Thời đại Smartphone đã bành trướng như thế nào?
Trong thời đại smartphone lên ngôi như hiện nay, chúng ta vẫn thấy nhan nhản rất nhiều những hình ảnh giới trẻ cặm cụi vào chiếc smartphone, từ đi học, đi làm tới đi café, đi mua sắm, đi hẹn hò, đi làm đẹp và thậm chí là chờ đèn đỏ hay đi bộ qua đường.
Theo thống kê của “Báo cáo tổng quan thị trường di động Việt Nam đầu năm 2017” do Công ty Appota vừa công bố, Việt Nam hiện đang có 38 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó có 94% sử dụng điện thoại để vào mạng xã hội hàng ngày. Số lượng thuê bao di động đã đạt tới 131,9 triệu. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối với internet. Số người chỉ sử dụng điện thoại để truy cập Internet ở Việt Nam, đặc biệt là ở độ tuổi từ 18-34 tuổi, chiếm tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ người chỉ sử dụng máy vi tính hoặc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau.
Appota cũng đưa ra con số về Top các ứng dụng nhắn tin có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam năm 2016. Trong đó, Zalo dẫn đầu với 80%, về nhì là ứng dụng Facebook Messenger với 73%. Thống kê cũng chỉ ra rằng, người sử dụng Internet bằng điện thoại tại Việt Nam dành nhiều thời gian cho việc vào mạng xã hội, nhắn tin, tìm kiếm thông tin và giải trí. Tuy nhiên, việc đọc sách qua điện thoại lại chiếm tỷ lệ thời gian thấp nhất.
Theo một bài báo đưa tin về báo cáo mới nhất từ công ty chuyên nghiên cứu thị trường SuperAwesome (Anh), trẻ em từ 6-14 tuổi ở khu vực Đông Nam Á đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng smartphone, cao hơn tới 20% so với một cường quốc công nghệ như Mỹ. Trẻ em trong độ tuổi này sử dụng smartphone để phục vụ những nhu cầu giải trí, thay vì hỗ trợ công việc họp tập.
Hiện nay, smartphone mang tính cá nhân hóa rất lớn, kết nối internet dễ dàng, linh động và có thể sử dụng liên tục mọi lúc mọi nơi. Những số liệu thống kê trên có thể cho thấy việc sử dụng smartphone chưa đúng cách của giới trẻ hiện nay, không những không khai thác hết được tính năng của smartphone một cách hiệu quả để phục vụ học tập làm việc mà còn lạm dụng nó quá đà.
Điện thoại thông minh nhưng giới trẻ sử dụng đã thông minh chưa?
Những dữ liệu được công bố về thực trạng sử dụng smartphone của trẻ em Đông Nam Á một lần nữa dấy lên tranh cãi về vấn đề phụ huynh mua sắm smartphone cho con cái, không chỉ ở khu vực này nói chung mà còn ở Việt Nam nói riêng. Việc sử dụng điện thoại thông minh để giải trí quá nhiều không những không cung cấp thêm được kiến thức và bổ trợ học tập, ảnh hưởng đến khả năng phát triển tri thức của các em mà còn gây ra rất nhiều tác hại đến não bộ.
Đối với những người trẻ từ 25 tuổi trở xuống, internet với họ chính là smartphone và không có khái niệm máy tính cá nhân (PC). Nếu như năm 2010, số lượng người dùng smartphone ở Việt Nam còn thấp, đến năm 2016 con số này vào khoảng 30 triệu và tới 2020 sẽ có khoảng 60 triệu người dùng, trong khi lượng người dùng máy tính vào internet chỉ khoảng 15 triệu.
Họ trở thành thần dân trong một thời đại mà smartphone làm vua vì smartphone là công cụ kết nối internet nhanh nhất, nhỏ gọn và tiện lợi. Với dòng chảy công nghệ như hiện nay, sản phẩm nào càng thông minh và càng có nhiều tiện ích thì càng chiến ưu thế.
Cũng vì smartphone quá vượt trội nên chính nó cũng gây ra không ít “tác dụng phụ”. Nghiện selfie, nghiện đăng status, nghiện trở thành 'anh hùng bàn phím' dần khiến chúng ta mất dần sự tương tác giữa người với người. Thật đáng buồn khi thời đại trẻ em vô cảm khi nhìn những món đồ chơi siêu nhân, búp bê Barbie - những thứ từng là cả bầu trời tuổi thơ mà chỉ luôn miệng đòi iPad, iPhone. Cũng thật tồi tệ khi thấy những buổi sum họp gia đình mà ông bà bố mẹ quây quần bên nhau mà con cháu lại chỉ biết lướt Facebook, đăng story.
Chúng ta mải kêu ca trên mạng rằng mình cô đơn, mình cần có người yêu hay là cả thế giới không hiểu mình nhưng đã chúng ta quên mất rằng mình đã “lỡ bước qua nhau vì mải cắm mặt vào smartphone” trong thế giới thực. Thế nên, việc giao tiếp, tìm hiểu những người xung quanh trở nên ít đi. Nhờ smartphone, chúng làm đủ mọi trò trên mạng, từ việc đăng những dòng trạng thái tâm trạng mỗi ngày hay chửi rủa những người vô danh mà quên mất cách để nhìn thẳng vào mắt người khác và trò chuyện như thế nào.
Hay chúng ta có thể tự tin chụp những tấm ảnh khoe thân hình đẹp, bốc lửa nhưng lại tự ti, thiếu chủ động trong việc tiếp thu kiến thức, trau dồi và rèn luyện bản thân từ chính những chiếc smartphone đó.
Hơn hết, chúng ta đang đánh đổi sức khỏe của bản thân chỉ để ôm điện thoại vài chục tiếng một ngày từ sáng đến khuya, mặc dù thừa biết việc sử dụng smartphone trước khi đi ngủ làm hại tới mắt hay phá hỏng giấc ngủ cũng như đồng hồ sinh học của bản thân.
Đây là thực trạng rất đáng lo ngại cho việc phát triển tri thức và hành vi của giới trẻ. Vì họ đang đánh cược cả sức khỏe, thời gian vào những chiếc điện thoại thông minh một cách vô bổ mà không thu nhặt được cho mình được những điều hữu ích, kiến thức cần thiết cho cuộc sống.
Không ai phủ nhận được những tính năng xuất sắc của chiếc điện thoại thông minh. Nhưng trước thực tế trên, giới trẻ thực sự cần các hoạt động định hướng ngay từ nhà trường và xã hội, nhằm hướng dẫn giới trẻ cách áp dụng công nghệ một cách hiệu quả vào đời sống cũng như xây dựng các ứng dụng hữu ích cho việc sử dụng smartphone. Hơn cả, bản thân giới trẻ cũng phải tự ý thức được hai mặt tốt xấu của smartphone để có thể dùng điện thoại thông minh một cách thông minh.