Sinh viên Hà Nội sử dụng tiếng Anh lưu loát trong buổi đối thoại cùng Jack Ma
Chiều 6/11 tại Hà Nội, hơn 3.000 sinh viên và những người yêu mến vị tỷ phú tự thân - Jack Ma đã có một buổi đối thoại thú vị và nhiều cảm xúc, khi được trực tiếp gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của ông về sự thất bại - thành công, cũng như các kỹ năng cần có trên con đường khởi nghiệp.
Thế nhưng, điều khiến tôi ấn tượng nhất trong suốt buổi trò chuyện không phải phong cách giản dị áo trắng quần âu của Jack Ma, cũng không phải những câu nói truyền cảm hứng khiến người ta vỗ tay không dứt; mà là những hàng ghế chật kín người, chủ yếu là các bạn sinh viên đến từ các trường đại học, học viện tại Hà Nội đến nghe Jack Ma chia sẻ.
Gần 3.00 sinh viên phủ kín hội trường lớn, nhưng chỉ có khoảng 60 tai nghe nghe được nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh - ngôn ngữ mà Jack Ma dùng để thuyết trình và đối thoại với các bạn trẻ. Không có phiên dịch viên, không sử dụng bất cứ một câu tiếng Việt nào trong gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ diễn ra sự kiện, tất cả đều nói tiếng Anh từ chủ tịch FPT Trương Gia Bình, đến nữ MC hoa khôi Học viện Ngoại giao Ngô Khánh Linh. Trừ những người có tai nghe (cũng sử dụng rất ít), còn lại toàn bộ hội trường đều nghe chay phần thuyết trình của Jack Ma.
20 phút thuyết trình trôi qua rất nhanh. Sau mỗi câu nói hay của vị tỷ phú, cả hội trường lại vỗ tay không ngớt và reo hò thích thú. Không gian lúc im ắng, để giọng của Jack Ma vang vọng khắp hai tầng khán phòng; lúc lại đầy ắp tiếng cười vì những chia sẻ hài hước của ông. Nếu sinh viên Việt Nam không hiểu Jack Ma nói gì, họ không thể nào nhịp nhàng cùng reo lên, cùng vỗ tay, cùng tâm đắc với ông như vậy.
Không chỉ nghe tốt, hiểu được những gì Jack Ma muốn truyền đạt, mà sinh viên các trường đại học, học viện còn tự tin đặt câu hỏi cho ông trong phần đối thoại. Tôi đã từng tham gia nhiều buổi nói chuyện, tọa đàm dành cho sinh viên, những người trẻ đã đi làm ở Hà Nội, nhưng tôi chưa thấy ở sự kiện nào lại có nhiều người “dám” giơ tay đứng lên đặt câu hỏi cho BTC như ở buổi đối thoại này. Những sinh viên ấy tự tin giơ cao cánh tay, hy vọng mình là người được gọi. Để rồi khi họ cầm mic, dõng dạc giới thiệu tên, tuổi, trường lớp đang theo học và không ngại đặt những câu hỏi hóc búa cho Jack Ma, tôi chợt thấy sinh viên Việt Nam đâu có thua kém bất cứ sinh viên nào trên thế giới.
Có những câu hỏi đúng trọng tâm được Jack Ma trả lời nhanh chóng. Có những câu lại khiến vị tỷ phú phải suy nghĩ giây lát mới đưa được lời khuyên cho những bạn trẻ đang tràn đầy tinh thần học hỏi. Cuộc đối thoại hấp dẫn đến từng phút, tất cả những người có mặt tại hội trường đều thấy thỏa mãn với buổi trò chuyện đầy bổ ích này. Khi chủ tịch FPT Trương Gia Bình thông báo thời gian diễn ra sự kiện đã hết, nhiều người vẫn còn tiếc nuối vì chưa kịp hỏi Jack Ma những thắc mắc của bản thân.
