Người chuyển giới gặp nhiều khó khăn hơn so với người đồng tính trong việc công khai với gia đình. Chuyện một người con gái khẳng định rằng mình là con trai hay con trai nói rằng mình muốn là con gái sẽ là một cú sốc rất lớn đối với các bậc phụ huynh, đặc biệt ở các nước Á Đông.
Chúng tôi có dịp gặp gỡ hai chàng trai chuyển giới, họ đã có những chia sẻ rất chân thành với Saostar về hành trình đấu tranh để được sống với con người thật của mình.
Hằng Trần - Ai cũng có quyền sống một cuộc sống mình mong muốn
Hằng Trần (Jen) sinh năm 1995 hiện là sinh viên trường cao đẳng Bách Việt. Ngay từ những năm tiểu học, anh chàng đã cảm nhận sự khác biệt trong bản thân, khi có cảm tình đặc biệt với các bạn nữ trong lớp.
Thời điểm đó, phần vì nhỏ tuổi, phần vì chưa tiếp cận với thông tin đại chúng nên Jen không hề nghĩ rằng mình là người chuyển giới.
Vào phổ thông trung học, khi đã nhận thức đầy đủ về bản thân, anh chàng bắt đầu thể hiện cá tính ra bên ngoài nhiều hơn. Mạnh dạng cắt đi mái tóc dài quen thuộc, mặc trang phục của nam giới, những thay đổi bất ngờ đó khiến gia đình hoang mang. Ba mẹ la mắng, anh chị khuyên răng, thế nhưng Jen vẫn luôn kiên định với quyết định của bản thân.
Đó thật sự là khoảng thời gian rối ren của gia đình. Ba mẹ Jen buồn rất nhiều, nhưng rồi dần dần họ thấu hiểu và thương con nhiều hơn.
Nhận được sự ủng hộ của gia đình, Jen hạnh phúc không gì bằng. Những tưởng mọi chuyện sẽ trôi qua êm đẹp, cho đến một hôm, chuyện tình cảm của anh và người bạn gái bị hàng xóm phát hiện. Họ bắt đầu có những lời miệt thị, dè bỉu. Họ truyền tai nhau về một đứa con gái kỳ dị đem lòng yêu thương một đứa con gái khác, một đứa con gái cắt tóc ngắn và chỉ thích mặc đồ con trai. “Họ chua chát mỉa mai rằng: mày là con trai hay con gái? mày là bê đê hả? Thật sự lúc đó tôi tôi buồn một, mà ba mẹ buồn đến mười. Tôi ray rứt vì không muốn mình trở thành một đứa con bất hiếu” - Hằng Trần xúc động tâm sự.
Những lời cay độc đó còn được phát ra từ những thầy cô trực tiếp giảng dạy Jen, khiến cậu bị bủa vây giữa những kỳ thị và rồi gục ngã hoàn toàn. Cậu kể: “Lúc đó tôi nghĩ tại sao mình lại bất hạnh như vậy? Tại sao mình sinh ra lại khác người như vậy?”.
Thế nhưng, người ta hay nói chốn bình yên nhất vẫn là gia đình, sát cánh bên cậu còn ba, mẹ, anh, chị. Họ đã giúp Jen vượt qua những mặc cảm của bản thân và mạnh mẽ bước qua dư luận. Có một hậu phương vững chắc, một đồng minh đáng tin cậy, cậu bạn đã bỏ ngoài tai tất cả những lời bàn tán dị nghị và chứng minh cho mọi người thấy rằng mình cũng là một con người bình thường, cũng sống, học tập, làm việc như bao người khác.
“Việc sống thật với bản thân bắt đầu trở nên ý nghĩa với tôi hơn. Vì tôi đang sống cho chính mình chứ không phải cho một ai cả” - Hằng Trần hào hứng chia sẻ.
Hoàng Giang - Tôi đi tìm lại đúng ngôi nhà cho tâm hồn mình
Hoàng Giang (1994) sống tại TP Biên Hòa, sinh ra là nữ nhưng từ lâu anh đã cảm nhận được sự khác biệt trong cơ thể mình. Tuy nhiên, cậu không đủ mạnh mẽ sống thật với con người mình khi xung quanh là những định kiến khắt khe, cứng nhắc.
