Đi chợ truyền thống kiểu Việt: Nhớ mua hoa!
Khi đi du lịch dù trong nước hay ngoài nước, nơi đầu tiên tôi đến thường không phải là danh lam thắng cảnh mà là chợ. Không nơi nào độc đáo và có thể giới thiệu con người địa phương chân thực như ở chợ. Vì thế, đang thời buổi bùng nổ của siêu thị hiện đại nhưng đi chợ truyền thống kiểu Việt mới là hành trình yêu thích nhất của tôi trong những ngày đầu năm. Nhiều người nước ngoài lấy làm lạ lùng khi thấy chợ truyền thống của Việt Nam bày bán hơn trăm loại hoa lá cây cỏ chỉ để… ăn. Một người bạn của tôi từng nói: “Ẩm thực là cánh cửa tâm hồn một vùng đất”. Đi chợ địa phương mới thấy “tâm hồn” của mình rất đẹp và hài hòa, vì ẩm thực của mình toàn ăn lá và hoa. Sau chuyến du lịch đến Việt Nam, bạn sẽ không bao giờ lướt qua một bông hoa, một chiếc lá mà không tự hỏi mình: “Chiếc lá (bông hoa) này có ăn được không nhỉ?”
Khám phá ẩm thực, bên cạnh thưởng thức các món ăn, một điều tuyệt hơn là lăn mình vào bếp, thực hiện ngay các công thức địa phương! Chắc chắn bạn sẽ tìm thấy rất nhiều “đồ chơi” thú vị trong căn bếp Việt, như dụng cụ tuốt rau muống bằng cái ống nhựa, con dao gang, cây bào bắp chuối… Hãy thử tự làm ngạc nhiên chính mình khi tự tay chế biến các món phở, gỏi cuốn, bò lá lốt, gỏi ngó sen - những món bạn vẫn thường trầm trồ khi xem trên báo. Nhất là gỏi cuốn - top 10 món ăn ngon ở Việt Nam. Đây có lẽ là món quà vặt dễ thương nhất của người Việt. Bởi bạn chỉ việc lăn và cuốn mọi nguyên vật liệu tôm, thịt, rau, hành lá, hẹ trong một chiếc bánh tráng. Vừa nhanh chóng gọn lẹ, lại vừa cực kỳ ngon miệng. Bởi thế, vào ngày lễ, khi phải nấu ăn cho quá nhiều người, các mẹ cứ thế mà gỏi cuốn, phở cuốn… Tha hồ ăn no mà không quá cực khi nấu. Nếu ai đang muốn giảm lượng glucose, vậy thì cứ lấy bắp cải, hay lá mà cuốn với tôm, thịt và đủ mọi thể loại rau tùy ý. Đơn giản và dễ chịu, dù không biết nấu ăn, thì bạn hãy cứ tự tin lăn vào bếp với món gỏi cuốn!
Hoa lá trong bếp: Nấu gì cũng ngon!
Người Nhật chiên giòn lá phong để ăn, người Pháp nấu thịt bò với hoa atisô, thế nhưng không có nước nào sử dụng nhiều hoa và lá trong bếp như Việt Nam. Hồi xưa, đa số người Việt không có đủ tiền để mua gạo trắng, thịt tươi, nên cứ phải trộn lá vào làm gia vị, bỏ hoa quả độn thành đồ ăn. Chỉ có ngày Tết mới được ăn thịt và trứng, bởi vậy mới có truyền thống ăn thịt kho trứng vào đầu năm. Nhờ thế, ngày nay người nước ngoài đến Việt Nam cứ thế mà “ố, á” khi thấy mình dùng cả chục loại lá trong một bữa ăn, hay xào hoa những ngày nắng nóng thay vì bào đá ăn kem.
