Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Món cháo 'nội tạng' ăn kèm bún lạ miệng, chỉ bán vài tiếng/ngày ở An Giang

Có cách chế biến khá giống cháo lòng miền Bắc nhưng món cháo vùng Tri Tôn (An Giang) lại được nấu cùng nội tạng bò với hương vị lạ miệng, ăn kèm bún tươi hoặc bánh mì rất hấp dẫn.

Nếu có dịp ghé thăm An Giang, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng khung cảnh núi non kỳ thú, hùng vĩ của một vùng bán sơn địa mà còn được khám phá, thưởng thức nền ẩm thực phong phú nơi đây.

Ngoài những đặc sản nức tiếng như mắm Châu Đốc, chè thốt nốt, bánh bò, gà hấp lá chúc,... ở An Giang còn có một món ngon bình dân nhưng hấp dẫn mọi thực khách gần xa. Đó là món cháo bò.

Món cháo 'nội tạng' ăn kèm bún lạ miệng, chỉ bán vài tiếng/ngày ở An Giang Ảnh 1
Cháo bò là một trong những món ăn nổi tiếng ở thị trấn Tri Tôn (An Giang), được nấu giống cháo lòng miền Bắc nhưng sử dụng nguyên liệu là nội tạng bò và thịt bò tươi (Ảnh: Đặc sản Tri Tôn).

Cháo bò là món ăn sáng dân dã được bán ở một số nơi của xứ núi nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là cháo bò Tri Tôn. Món cháo này được chế biến từ những con bò nuôi ở vùng Bảy Núi, trải qua quá trình nuôi vỗ cẩn thận nên có thịt mềm và thơm.

Để làm nên món cháo bò ngon, người dân Tri Tôn thường sử dụng gạo Sóc Miên (một loại gạo có nguồn gốc từ Campuchia) giúp cháo mềm, dẻo, có mùi thơm đặc trưng hơn so với các loại gạo khác. Bên cạnh đó, cháo cũng được hầm trên bếp than hồng luôn đỏ lửa để dậy mùi thơm, hấp dẫn du khách dù cách xa cả chục mét.

Món cháo 'nội tạng' ăn kèm bún lạ miệng, chỉ bán vài tiếng/ngày ở An Giang Ảnh 2
Nội tạng bò hầm cùng cháo. Phần lòng bò chưa dùng tới cũng được để trong nồi cháo giúp giữ nhiệt, ăn ngon hơn (Ảnh: Tiến Hưng).

Ngoài thành phần chính là gạo, món cháo còn được nấu cùng nội tạng bò thay vì thưởng thức riêng. Lòng bò được sơ chế sạch với nước muối để không bị hôi rồi cho vào nồi cùng lúc với gạo, hầm khoảng 1 tiếng để lòng chín mềm, đậm vị. Cuối cùng là đổ tiết (huyết) vào nồi cháo.

Đây được xem là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất. Khi nước vừa sôi, người nấu phải canh giờ chuẩn xác, đổ thật khéo léo, đều tay sao cho tiết không bị phồng, xốp, giảm độ ngon.

Cháo bò gồm đầy đủ các nguyên liệu như lòng,gan, phèo, phổi, óc, tủy,... Đặc biệt phần tiết (huyết) cắt miếng nhỏ giúp món cháo có màu nâu nhạt đẹp mắt và hương vị đậm đà.

Món cháo 'nội tạng' ăn kèm bún lạ miệng, chỉ bán vài tiếng/ngày ở An Giang Ảnh 3
Nồi cháo nóng hổi có màu nâu nhạt, đầy đặn tiết cắt miếng và nhân (Ảnh: Quang Thiện).

Khi có khách gọi món, người bán mới bắt đầu múc cháo ra tô, thêm giá sống, húng quế, lòng và thịt bò tươi thái lát mỏng. Cháo nóng làm thịt sống chuyển thành thịt tái chín, có màu hồng đẹp mắt.

Món cháo bò Tri Tôn thường nấu lòng chung với cháo, thêm phần lòng xắt sẵn để riêng, cho thêm vào tô cháo khi có thực khách gọi món.

Món cháo 'nội tạng' ăn kèm bún lạ miệng, chỉ bán vài tiếng/ngày ở An Giang Ảnh 4
Cháo bò thưởng thức nóng, ăn kèm thịt bò tái và rau thơm,... (Ảnh: Quang Thiện).

Thực khách có thể cho thêm lá chúc, ngò gai (răng cưa) thái nhỏ hoặc vắt chút nước cốt quả chúc để món ăn dậy mùi thơm. Trái chúc được xem là một phần linh hồn của món cháo bò. Đây là loại trái đặc hữu của vùng Tịnh Biên và Tri Tôn, bề ngoài giống như chanh nhưng vỏ sần sùi và có vị chua dịu, thanh mát.

Với phần lòng bò được thái sẵn, để riêng, cho thêm vào tô cháo khi gọi món, thực khách có thể chấm kèm nước mắm gừng, từ từ cảm nhận độ giòn, mềm và mùi vị đặc trưng của bò bản địa.

Món cháo 'nội tạng' ăn kèm bún lạ miệng, chỉ bán vài tiếng/ngày ở An Giang Ảnh 5
Tô cháo đầy đặn lòng, thịt, ăn kèm rau thơm, giá sống, tạo hương vị đậm đà, hài hòa khó quên (Ảnh: Quang Thiện).

Một điều đặc biệt khác khiến món ăn dân dã này trở nên "hút" khách chính là cháo bò có thể ăn kèm với bún tươi hoặc bánh mì. Vì phục vụ chủ yếu là những người lao động chân tay, có thu nhập thấp nên món cháo này thường được nấu lỏng để thực khách có thể ăn cùng bún tươi, bánh mì.

Sự kết hợp độc đáo tưởng chừng như vô lý nhưng lại rất thuyết phục, không hề làm giảm đi độ ngon của cháo mà còn bổ sung thêm tinh bột giúp thực khách no lâu.

Món cháo 'nội tạng' ăn kèm bún lạ miệng, chỉ bán vài tiếng/ngày ở An Giang Ảnh 6
Cháo bò ăn kèm bún tươi hoặc bánh mì rất ngon, tạo nét khác biệt (Ảnh: Quang Thiện).

Mỗi suất cháo bòcó giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng. Nếu thực khách muốn ăn thêm lòng, óc hoặc tủy thì giá tăng hơn. Cháo bò là món ăn sáng dân dã của người An Giang và đặc biệt rất "cháy" hàng. Thực khách muốn thưởng thức suất cháo đầy đủ nguyên liệu thì phải đến quán từ sớm.

Món cháo 'nội tạng' ăn kèm bún lạ miệng, chỉ bán vài tiếng/ngày ở An Giang Ảnh 7
Từ món ăn dân dã của người địa phương, cháo bò dần trở nên nổi tiếng, được du khách thập phương biết đến và thưởng thức mỗi khi có dịp ghé Tri Tôn (Ảnh: Người miền Tây).

Đến An Giang, du khách có thể tìm và thưởng thức món cháo bò nổi tiếng ở một số quán ở gần cầu Cây Me nối liền xã Châu Lăng với thị trấn Tri Tôn như quán Thủy Đen, quán dì Yến,...

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất
NewJeans gây tranh cãi