Như bao người chuyển giới nam khác, Hoàng Giang phải gánh chịu nỗi ám ảnh khi phải mặc trang phục của nữ để đi học. Vì phải đến trường bằng xe đưa rước, nên mỗi lần lên xe là anh chàng lại xuống dãy ghế cuối cùng ngồi khép mình lại để mọi người không chú ý. Đến lớp cũng xin giáo viên cho ngồi bàn cuối nhằm tránh ánh mắt dò xét của bạn bè. Sống trong lo sợ kỳ thì, dè bỉu khiến Hoàng Giang không thể tiếp thu kiến thức và chuyên tâm vào học tập. Kết quả là năm lớp 10 anh chàng đã rơi vào danh sách học kém nhất lớp, dù trước đó thành tích học tập của Giang là không hề tệ.
“Không ai lớn lên lại muốn ở trong một cái phòng trọ cả đời. Cơ thể tôi bây giờ như một cái phòng trọ cho linh hồn của người con trai. Tôi muốn tìm lại đúng ngôi nhà cho nó” - Giang tâm sự về khát khao được sống với giới tính của bản thân.
Để gia đình từ từ tiếp nhận, anh chàng bắt đầu mặc những trang phục dành cho nam giới. Tóc cắt ngắn dần sau mỗi lần đến tiệm. Dù vẫn dùng vỏ bọc nữ tính để che dấu, nhưng những thay đổi nhỏ đó đủ để mẹ của anh chú ý sự khác lạ của con.
Khi bắt đầu thể hiện rõ nét hơn về giới tính thật và Giang gặp phải sự dè bỉu của họ hàng, người thân. Gia đình trở nên xáo trộn, người mẹ buồn rất nhiều, nhưng không nói thành lời.
Lần nọ thấy con phơi chiếc áo bó ngực, bà đã tức giận, đến kéo giãn chiếc áo ra, nhưng rồi lại lặng im và âm thầm quan sát từng sự thay đổi của con, mà không hề lớn tiếng. Những lúc đó Hoàng Giang không biết phải nói như thế nào với mẹ, chỉ biết lặng im, mong mẹ hiểu.
Sau này, Hoàng Giang tham gia nhiều hoạt động của LGBT, nhưng nói dối với gia đình là đi họp Đoàn, sinh hoạt nhóm….Cậu lấy tài liệu về đọc, tìm hiểu thật kỹ các thông tin về người chuyển giới, rồi bắt đầu tìm cách truyền đạt cho mẹ.
Ban đầu, Giang để các tài liệu trong nhà để mẹ dễ nhìn thấy và tò mò đọc. Sau đó bắt đầu có những cuộc nói chuyện thân mật với mẹ, cho mẹ xem ảnh về người chuyển giới, những trường hợp người chuyển giới bất hạnh bị gia đình ngược đãi… Bên cạnh đó Giang làm quen với những bạn có tiếng trong cộng đồng, cho mẹ tiếp xúc với họ, để mẹ hiểu rằng người chuyển giới không xấu như mẹ nghĩ.
Dần dần mẹ của Hoàng Giang đã hiểu hơn và chấp nhận sự khác biệt của con. Anh chàng hào hứng chia sẻ: “Mấy hôm trước mẹ nói với mình rằng: giờ mà nhà mình có điều kiện thì mẹ đưa con đi Thái Lan chuyển giới, để con thoải mái. Lúc đó mình vui lắm! Cuối cùng mẹ cũng đã hiểu và chấp nhận con người thật của mình”.
Vốn dĩ người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung rất cần gia đình chấp nhận, thế nên sẽ không có hạnh phúc nào bằng khi được người thân thấu hiểu và chia sẻ. Vẫn sẽ còn đó những định kiến cay nghiệt, những ánh nhìn kỳ thị, nhưng tin chắc rằng người chuyển giới sẽ đủ mạnh mẽ để sống thật với con người mình và cống hiến điều tốt đẹp cho xã hội.