Hãy cho người trẻ Việt cơ hội, đừng vội chê bai họ
Trước khi tham gia buổi đối thoại cùng Jack Ma, nhiều người đã nói với tôi rằng: “Toàn nói tiếng Anh thôi đấy, mày có hiểu không mà đi”, hay “Đăng ký đi làm cái gì, không có phiên dịch đâu, mày tự tin mày nghe được hết cơ à”. Và tôi biết, không chỉ có mình tôi phải nghe những lời “khuyên can” ấy. Nhiều bạn sinh viên cũng chia sẻ với tôi rằng khi mới khoe tấm vé mời, các bạn đã bị phủ đầu bởi rất nhiều câu nói mang tính chê bai, mỉa mai các bạn không biết tiếng Anh. “Không nghe được, không nói được, bon chen cho bằng người ta đấy à”.
Thật tệ khi chúng ta phải nghe những lời chê bai ấy từ chính những người trẻ khác. Vẫn biết từ trước đến nay, giới trẻ Việt Nam luôn bị đánh giá yếu kém, thậm chí có người dùng từ dốt tiếng Anh để nói về các bạn. Nhưng điều đó không nghĩa, người trẻ Việt mãi luôn dậm chân tại chỗ như vậy.
Sinh viên bây giờ không còn thụ động chỉ biết ngày hai buổi lên giảng đường nữa. Họ tham gia các câu lạc bộ, đi làm thêm, học tiếng Anh, trau dồi kỹ năng mềm. Họ chuẩn bị mọi thứ để làm một công dân toàn cầu, sẵn sàng ném mình ra biển lớn, không ngại đương đầu với những thách thức khó khăn. Người trẻ đang thay da đổi thịt từng ngày như vậy, sao chúng ta không cho họ một cơ hội, tin tưởng họ hơn mà đã vội vã mở lời chê bai, mỉa mai họ.
Có người sẽ nói tiếng Anh của Jack Ma đơn giản, bài thuyết trình sử dụng toàn từ vựng và cấu trúc ngữ pháp ngắn gọn, dễ nghe, thế thì việc gì mà phải khen ngợi những người đến nghe ông ta nói. Nhưng bạn ạ, nếu Jack Ma nói dễ nghe, thì sao bạn không đến hội trường, trực tiếp hoà mình vào không khí hào hứng, nhiệt huyết ở đó mà lại chọn cách chê bai, đả kích những người dám bỏ qua sự tự ti của bản thân để có mặt trong buổi trò chuyện.
Tôi công nhận Jack Ma nói tiếng Anh rất dễ nghe, nhưng thử hỏi có bao nhiều người đủ tự tin đối diện với ông, đến lắng nghe ông chia sẻ và đặt câu hỏi cho vị tỷ phú ấy. Có thể những sinh viên có mặt trong buổi đối thoại ngày hôm qua có kỹ năng nghe chưa phải là tốt nhất, cách họ đặt câu hỏi cho Jack Ma vẫn còn nhiều lúng túng. Nhưng như thế thì có sao? Họ tự tin, họ dám nói tiếng Anh, họ nghe thuyết trình bằng tiếng Anh, thế là thành công rồi.
Nếu chúng ta không thể dành cho người trẻ những cái nhìn thoáng hơn, thì cũng đừng quá khắt khe mà không công nhận họ đã cố gắng như thế nào. Tiếng Anh là điểm yếu của nhiều sinh viên Việt Nam, ai cũng biết điều đó, nhưng không nhiều người hiểu được rằng thay vì chê bai, dập tắt sự tự tin ham muốn học hỏi của họ thì hãy dành cho họ lời động viên, khích lệ đúng lúc để họ hoàn thiện bản thân hơn nữa. Chê bai không bao giờ làm cho một người tốt lên, mà chỉ có khen ngợi đúng lúc mới làm được điều đó.
Jack Ma cũng đưa ra lời khuyên cho tất cả mọi người: “Chúng ta cần có EQ, IQ và cũng cần có LQ (Love Quotient). EQ để hiểu, hỗ trợ và giúp đỡ người khác. IQ giúp bạn có kiến thức để làm việc tốt hơn. Còn tại sao bạn cần có LQ? Nhiều người kiếm được rất nhiều tiền nhưng không bao giờ tôn trọng người khác. Bạn cần quan tâm đến người khác. Đó là lời khuyên của tôi.”
Nếu bạn có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày hôm qua, chắc chắn bạn cũng sẽ có cùng niềm tự hào với tôi. Sinh viên Việt Nam đã giỏi hơn, tự tin hơn, bản lĩnh hơn. Vậy thì tiếc gì những lời khen ngợi cho họ, phải không?