Khi internet, mạng xã hội phát triển, văn hóa đọc được cho là đang ngày càng mai một. Người trẻ thường cầm trên tay chiếc điện thoại để lướt Facebook, Instagram,… thay vì lật từng trang sách trong niềm say mê, thích thú.
Trong tập 2 chương trình Thiếu Niên Nói, Mỹ Vy - học sinh trường THCS Hồng Bàng đã gây ấn tượng với khán giả bằng niềm đam mê đọc sách của mình. Trên bục dũng khí, Mỹ Vy bày tỏ mong muốn được mua nhiều sách hơn bởi lẽ, mẹ cô bé từng ra “tối hậu thư” cấm hai chị em mua thêm vì nhà đã có quá nhiều.
Nói về sự khởi nguồn của niềm đam mê này, Mỹ Vy cho biết: “Thật ra lúc trước em không phải là một người thích đọc sách đâu. Cho đến một hôm, chị gái mới thách em đọc được một quyển 500 trang vì nghĩ em không có khả năng đó. Lúc ấy em tự ái nên đã lập tức chứng minh cho chị thấy rằng em hoàn toàn làm được. Sau khi xong thử thách, em mới nhận ra việc đọc sách thật sự rất thú vị, rồi đam mê lúc nào không hay”.
“Sau khi đọc xong một quyển sách, em thấy tâm hồn mình như rộng mở thêm. Chẳng hạn đọc sách tâm lý, em hiểu được rằng có những lời nói dù không cố ý nhưng đủ sức làm người khác tổn thương rất lâu”, cô bé chia sẻ.
Những loại sách Mỹ Vy thường đọc là tiểu thuyết trinh thám, sách tâm lý, truyện ngắn dành cho tuổi học trò,… Cô bé cho biết, tác phẩm “gối đầu giường” của mình là quyển Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh.
Bên cạnh đó, Mỹ Vy cũng khiến người khác bất ngờ khi đọc bộ truyện trinh thám Pháp Y Tần Minh dù chỉ mới học lớp 6. “Nhiều người nhận xét là những quyển sách em thường đọc nó khá nặng về kiến thức, tâm lý như Pháp Y Tần Minh chẳng hạn, nhưng em nghĩ nó bình thường, miễn là em tiếp thu được và yêu thích thì em sẽ đọc”.
Đối với Mỹ Vy, mỗi tác phẩm đều có những giá trị, cái hay riêng. Tuy nhiên nếu chọn đọc, cô bé sẽ dựa theo những tiêu chí nhất định: “Nếu mua sách, em thường cân nhắc 3 yếu tố. Thứ nhất là giá cả phải vừa với túi tiền, vì em còn đi học. Thứ hai là nội dung sách phải cung cấp cho em những kiến thức đúng và bổ ích chứ không lệch lạc ra khỏi chuẩn mực của xã hội. Cuối cùng là phù hợp với lứa tuổi của mình”.
Nói về văn hóa đọc của bạn bè đồng trang lứa, Mỹ Vy bày tỏ sự lo ngại: “Hiện tại, em thấy điện thoại, internet đang làm mai một dần văn hóa đọc của học sinh, thậm chí là người trẻ. Tất nhiên vẫn có những người rất đam mê sách nhưng lại không nhiều. Hầu như mọi người đều xem các video trên YouTube, lướt Facebook, Instagram,… Đôi khi em cũng thấy buồn vì điều này”.
Dù có đam mê bất tận trong việc thả trí tưởng tượng vào từng trang chữ nhưng Mỹ Vy lại không muốn làm những công việc liên quan đến lĩnh vực này. “Vì thích đọc sách nên em cũng thích học môn Văn, hơn nữa em cũng thích viết lách. Dù vậy, tương lai em không muốn mình làm những công việc liên quan đến sách hay viết. Em cũng không rõ vì sao nữa, nhưng em chỉ muốn sách là đam mê chứ không muốn nó trở thành công việc”.