Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

'Hài nhảm' dưới góc nhìn khán giả: Tranh cãi về việc có nên cấm hay không?

Nhiều người lên tiếng phản đối "hài nhảm", nhưng cũng không ít khán giả cho rằng "nhảm" hay không là do quan điểm của mỗi người, và đôi khi chỉ cần cười để xả stress là vui rồi, không cần phải suy nghĩ nhiều.

Những ngày qua, truyền thông và dư luận lại xôn xao về vấn đề “hài nhảm” trong đời sống nghệ thuật nước nhà. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ đối với khán giả xem họ có suy nghĩ như thế nào về “hài nhảm”?

Trên trang mạng xã hội, chúng tôi có mở một “diễn đàn” nho nhỏ để thăm dò ý kiến khán giả về vấn đề “hài nhảm”. Có 4 câu hỏi được đưa ra gồm: “Thế nào là hài nhảm? Bạn có xem hài nhảm không? Vì sao? Tại sao hài nhảm vẫn nở rộ và liên tục “phát triển”? Có nên cấm hài nhảm không? (Vai trò của cơ quan quản lý, bầu sô, đài truyền hình, các tụ điểm… đối với vấn đề này như thế nào?)

Bài viết đã nhận được hơn 2 ngàn lượt like và gần 50 bình luận, chứng tỏ khán giả cũng khá quan tâm đến vấn đề này. Những ý kiến tham gia cuộc trao đổi đế từ các khán giả ở nhiều độ tuổi và thành phần khác nhau, từ những bạn sinh viên đến doanh nhân, nghệ sỹ và cả những chuyên gia truyền thông.

Khán giả, họ nghĩ gì? 

Từ vụ việc Trấn Thành bị “cấm sóng” đến chuyện “hài nhảm” đang rất “nóng” trên mạng xã hội và truyền thông những ngày qua.

Trả lời câu hỏi “thế nào là hài nhảm bạn Anh Thu Do cho rằng “Hài nhảm không đơn giản chỉ là hời hợt, không có nội dung ý nghĩa, mà còn là rất lố bịch, thô thiển”. Bạn Ngô Thanh An thì khẳng định: “Hài nhảm giống như kiểu đùa cợt quá trớn, lời nói tục tĩu không tôn trọng đối phương, hành động quá lố thô tục và nhạy cảm, nội dung không có chiều sâu tác động tới khán giả theo hướng tích cực”. Nhẹ nhàng hơn, bạn Trần Duy Anh đưa ra quan điểm: “Hài nhảm là trong một tiểu phẩm không có nội dung, ý nghĩa”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều về khái niệm “hài nhảm”. Bạn Trần Lê Ngọc Thắng - sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền - là một “cây hài” sinh viên rất duyên dáng và có nhiều fan hâm mộ đưa ra một góc nhìn khác, bạn viết: “Hài nhảm cũng là một thể loại nhỏ của hài. Thiên về các hành động và câu thoại được đẩy lên hơi lố một chút. Mục đích đơn thuần là để giải trí vui vẻ chứ không có ý nghĩa gì sâu xa”. Cũng là một sinh viên Học viện báo chí, bạn Nam Linh Vũ Trần bày tỏ ý kiến: “Theo tôi, không có cái gì gọi là hài nhảm, bởi vốn dĩ hài là phải nhảm thì nó mới hài. Hài là sự cường điệu, phi lý hóa các chi tiết của cuộc sống để tạo nên tiếng cười nên càng nhảm, xàm thì mới càng dễ gây cười”.

Hiện tại, topic luận bàn “nhảm hay không nhảm” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và ý kiến đổ về ngày một đông:

Phân tích một cách thấu đáo hơn, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng: “Méo miệng, liếc mắt, giả gái, nhảy chồm chồm lên… thì là hài nhảm? Không chắc! Ai đi coi phim “Lô Tô” thì sẽ thấy phim này có đủ các “đặc tính” mà báo chí đang phê là nhảm. Nhưng rồi xem phim người ta có thấy nhảm hay không? Tuỳ cảm nhận mỗi người. Nhưng nước mắt số đông chắc đủ thấy người ta không cho nó là “hài”, là “nhảm”.Có những bài hát chỉ có hai chữ “Up”, “Down” cũng nổi tiếng toàn thế giới. Cũng có những bài dài lê thê thì chẳng được ai đón nhận. Một cái vỉa hè với quy định rõ ràng, lố ra 1cm cũng đập còn khiến hàng triệu người dân tranh cãi, thì những thứ mơ hồ như “nhảm hay không nhảm” đâu thể cứ nói khơi khơi như vậy được”.

Đồng quan điểm này, bạn Mam Chuy nói dí dỏm: “Nhảm hay ko nhảm chẳng có định nghĩa nào chuẩn và duy nhất. Do quan niệm từng người. Mấy hài bác học (nếu có) mà đem cho quần chúng nhân dân lao động xem cũng có thể bị phán ngay là “nhảm nhí” ấy chứ” (cười).

Chung quy, lằn ranh giữa “hài nhảm” hay “không nhảm” rất mong manh, chẳng thể nào chỉ đích danh được vì đây tùy thuộc vào quan điểm mỗi người.

