Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Ngày Gia đình, hãy về nhà sớm, bật tivi và cùng bố mẹ xem Về Nhà Đi Con

Gia đình luôn là nơi để chúng ta có thể trở về bất cứ lúc nào. Đằng sau những lo toan bộn bề cuộc sống, khi quá mệt mỏi và vấp ngã thì gia đình vẫn luôn là nơi trú ẩn bình yên nhất. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến hàng triệu khán giả Việt Nam qua bộ phim Về nhà đi con. 

Dạo này cứ 9h tối, khi tôi đi qua bất cứ nơi đâu cũng thấy mọi người rủ nhau đến giờ chiếu phim rồi và mọi người lại quây quần bên chiếc tivi. Về độ nóng của phim trên mạng xã hội thì ai cũng rõ rồi, nhưng điều làm tôi cảm thấy thú vị đó chính là thỉnh thoảng tôi gặp vài người bạn và họ lại buồn phiền về chuyện tối nay không chiếu phim. Có lạ không? Lạ chứ! Tôi cứ tưởng là càng ngày, việc canh tới giờ chiếu phim tối đã không còn quá phổ biến như xưa, khi mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn là ở nhà cùng bố mẹ xem tivi. Đúng là khi người ta gọi “Về nhà đi con” bộ phim quốc dân cũng không phải là một sự nói quá.

Từ lâu, đề tài gia đình đã được khai thác rất nhiều trên phim ảnh. Bởi đó là những câu chuyện vừa chung lại vừa riêng. Ai cũng sinh ra trong một gia đình, và người ta thì vẫn thường nói “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh” , nên những câu chuyện về gia đình - tuy là không bao giờ giống nhau nhưng sau cùng thì nó vẫn mang những ý nghĩa chung nhất. Bộ phim Về nhà đi con được chiếu vào khung giờ vàng của VTV, đây là khung giờ thích hợp dành cho cả gia đình quây quần bên nhau. Cũng chính vì lẽ đó mà Về nhà đi con đã được gọi là bộ phim dành cho mọi nhà.

Những câu chuyện gia đình trong Về nhà đi con được kể với nhiều sắc thái khác nhau. Từ câu chuyện của những gia đình lớn đến những vấn đề của gia đình nhỏ. Gia đình của bố Sơn và bố Quốc đều là những “gà trống nuôi con” nhưng mỗi ông bố lại có cách nuôi dạy con cái khác nhau. Bố Sơn thì truyền thống hơi có phần cứng nhắc, ông luôn cố gắng dành hết tình yêu thương cho con nhưng nhiều khi ông lại chẳng thể hiểu nổi những đứa con của mình. Còn bố Quốc và con trai tên Bảo lại là một kiểu khác - hiện đại, bố và con là bạn bè, bố hiểu rõ thế hệ của con, bố còn khuyến khích con xài bao cao su. Những ông bố như ông Sơn và ông Quốc rất khác nhau, nhưng vẫn đang hiện hữu cùng nhau ngoài đời thực.

Ông Sơn là một ông bố truyền thống điển hình…

… thì ông Quốc lại rất hiên đại, trẻ trung.

Câu chuyện ứng xử giữa bố mẹ và con cái trong Về nhà đi con cũng chính là những vấn đề của những gia đình hiện tại. Xã hội có nhiều biến chuyển nên cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có nhiều biến chuyển, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, sự chênh lệch giữa khoảng cách thế hệ. Những vấn đề không quá lớn lao nhưng nó vẫn luôn tồn tại ở đó, trong cuộc sống thường ngày và để giải quyết tất cả những thứ đó không hề dễ dàng. Nó cần phải có sự cố gắng nỗ lực từ cả hai phía. Bây giờ không còn là thời đại của chuyện “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nữa, con cái đã có nhiều tiếng nói và quyết định hơn trong cuộc sống của mình. Thế nhưng khoảng cách giữa hai thế hệ về mặt tư duy, nhận thức lại là một rào cản lớn tạo ra mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái.

Những tập đầu của Về nhà đi con đã chứng kiến những mâu thuẫn lớn giữa ông Sơn và Ánh Dương - cô con gái út. Vì là út, là nhỏ nhất nhà, nên tất nhiên, khoảng cách thế hệ giữa cô và bố rất xa. Nhìn ra đời thực, có tồn tại một dạng con cái ngoài đường thì nói rất nhiều, nhưng về nhà thì lầm lầm lỳ lỳ với bố mẹ vì nghĩ rằng ”Nói ra thì họ cũng chẳng hiểu”, và vì không nói, nên bố mẹ phải phán xét dựa trên những gì họ được thấy trước mắt. Sau những tranh cãi, mâu thuẫn này đã được giải quyết chỉ bằng một cách đơn giản: Nói ra, nhận lỗi và thông cảm cho nhau. Tại sao bố mẹ và con cái phải luôn tập thông cảm cho nhau? Bởi nếu không như thế, thì ông Sơn sẽ không bao giờ hiểu được Ánh Dương nghĩ gì, Ánh Dương sẽ không biết là vì bố lo cho mình nên bố mới làm như thế. Thông cảm, để sống với nhau dễ hơn. Bởi gia đình không phải là nơi chúng ta ăn thua từng chút một.

