Đâu phải chỉ thế hệ 10X bây giờ mới biết đến khái niệm trào lưu. Trước khi 10X oanh tạc mạng xã hội, các anh chị 8X đời cuối, 9X đời đầu cũng từng có hàng loạt xu hướng “làm mưa làm gió”. Đó là một thanh xuân rất dữ dội.
Tóc bổ luống kiểu Đan Trường
Những năm 2000 làm gì có sự xâm nhập của trào lưu nam thần soái ca. Thời điểm đó, nam thần thực sự là các ca sĩ Làn sóng xanh.
Trong lòng 8X và 9X đời đầu, ai mà không hâm mộ Lam Trường, Đan Trường hay Đàm Vĩnh Hưng? Mỗi kiểu tóc, phong cách của các nam ca sĩ đều được fan yêu thích, đặc biệt là kiểu tóc bổ luống thời thượng, đình đám trong lòng giới trẻ một thời.
Thời điểm đó, cứ ra đường gặp 10 thanh niên thì gặp đến 8 người để tóc Đan Trường, hay gọi cách bình dân hơn là tóc 5 - 5, tóc hai mái…
“Thấy đơn giản là vậy nhưng phải thuyết phục ba mẹ dữ lắm mới cho để. Nhiều khi thèm được để tóc 5 - 5 nhưng mẹ không cho, vì nhìn rất 'giang hồ' và chỉ có nghệ sĩ mới thích hợp để kiểu tóc này”, H.B chia sẻ.
“Mình thì đơn giản hơn, cứ để cho tóc dài ra, đi chơi thì vuốt hai mái đến khi về nhà vuốt ngược ra sau là ổn ngay”, bạn Chí Tình lém lỉnh nói.
Không chỉ tóc bổ luống, 9X đời đầu luôn bị mê mẩn bởi phong cách Đan Trường, miệng lẩm bẩm ca khúc Khung trời ngày xưa với vẻ phong trần lãng tử, những kỷ niệm này thật khó mà quên.
Nếu bây giờ có nhiều bậc phụ huynh không hợp mắt khi nhìn thấy những chiếc quần bó, skinny tràn lan thì ngày xưa, họ cũng từng khó chịu với kiểu quần ống loe mà 8X, 9X đua nhau diện.
Thời điểm đó, muốn phong cách là phải mặc quần ống loe, quần ống bó chỉ là trào lưu lỗi mốt mà cảnh sát TVB trong Hồ sơ trinh sát mặc hay các mẹ ở nhà mặc mà thôi.
“Nhớ lại lúc đó mình 15 tuổi, được mẹ dẫn đi mua quần áo chơi Tết, đến cửa hàng mình chỉ ngay cái quần ống loe phùng phình, mẹ liền nhìn với ánh mắt 'kỳ thị'”, bạn Hoài Bão kể lại.
“Combo” quần ống loe và tóc Đan Trường trông mới hài hước làm sao. Đó là những hình ảnh bây giờ nhìn lại rất buồn cười, nhưng là một trời kỷ niệm khó quên trong lòng của thế hệ trước đó.
Những ngày xa xưa ấy, các cô cậu học trò làm gì có smartphone để chụp ảnh như bây giờ. Điện thoại “cục gạch” để nhắn tin còn là thứ đồ xa xỉ. Thời điểm đó, các tiệm chụp hình Hàn Quốc mọc lên như nấm cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của các 8X, 9X.
“Nhớ lại mỗi lần đi chụp hình Hàn Quốc là chuẩn bị đầu tóc gọn gàng lắm, chui vào trong phòng kín chọn khung hình càng hoa lá càng tốt, múa may quay cuồng trong đó rồi tự chụp. Đến khi ra lọc hình và cắt ảnh, nhìn anh thợ nhịn cười mà mình muốn độn thổ”, L.D chia sẻ.
Những bức ảnh chất lượng tuy thấp nhưng có thể xem như xịn nhất thời đó. Sau khi có hình, họ thường mang chia sẻ với đám bạn, dán vào những cuốn lưu bút, tự bạch để làm kỷ niệm.
Thời điểm smartphone chưa bùng nổ như hiện nay, 8X hay 9X nào có được chiếc điện thoại đều cảm thấy… phong cách, hãnh diện với bạn bè.
“Không hiểu sao thời đó rất thích cầm máy đứng chu môi trước gương, cố nghĩ ra kiểu tạo dáng nào càng cute, càng sến thì mới thích. Giờ nhìn lại thấy buồn cười quá”, một bạn nữ sinh năm 1996 chia sẻ.
Nhắc đến kỷ niệm chụp ảnh trước gương, nhiều ký ức bồi hồi lại ùa về. Khái niệm “ảnh tự sướng” cũng từ đây mà phổ biến với các bạn trẻ và mang lại vô vàn cách chụp khác nhau: che mặt giả vờ khóc, chụp góc 3/4 từ trên xuống, úp mặt xuống gối giả vờ bị chụp lén…
Đến bây giờ, khi lục lại những bức ảnh “kute” như thế, nhiều người tự nhận cảm thấy chỉ muốn độn thổ vì quá mắc cười, tại sao mình lại “trẻ trâu” như thế?
Blog 360 và trào lưu “xưng vợ gọi chồng”
Tân tiến hơn một chút, 9X đã biết sử dụng Blog 360 của Yahoo. Bao nhiêu tâm tư, tình cảm của tuổi mới lớn đều dồn vào đấy và chia sẻ đến bạn bè gần xa để cùng nhau tâm tình.
Những blog thiết kế càng cầu kỳ càng được các bạn trẻ thích thú. Nào là chuông gió, đồng hồ, theme (chủ đề) cá tính…
Thời điểm đó, hầu như “người người dùng blog, nhà nhà dùng blog 360” để thể hiện cảm xúc, thả thính một ai đó.
“Mình ngày trước không giỏi viết để thể hiện cảm xúc cho lắm, lấy của người này một ít, của người kia một ít rồi 'biến cái của người khác thành cái của mình'. Nhưng cũng có nhiều người vào hỏi và nhận vơ là của mình, nói chung rất nhiều kỷ niệm”, L.H bày tỏ.
Cũng từ Yahoo Messenger và Yahoo Blog 360 mà trào lưu vợ chồng nở rộ. Thời đó, sau vài ba tin nhắn là gọi nhau “vợ chồng” ngọt xớt. Nhiều lúc, không hiểu người bên kia màn hình có… tồn tại thật không, hình ảnh trên Blog và Yahoo lại càng chẳng thể tin được.
Teen code nhìn muốn chóng mặt
Không chỉ thế hệ 10X mới có teen code, trước đó giới trẻ đã phát minh ra teen code với nhiều dạng thức khác nhau khiến các bậc phụ huynh đau đầu muốn xỉu.
“Ank an cum chuA? (Anh ăn cơm chưa), mjnh lam` quen nha p3′ (mình làm quen nha bé”… cùng vô vàn cách sử dụng khác khiến cả hai nhiều lúc không thể hiểu nhau, chẳng biết đường đâu mà lần.
“Teen code là cách mà mình tránh phụ huynh, nhớ ngày đó mẹ ngồi bên cạnh nhưng không thể đọc được mình viết gì, cảm giác thoải mái lắm, vô tư viết những thứ mình muốn thổ lộ với 'người ấy' mà không sợ bị sờ gáy”, L.H nói.
Trải qua cái thời đó rồi, 9X mới hiểu rằng bản thân mình đã từng như thế đó. Tuổi thơ của những thanh niên trẻ không sống dưới sự phát triển của công nghệ thông tin cũng có những lần “chạy theo trend”, họ từng sống trong nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Không nhắc thì thôi, nhắc đến thì có quá nhiều thứ để nói. Vài dòng ngắn ngủi cũng không thể nói hết những buồn vui đáng nhớ mà họ từng trải qua. Chỉ chắc chắn rằng 8X đời cuối và 9X đời đầu từng sống trong quá nhiều kỷ niệm đẹp.