Rõ ràng, câu hỏi “thế nào là hài nhảm” thực sự khó có câu trả lời chính xác, bởi nó phụ thuộc vào cảm nhận và suy nghĩ của từng người. Mà trong xã hội, mỗi người lại có một trình độ văn hoá, kiến thức, sự hiểu biết xã hội và tính cách khác nhau, cho nên có người cho thế này là “nhảm” nhưng người khác lại thấy đó là niềm vui và họ cười sảng khoái.

Với câu hỏi: “Tại sao hài nhảm vẫn ngày càng phát triển” và “bạn có xem hài nhảm không” cũng nhận được ý kiến trái chiều. Đa số những đưa ra khái niệm về “hài nhảm” là nhạt nhẽo, thô tục… thì họ đều không xem thể loại hài này. “Tôi không bao giờ xem”, hoặc “nếu có hài nhảm là tôi chuyển kênh hoặt tắt tivi”, “không bao giờ mua vé xem hài nhảm”… là những câu trả lời của những người tẩy chay “hài nhảm”.

Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ đơn thuần cần tiếng cười mà không cần phải suy nghĩ, sau một ngày lao động mệt nhọc, thì “hài nhảm” vẫn đáng xem.

“Bởi vì cuộc sống bình thường vốn đã quá nhiều mệt mỏi, áp lực, bon chen, ganh đua rồi. Xem hài nhảm cho vui vẻ, đỡ phải nghĩ ngợi gì nhiều” - bạn Trần Lê Ngọc Thắng chia sẻ. “Theo tôi, vì cuộc sống hiện nay quá căng thẳng, mọi người cần những gì giải trí đơn giản, không cần suy nghĩ nhiều vì đã dồn suy nghĩ cho những công việc khác. Cười xong quên luôn cũng được, đơn giản là xả xì trét” - Trịnh Duy Anh.

Như vậy, rõ ràng nhu cầu xem “hài nhảm” là có thật, và lý do khán giả đưa ra cũng hợp lý, đó chính là sự đơn giản, “cười không cần nghĩ”, miễn là họ được cười để giải toả stress, để lấy lại sức lực cho một ngày làm việc mới. Cùng quan điểm, bạn Hồ Minh Thuý nói: “Có cung thì ắt có cầu, những người làm hài nhảm cũng vì bắt được tâm lý “dễ dãi, dễ chấp nhận” của 1 bộ phận đông đảo khán giả nên hài nhảm mới có cơ hội phát triển như vậy”.

Cấm “hài nhảm” hay không? 

Câu chuyện về “hài nhảm” có lẽ sẽ không bao giờ có hồi kết, bởi nó phụ thuộc vào nhu cầu của khán giả. Nếu khán giả muốn xem, “hài nhảm” sẽ tồn tại, và nó chỉ biến mất khi khán giả đồng loạt tẩy chay. Trên thực tế, ranh giới giữa “hài nhảm” và “hài nghiêm túc” khá mong manh. Bản thân nhiều nghệ sỹ hài miền Bắc vốn vẫn được coi là “hài nghiêm túc” cũng đã từng bị chính khán giả miền Bắc nhận xét là “nhảm nhí” khi họ có lúc diễn quá đà trên sân khấu. Hay như Sài Gòn - nơi vẫn được xem như “thiên đường” của “hài nhảm” nhưng vẫn có những nghệ sỹ mang đến tiếng cười sâu sắc, ý nghĩa như NSND Hồng Vân, NSƯT Hoài Linh, nghệ sỹ Trung Dân, NSƯT Thành Lộc… hay các sân khấu kịch có nhiều vở diễn hài sâu sắc như sân khấu kịch Hồng Vân, Idecaf, 5B Võ Văn Tần… vẫn sáng đèn thường xuyên và nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả.

Idecaf vẫn “sống khỏe” lâu nay bởi sự hài hước sâu cay nhưng không kém phần duyên dáng - vốn là “đặc sản” nơi này.

Còn việc “cấm hay không cấm hài nhảm” cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Người không thích thì muốn “cấm”, còn người thích thì lại bảo “không nên cấm”, cũng xuất phát từ quan điểm và sở thích xem hài của từng người. Vấn đề ở đây, cơ quan quản lý và các đài truyền hình cũng nên có những quy định cụ thể, chi tiết đối với tất cả các nghệ sỹ hài và phải thực hiện nghiêm túc trong việc xử phạt nếu vi phạm. Làm như thế nào mà để số đông khán giả được thưởng thức hài kịch một cách thoải mái nhất, nhưng vẫn phù hợp với văn hoá và lối sống của người Việt Nam. Bên cạnh đó, vài trò của cơ quan quản lý và “nhà Đài” là định hướng thẩm mỹ cho công chúng, vì thế cần có những chế tài đủ mạnh để các nghệ sỹ luôn ý thức được vai trò của mình trong việc đem đến tiếng cười thực sự sảng khoái và có ý nghĩa cho khán giả.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngô Bá Lục

Được quan tâm

Tin mới nhất