Nói đi cũng phải nói lại, con cái hay ”tố” bố mẹ là không tôn trọng mình, không hiểu mình. Nhưng họ lại không đặt ngược lại vấn đề: Liệu họ đã làm bố mẹ đủ an tâm để đủ tin tưởng và tôn trọng? Có một phân đoạn Vũ nói với Thư rằng anh rất yêu quý bố Sơn vì ông là người rất tôn trọng con cái của mình, còn bố Luật thì luôn coi thường anh. Thư đã trả lời Vũ rằng đó là do anh không tạo được cho bố niềm tin ở anh, mọi thứ phải bắt nguồn từ hai phía. Thật vậy. Khi mà bố Luật cho Vũ một gia đình đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần, một gia đình đủ cả bố cả mẹ, anh được lớn lên trong sự giàu sang, điều kiện không thiếu thứ gì, thì anh lại chơi bời lêu lổng gái gú. Những điểm xấu này đã khiến ông Luật không lúc nào yên tâm về cậu con trai của mình.

Nhà giàu cũng có mâu thuẫn riêng của nhà giàu.

Vậy nên, tôi dám đảm bảo, khi xem bộ phim này, cả bố mẹ lẫn con cái đều rút ra được bài học cho bản thân. Con cái thì đặt mình vào vị trí của bố mẹ để hiểu cho những nỗi lo lắng suy tư của người làm bố mẹ, còn bố mẹ thì suy nghĩ về việc cố gắng lắng nghe con cái của mình để hiểu chúng mong muốn và suy nghĩ điều gì. Tất nhiên là hành trình để bố mẹ và con cái trở thành những người bạn là một hành trình đầy chông gai và nước mắt. Giống như bố tôi vẫn thường nói với chúng tôi rằng đây là một cuộc cách mạng dai dẳng, chúng ta không thể làm cách mạng triệt để như Pháp nên hãy chọn cách thỏa hiệp như Anh. Sở dĩ tôi nói như vậy vì mỗi lần chúng tôi cố gắng nói chuyện với bố mẹ là gia đình tôi lại như chiến trận. Tuy là có để lại những tổn thương lẫn nhau nhưng sau cùng chúng tôi lại cố gắng hiểu nhau hơn một chút. Tôi cứ trách móc cái việc bố mẹ không chịu hiểu cho cuộc sống của tôi, nhưng sau đó thì tôi nhận ra là chính mình đã không cho bố mẹ cơ hội được lắng nghe. Tôi đã rời xa vòng tay bố mẹ từ năm 18 tuổi, thế nhưng không có nghĩa sống xa là mọi thứ trở nên xa cách.

Sau này tôi mới nhận ra rằng mối liên kết của gia đình không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý mà nó nằm ở sự gắn kết về mặt tình cảm của các thành viên. Lúc bố tôi tiễn tôi lên đường, bố đã gửi cho chúng tôi những dòng tin nhắn khiến tôi vừa xúc động vừa bất ngờ: “Bố hy vọng nếu cuộc sống của các con có chuyện gì phải cho bố mẹ biết để cùng tháo gỡ. Vì chúng ta là một gia đình mà con!”! Vì vậy, khi thấy ông Sơn trên màn ảnh và nói với Huệ rằng ”Về nhà đi con”, tôi lại bất giác nhớ đến bố mình.

Về nhà đi con cũng không thiếu các bi kịch. Khi Huệ có cuộc hôn nhân không hạnh phúc với Khải nhưng vì sợ bố phải lo nghĩ nhiều nên chị không dám nói với bố mình. Hay khi bố Sơn đau đớn nhận ra con mình đã phải khổ sở thế nào, ông sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn ra chỉ để đổi lại được hạnh phúc cho con gái của mình. Đó là một câu chuyện đầy bi kịch, nhưng những người làm phim họ đã kể câu chuyện đó một cách nhân văn khi không để nhân vật nào xấu đến tận cùng, mỗi nhân vật họ hành động ra sao đều có lý do của mình. Hẳn là một bức tranh muôn màu về cuộc sống được khắc họa một cách rõ nét và chân thực, và đến cuối cùng, tất cả các bi kịch đều được dùng để tôn vinh hai chữ ”Gia đình” và bốn chữ ”Về nhà đi con”.

Thật vậy. Gia đình luôn là nơi để chúng ta có thể trở về bất cứ lúc nào. Đằng sau những lo toan bộn bề cuộc sống, khi quá mệt mỏi và vấp ngã thì gia đình vẫn luôn là nơi trú ẩn bình yên nhất. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến hàng triệu khán giả Việt Nam qua bộ phim Về nhà đi con. Xin gửi tặng các bạn một câu nói của bố Sơn trong đoạn kết này: “Giờ bố chả còn gì ngoài sự già nua và lẩm cẩm. Nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hải Âu

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual