Buồn bởi hôn nhân muộn mằn, lại thêm nỗi lo u xơ tử cung
Ở tuổi 56, người khác đã có cháu bế bồng, còn chị Đinh Thị Hường mới chỉ là mẹ của hai thiên thần chưa tròn 3 tuổi. Ngắm nhìn hai em bé đáng yêu, lanh lợi vừa đi học về, chị chậm rãi kể: “Trông thế này mà tôi mới lấy chồng được gần chục năm thôi. Trước đây, tôi là bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Nhiều năm, tôi gắn bó với Khoa Hồi sức cấp cứu, quay cuồng với công việc bận rộn với những bệnh nhân đang ở giữa lằn ranh sinh tử. Cứ mải làm, rồi trực triền miên, tuổi trẻ tôi cứ thế trôi qua mà chẳng có bạn bè, không có thời gian đi du lịch hay gặp gỡ, yêu đương rồi lập gia đình như những người con gái khác. Thấy tôi chẳng vướng bận gì, những ngày lễ, Tết hay cuối tuần, cơ quan lại động viên cố trực thêm ít ngày cho các bạn có gia đình đỡ bận, thành thử, độc thân vẫn hoàn độc thân”.
Mẹ của chị - một người đã nếm trải cảnh góa phụ từ khi tóc còn xanh - cũng là lý do khiến cái sự hôn nhân của chị thêm muộn mằn. Thường thì, các bà mẹ luôn sốt ruột vì con gái muộn chồng, nhưng mẹ chị Hường thì khác. Chồng hy sinh khi con lớn (chị Hường) mới 5 tuổi, con nhỏ mới 8 tháng, một mình nuôi các con ăn học thành tài, bà rất tự tin rằng con mình sẽ tìm được người như ý, phải là gia đình căn bản, phải có học hàm, học vị tương đương hoặc cao hơn. Thế nên, dù trước đó có nhiều mối ở quê (Hoài Đức, Hà Tây cũ) đến đặt vấn đề với chị Hường, nhưng không đáp ứng các yêu cầu, bà gạt đi hết. Bà bảo, 50 vẫn còn trẻ chán, không lo ế.
Mãi đến năm chị Hường 46, có người thân mai mối anh Nguyễn Bình Minh, khi đó đã 56 tuổi, trai hàng phố xịn, là kỹ sư ô tô, tính tình hiền lành, gia đình căn bản, ông bố cũng là bộ đội, bà mẹ chị Hường mới ưng cho cưới. Sau này, gật đầu làm vợ anh rồi, chị Hường mới nghe nói chồng mình từng có một đời vợ, tạo điều kiện cho vợ ra nước ngoài làm việc, rồi người đó đi mất hút, anh ở vậy nuôi hai cô con gái, đến khi gả chồng xong xuôi cho con mới nghĩ đến hạnh phúc riêng. Cảm thương người đàn ông hiền lành, giàu đức hy sinh, nhưng chị cũng bảo: “lấy chồng muộn quá, tôi tiếc cho những năm tháng thanh xuân tươi trẻ đã phí hoài trôi qua. Nếu kết hôn sớm hơn, tôi đã có nhiều cơ hội tốt hơn nữa rồi…”
Lấy chồng rồi, chị vẫn đi làm, và vẫn hồn nhiên nghĩ mình chưa từng yêu, chưa từng chồng con gì, việc có thai sẽ dễ dàng thôi. Đến năm 2010, chị được điều chuyển sang Tổ Thận lúc đó vừa thành lập, rồi Tổ phát triển thành đơn nguyên, thành Khoa Thận - Tiết niệu, chị đảm nhiệm vị trí Phó trưởng Khoa. Công việc thì thăng tiến, nhưng con chưa thấy đâu, gia đình hai bên sốt xình xịch nhắc nhở, hai anh chị mới đi khám và tìm con.
Đó là hồi 2011, 2012, khi chị Hường phát hiện, mình đang bị u xơ tử cung, nhân xơ đã khoảng 5,6 cm. Là một bác sĩ, chị Hường hiểu, đó là một phần nguyên nhân cho việc hiếm muộn của mình. Đó là chưa kể, chị đã lớn tuổi, bộ máy sinh sản nhiều năm không được kích hoạt nên bị chai cứng, việc có thai, sinh con sẽ rất khó khăn. Chị chọn cách không phẫu thuật mà đọc sách, nghiên cứu các tài liệu, dùng thuốc tự điều trị cho mình để u xơ nhỏ lại dần. Đến khi khối u giảm kích thước còn 2,4 cm, chị đã 53 tuổi, và bắt đầu hành trình tìm con.
Gian nan hành trình tìm con tuổi xế chiều
Khát khao được làm mẹ cháy bỏng trong chị hằng ngày, hằng đêm. Đi làm, công việc cuốn vào thì không sao, nhưng những khi về nhà, căng thẳng, áp lực và xì xào từ xung quanh khiến chị muốn nổ tung. Nhiều đêm, chị mơ thấy bụng mình tròn căng, ngồi sau xe của chồng đi dạo phố, mặt mày rạng rỡ, rồi giật mình tỉnh dậy, nhìn xuống bụng mình, chị lại bật khóc. Ở tuổi 53, đi đâu hỏi thuốc chữa hiếm muộn, chị cũng gặp những ánh nhìn, nét cười bí hiểm của người khác. Thậm chí, có lần vào viện khám, chị còn bị bảo: “Chị lớn tuổi như thế này mà còn nghĩ đến chuyện chữa đẻ à, tuổi chị thì sẽ bị loại từ vòng gửi xe”, làm chị vừa đi về vừa khóc nức nở.
Rồi có người giới thiệu cho chị bác sĩ Vương Văn Vệ, một bác sĩ siêu “mát tay” trong những ca khó, ca hiểm về hiếm muộn. Chị hào hứng nhớ lại, bác sĩ Vệ vui vẻ tiếp nhận, động viên chị, và khi biết chị là đồng nghiệp, ông trao đổi thẳng thắn, nhẹ nhàng, khiến chị bớt căng thẳng hẳn. Đặc biệt, câu nói: “Chị cứ yên tâm, tôi sẽ cố gắng hết sức. Nếu làm một lần chưa đậu thì ta làm lần 2, lần 3, 4, 5” của người đồng nghiệp đã động viên tinh thần chị rất nhiều, và chị tin, con sẽ đến với chị một ngày không xa.
Chỉ sau 1 lần thụ tinh ống nghiệm, chị Hường có thai luôn. Anh Bình Minh, lúc này đã nghỉ hưu, ở nhà sửa chữa xe máy, ô tô kiếm thêm đã gần như bỏ việc, đưa đón vợ đi làm mỗi ngày. Chị hạnh phúc còn hơn lúc lấy được chồng. U xơ lúc này vẫn còn, chị vừa lo chuyện khối u, vừa quay cuồng với công việc quản lý, không có nhiều thời gian bồi dưỡng hay nghén ngẩm gì, vậy mà hai đứa trẻ, cứ thế lớn lên trong bụng mẹ.
Chị bồi hồi nhớ lại: “Tôi là bác sĩ đa khoa, nên cũng có kiến thức về sản. Mỗi lần đi khám, kiểu tra kết quả siêu âm là một lần tôi thở phào nhẹ nhõm, vì biết các con không có dị tật gì, phát triển bình thường, thai kỳ thuận lợi, u xơ cũng không gây ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển của thai. Đến tuần 36, khi siêu âm chuẩn bị mổ lấy thai, bác sĩ siêu âm, chắc không biết câu chuyện của tôi, còn quát loạn lên: “Già thế này mà chị còn đẻ, chị muốn chết à? Ham hố gì có con ở tuổi này không biết” mà mình vừa buồn cười, vừa chạnh lòng. Có con, đó là hạnh phúc nhất đời rồi mà!”
Chị khoe, mình chỉ mong các bé khoảng 1,7 kg, vừa đủ tiêu chuẩn nằm lồng ấp là được, chứ nhỏ hơn nữa sợ không nuôi được, ai ngờ, hai cô bé Tố Nga và Kim Ngân lại nặng chẳng kém gì các bạn, cô chị 3 kg, cô em nhỏ nhắn hơn cũng 2,5 kg. Lúc vừa mổ ra, hai bé khóc rất nhanh, khóc to, lại hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, khiến mẹ Hường hạnh phúc ngoài sức mong đợi.
Hạnh phúc là hoa nở muộn
Những ngày đầu có con đầy bỡ ngỡ, những đêm con khóc quấy, hai bố mẹ tuổi ngoài 50, 60 tự xoay sở chăm con, rồi đến khi đi làm trở lại sau kỳ thai sản, tất cả những vất vả đó, chị Hường nhớ hết, thấm thía hết. Nhưng tất cả chẳng là gì, so với niềm vui có hai cô công chúa nhỏ luôn khuấy động không khí bằng sự thông minh, lanh lợi của mình.
Hồi nhỏ, hai bé cũng ít ốm đau, nhưng hơi dè dặt, nhút nhát, nên chị Hường, anh Minh không muốn cho con đi học sớm, mà thu xếp thời gian tự chăm sóc, cho con đi du lịch, đi chơi đây đó để dạn dĩ hơn. Từ khi nghỉ hưu vào tháng 9 năm ngoái, chị Hường bỏ qua nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, dành trọn thời gian để chăm sóc, rèn cặp hai bé nề nếp tự lập cũng như chăm chuyện ăn, chuyện ngủ của con. Mới đây, khi Tố Nga, Kim Ngân bước sang tuổi thứ ba, anh chị mới yên tâm gửi con vào trường công gần nhà, để bố tập trung với cửa hàng sửa xe, còn mẹ tìm được một việc phù hợp năng lực tại một bệnh viện tư.
Ngắm nhìn hai nhóc lanh lợi, vô tư chơi đùa, cười nói, chị Hường bảo, chị chỉ mong sau này tất cả mọi thứ đến với các con thật bình thường, mong con học hỏi, khỏe mạnh là được rồi. “Cuộc đời cho mình may mắn được đón con, và may mắn có con khỏe mạnh, trí tuệ và thể chất bình thường, mình còn cầu vọng gì thêm nữa? Sau này lớn lên, chúng làm gì cũng được, không cứ phải là ông nọ, bà kia, bởi sự hiện hữu của chúng đã là một điều kỳ diệu với tôi, và với bản thân cuộc đời của chúng rồi. Bây giờ đưa con ra đường chơi, vẫn có người hỏi tôi các con là cháu nội hay cháu ngoại, có người thì hỏi tôi làm osin cho nhà nào mà có hai bé sinh đôi đáng yêu thế, tôi chỉ cười cười cho qua thôi, chả chạnh lòng nữa. (cười lớn)”.
Còn anh Minh, ngài ngại khi được hỏi về cảm xúc của một người cha đã ngót 70, tủm tỉm bảo: “Tôi không nghĩ mình đã già thế đâu! Có bọn trẻ, chăm sóc, chơi đùa với chúng, giải quyết những “tranh chấp” nho nhỏ của chúng, thậm chí đi sau dọn đồ chơi của chúng, mệt thì mệt, nhưng vui lắm. Thấy mình trẻ ra vài chục tuổi, hay thậm chí, như được tái sinh vậy!”.