trên bất kì vỉa hè nào. Chả cá thường được kẹp ăn cùng bánh mì và là nguyên liệu quen thuộc được sử dụng trong chế biến bữa cơm gia đình.