Kể từ khi mạng xã hội bùng nổ tại Việt Nam và trở thành một phần “khó thiếu” trong đời sống của giới trẻ, nhất là các bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường, tình trạng ứng xử được cho là thiếu văn hóa của học sinh trên Facebook ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh giáo viên xảy ra ngày càng nhiều. Từ đó, hàng loạt các trường đã ra quy định những điều cấm kị học sinh không được đưa lên mạng xã hội.
Vào đầu năm 2013, Trường THCS &THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) là trường đầu tiên đưa quy định về việc sử dụng Facebook vào nội quy của trường.
PGS. TS Văn Như Cương, hiệu trưởng của trường THCS & THPT Lương Thế Vinh chia sẻ rằng những điều “cấm kỵ” đưa ra cũng chỉ như một lời khuyên chứ không phải nội quy: “Nhiều học sinh nghĩ rằng Facebook là nơi có thể nói gì thì nói nên đôi khi bất cẩn trong cách biểu lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Học sinh nên hiểu rằng từ những gì mình đăng tải trên Facebook, người khác có thể biết được trình độ và bản chất của mình nên phải hết sức cẩn thận”.
Không chỉ ra thông báo “miệng” và thông báo bằng văn bản, trường còn cập nhật quy định này lên trang web.
Tiếp sau đó, các trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) cũng đưa ra những điều cần lưu ý khi lên Facebook cho học sinh của trường với những điều tượng tự như trường THCS & THPT Lương Thế Vinh.
Những điều cần lưu ý khi lên Facebook của trường THPT Nguyễn Đức Cảnh như sau:
1. Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những thứ viết tắt. Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt.
2. Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai.
3. Chỉ like Status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bảy tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.
4. Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Bởi vậy viết status phải rõ ràng.
5. Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi lên like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân.
6. Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook.
Mặc dù phía nhà trường cho rằng việc đưa ra những quy định là “muốn tốt” cho học sinh. Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người tạo thành hai luồng tranh cãi không hồi kết.
Sự phản đối quyết liệt không chỉ xuất phát từ phía học sinh mà bất ngờ hơn là từ các bậc phụ huynh.
Một số phụ huynh rất ủng hộ quy định của nhà trường về những điều cấm kị mà học sinh không nên làm trên facebook. Họ cho rằng quy định của nhà trường là đúng đắn và vô cùng cần thiết cho con em mình. Bởi một số học sinh hiện nay quá “nghiện” mạng xã hội mà cụ thể là Facebook, không tập trung học tập dẫn đến kết quả yếu kém trong các kì thi, rớt môn, học lại,…Không những thế, những quy định như không được văng tục, chửi thề, nói xấu thầy cô, bạn bè,… giúp con cái họ có được những chuẩn mực về cách cư xự, giao tiếp với mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, một số phụ huynh hoàn toàn phản đối và cho rằng học sinh có quyền tự do ngôn luận, facebook là mạng xã hội không thuộc phạm vi quản lí của nhà trường. Việc học sinh bày tỏ ý kiến, quan điểm của bản thân trên facebook là không có gì xấu. Phía phụ huynh này cho rằng, thầy cô giáo thật sự có tâm thì nên theo dõi facebook của học sinh để hiểu được những tâm tư và nguyện vọng của chúng. Nếu học sinh có những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc thì thầy cô kịp thời giáo dục, uốn nắn. Riêng những trường hợp có lời lẽ xúc phạm uy tín, danh dự của các thầy cô hay cá nhân, tập thể khác thì đã có pháp luật xử lí.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng các thầy cô giáo có lẽ nên học cách chấp nhận những “antifan”, nên lắng nghe những nhận xét không tốt của học sinh về bản thân để hoàn thiện mình hơn trong sự nghiệp trồng người.
“Tiên học lễ, hậu học văn”, việc giáo dục ý thức và thái độ sống của học sinh là nền tảng tiên quyết của giáo dục. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục để học sinh có thể tiếp nhận một cách trọn vẹn cũng quan trọng không kém.
Liệc việc đưa ra quy định về những điều học sinh không được làm trên Facebook có thực sự cần thiết? Hay thay vì những quy định gây tranh cãi, nhà trường thiết kế một môn học về “cách sử dụng mạng xã hội thông minh” để giáo dục học sinh?