“Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống”
“Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống”
Câu nói gây sốt của cụ bà Nguyễn Thanh Thúy, thí sinh dự thi Việt Nam Got talent đến từ Lâm Đồng. Trong suốt phần thi của mình, cô chia sẻ với ban giám khảo và khán giả rất nhiều về cuộc sống. Từ chuyện 3h sáng đi bộ xuống đồi để kịp bắt xe lên thành phố dự thi đến chuyện phải xách những bao gạo của nhà hảo tâm đi bộ 4 - 5km. Khi ban giám khảo thể hiện sự xót xa với hoàn cảnh của cô thì cô đã bình thản trả lời : “Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống” khiến cả trường quay phải vỗ tay thán phục.
Thông điệp “Không sao đâu, bình tĩnh sống” của người đàn bà 59 tuổi vẫn còn độc thân, sống cùng người em gái trên một ngọn đồi quanh năm không biết đến ánh sáng đèn điện đã làm nhiều người cảm phục nghị lực sống, tinh thần lạc quan của người phụ nữ này.
Xuất hiện giản dị trên sân khấu lớn, cô Thúy đi thi không phải vì danh vọng hay ham muốn phần thưởng to lớn. Những gì cô cần chỉ là một phần thưởng nhỏ để mua một chiếc bình ắc quy thắp đèn, xây một bể chứa nước bởi nơi khô cằn cô sinh sống, đã đào giếng nhiều lần nhưng nước không về.
Không tivi, không đèn điện, không có thùng chứa nước, đã nhiều năm rồi hai chị em cô Thúy không có một cái Tết đúng nghĩa. Cuộc sống khó khăn trong ngôi nhà chật hẹp trên ngọn đồi hiu hắt dù không mấy dễ dàng nhưng cô vẫn luôn có tinh thần lạc quan “bình tĩnh sống”. Vượt qua nghịch cảnh, hai chị em cô Thúy còn làm từ thiện, bấm huyệt, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em khuyết tật.
“Thí sinh vừa làm vườn, vừa là thầy thuốc chuyên ấn huyệt, bấm huyệt giúp những trẻ bại liệt đi đứng được, từ thiện hoàn toàn. Dù hoàn cảnh của thí sinh còn gặp nhiều khó khăn, ở trên đồi, không có điện, không có nước xài, nhưng vẫn quyết cứu trẻ khuyết tật” - Cô Thúy trả lời khi được hỏi về công việc hàng ngày.
Câu nói của cô Thúy thực sự đã chạm tới tâm thức của rất nhiều người. Giống như một câu châm ngôn của cuộc sống, giản dị nhưng sâu sắc. Như một lời chỉ dạy ta “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Chúng ta cứ bị cuốn theo cái guồng quay của cuộc sống một cách quay cuồng, của tiền tài, danh vọng, hỷ, nộ, ái, ố mà chưa nhận ra được giá trị cốt lõi của cuộc sống, của bản thân. Có lẽ tất cả đều do ta chưa đủ “bình tĩnh sống”.
“Công an rượt thì mình phải chạy thôi. Công việc của nó mà, vui vẻ mà chạy”
“Công an rượt thì mình phải chạy thôi. Công việc của nó mà, vui vẻ mà chạy”
Rất hiếm! Phải khẳng định là rất hiếm có người bán rong nào cảm thấy vui vẻ khi gặp Công an đi làm nhiệm vụ. Và người bán hàng rong 1-0-2 đó không ai khác chính là dì Sang - người bán bún riêu nổi tiếng với tính cách hào sảng, chủ gánh bún lâu đời tại chợ Phú Nhuận, TP HCM.
Dì Sang năm nay đã ngoài 70, thế nhưng suốt cả cuộc đời ấy, dì đã bám trụ với nghề bán bún đến hơn 50 năm. Ở cái tuổi lưng đã còng, mắt mờ đi dì không được nghỉ ngơi, con cháu phụng dưỡng. Vì miếng cơm manh áo, dì vẫn dầm sương dãi nắng mỗi ngày kiếm từng đồng.
“Công an rượt thì mình phải chạy thôi, công việc của họ mà. Tất cả mọi người đều giống nhau hết con. Mình hổng từ chối gì hết, tất cả ai cũng chạy mình cũng chạy theo luôn. Người ta cũng vì miếng cơm manh áo, mình cũng vì miếng cơm manh áo. Tôn trọng người ta vậy thôi.
Người ta đi làm cũng vì miếng cơm. Rồi mình đi bán kiếm cơm vậy. Phải nhường nhau mà sống thôi. Cãi vã cái gì! Cứ vui vẻ mà chạy.”
Chỉ một vài câu đơn giản nói lên cả một phong cách sống lạc quan chưa từng thấy ở người phụ nữ bán hàng rong quanh năm thức khuya dậy sớm. Không có chồng, cũng không con, suốt hơn nửa cuộc đời, dì Sang chỉ biết cặm cụi với công việc bán bún, phụng dưỡng mẹ già.
Nếu những người bán hàng rong đối diện với việc Công an rượt đuổi bằng thái độ khó chịu thì dì Sang lại đón nhận nó với thái độ thông cảm và tôn trọng hiếm thấy. Bởi vì ai cũng có công việc và nhiệm vụ riêng của mình. Quan trọng là mỗi người có biết tôn trọng nhau, nhường nhau mà sống hay không.
Hai người phụ nữ, hai cuộc đời khác nhau, nhưng đều phải chịu nhiều khó khăn, sóng gió của cuộc đời. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, họ có một thái độ lạc quan mà bất kỳ ai, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay đều cần phải học hỏi.
Có lẽ ở những người phụ nữ kham khổ ấy, họ nhận ra được giá trị sống đích thực giữa những guồng quay của cuộc sống xô bồ. Buông bỏ những bực dọc của đời thường và hài lòng với những gì mình đang có là điều không phải ai muốn cũng có thể làm được.