Chỉ tính riêng về bông (hoa), người Việt đã chế biến hơn trăm món khác nhau từ hàng chục loại: bông bí, hoa chuối, bông điên điển, bông lục bình, bông hẹ, bông mướp, bông sầu đâu, bông sen, bông sung, hoa thiên lý… Đặc trưng nhất của miền Nam có lẽ là bông bí ngô vàng rực vừa bắt mắt vừa ngon miệng. Bạn tôi lần đầu tiên ăn món bông bí nhồi tôm đã rất ngạc nhiên khi biết để làm món này, người nông dân chỉ chọn những bông bí đực để hái, vì tin rằng bông bí cái để lại để… duy trì giống loài! Bông bí luộc có vị ngọt, phần cuống hơi dai dai, ăn vui miệng. Món ăn từ bông bí thường được làm trong những ngày tụ họp, lễ tết của gia đình.Tôi thích nhất là món bông bí dồn rôm, giòn giòn, thơm mùi bông, và ngọt vị tôm.
Ngán ăn hoa thì cứ chuyển sang lá như bò nướng lá lốt, cơm chiên lá é, gà BBQ với trúc… Bò nướng lá lốt vốn là món ăn kinh điển của mọi nhà. Chỉ đi ngang qua các bếp than đang nướng bò lá lốt là đủ để bạn không kiềm chế nổi mình. Tôi thích nhất là ngồi đâu đó trong con hẻm nhỏ giữa thành phố, vừa tán chuyện với bạn bè vừa hít hà mùi mỡ cháy xèo xèo trên tấm nướng trong những ngày mưa phùn lất phất. Lá lốt khi nướng chín vẫn giữ màu xanh mướt rượt. Lá này vốn được dùng gói thịt vừa ướp thơm, vừa chống cháy thịt khi dùng bếp than hồng. Ăn món này rồi, chẳng có ai chống cự lại được sức hấp dẫn của lá lốt nữa. Thịt bò nướng phải có lá lốt mới thơm, mới đặc biệt. Lá lốt vừa ngon lại vừa tốt cho sức khỏe, những lúc chuyển mùa, cơ thể biếng nhác, bạn cứ kêu vài đĩa bò cuốn lá lốt, ăn xong rồi lại thấy mình tràn trề năng lượng như vừa tỉnh giấc.
Nếu có dịp về Phú Yên, bối cảnh của phim “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh”, bạn nhớ ăn cơm lá é. Thứ lá thơm đến lạ. Bạn đừng nhầm lá é ta với lá húng quế (bếp Tây hay gọi là Thai Basil). Lá é thơm hơn nhiều, người Phú Yên hay đem giã nhuyễn trộn với cơm. Muốn tận hưởng trọn vẹn nhất hương lá é, bạn hãy thử món cơm chiên lá é. Ai mà đau đầu, cảm sốt thì cứ lấy cơm lá é ra ăn, bởi ngoài việc ăn ngon ra, lá é còn là vị thuốc dân gian rất hiệu nghiệm. Lạ một điều, lá é trắng trồng ở những vùng đất pha cát, đầy nắng đầy gió ở miền Trung thường cho vị đậm và thơm hơn khi trồng ở những vùng đất phì nhiêu. Thế nên muốn biết hương vị miền Trung, bạn cứ thử mua lá é về rang cơm, hay trộn với muối. Nhiều du khách quốc tế nói rằng, đi du lịch Việt Nam thích nhất là đi ăn, ăn nhiều như thế nào cũng khó mà béo phì, mà càng ăn càng khỏe. Bởi ẩm thực nơi đây toàn là hoa lá, rau củ quả, từ gia vị phong phú như hành lá, thì là, rau mùi, tía tô, kinh giới đến các món ăn chính. Bạn tha hồ đem bông bí, bông thiên lý, ngó sen, bắp cải, thậm chí cả ống tre…về gian bếp để chế biến.
Bạn có thể khám phá thế giới hoa lá trong tinh hoa ẩm thực Việt tại:
Nhà hàng Square One: Khách sạn Park Hyatt, 2 Công Trường Lam Sơn, Q.1, TP HCM
Nhà hàng Si: 7A Ngô Văn Năm, Q.1, TP HCM
Saigon Cooking Class: 74/7 Hai Bà Trưng, Q.1, TP HCM