Nhiều người thường nghĩ, chỉ có những người trẻ mới yêu nhau say mê, mặn nồng, thường trao cho nhau những cử chỉ âu yếm. Nhưng dường như không hẳn như vậy. Có thể bạn cũng sẽ thay đổi suy nghĩ, sau khi xem câu chuyện tình yêu của những cặp vợ chồng già trong bài viết này.
Cặp đôi “Thần tưới-Thần nhặt”
Cụ ông Lê Sẻ (92 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Lợi (85 tuổi) là đôi vợ chồng làm công việc bình dị, trồng rau ở làng Trà Quế (Hội An). Cặp vợ chồng già đầy thú vị và đáng yêu này từng được nhiều người biết đến qua một chương trình truyền hình.
Trước đó, chân dung của ông bà nhiều lần được Réhahn, một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp lại. Những bức ảnh về họ đã trở nên quen thuộc với không chỉ người dân Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới, như một biểu tượng lạc quan và tình yêu bất diệt.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng vợ chồng ông Sẻ, bà Lợi vẫn cần mẫn, vui vẻ với công việc đã gắn bó bao nhiêu năm nay đó là nghề trồng rau. Người làng Trà Quế vẫn gọi vui cụ ông Lê Sẻ là “thần tưới” còn cụ bà là “thần nhặt” cũng chính bởi tinh thần hăng say và tình yêu lao động của ông bà.
Thật khó để tìm được một tình yêu như thế, ở một độ tuổi như thế, hiện tại vợ chồng ông bà vẫn luôn dành cho nhau những nụ cười móm mém, những ánh mắt trìu mến yêu thương trên khuôn mặt đã in đầy dấu vết thời gian. Đã hơn 70 năm quen nhau và về chung một mái nhà, nhưng chưa bao giờ cụ ông quên những cái nắm tay thật tình cảm, vẫn đều đặn chải chải tóc cho bà, và rồi họ cùng nhau mỉm cười hạnh phúc. Câu chuyện tình chân chất màu của đất đai, ruộng vườn, không chút màu mè tính toán của hai cụ khiến cho không ít người thích thú và cảm động.
Câu chuyện “Vợ nhặt” phiên bản đời thực
Vợ chồng ông Thành, bà Thủy làm nghề nhặt rác mưu sinh dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) vốn không còn xa lạ với nhiều người. Người ta còn biết đến ông Thành với “biệt danh”: Ông lão vớt xác trên sông Hồng.
Câu chuyện “nhặt” được vợ tưởng chừng chỉ có trong văn học, ấy vậy mà cách đây 40 năm, ông Thành đã “nhặt” được bà ở gầm cầu ga Long Biên thật. Hai mảnh đời neo đơn từ đó nương vào nhau để sống qua ngày. Không trầu cau ăn hỏi, không đám cưới rình rang, ông và bà cứ thế dọn về chung một nhà. Đã cùng nhau phiêu bạt đi nhiều nơi nhưng đến bãi giữa sông Hồng thì ông bà chọn ở lại. Đến giờ, ông Thành đã hơn 80 tuổi, còn bà Thủy cũng đã 76.
Hai ông bà không có con, hàng ngày ông Thành vẫn đều đặn lượm lặt ve chai ở những bãi rác quanh thành phố để kiếm. Túp lều nổi ven sông dưới gầm cầu Long Biên ông bà có được cũng là nhờ vào lòng hảo tâm của những người hay xuống bãi giữa tắm sông gom góp dựng lên. Có được chỗ che mưa che nắng, đối với ông bà đó là cả một câu chuyện thần tiên đến lúc xế chiều.
Ông Thành, bà Thủy đều vô cùng niềm nở và hiếu khách, vậy nên ngày nào ông bà cũng có khách qua thăm. Có lẽ đó là niềm vui lớn nhất của ông bà trong những năm cuối đời này.
Cụ ông 70 tuổi 6 năm chăm cụ bà sống đời thực vật
Mới đây, trong một chương trình truyền hình, câu chuyện tình yêu đặc biệt của ông Trần Đình Bàng quê ở Đại Từ, Thái Nguyên khiến người xem không khỏi bồi hồi xúc động.
Nên duyên nên vợ chỉ qua bố mẹ mai mối, vậy mà ông bà đã sống với nhau trọn nghĩa vợ chồng cho tới tận khi bệnh tật và tuổi già ập đến. Năm 2012, bà bị liệt phải nằm một chỗ. Sáu năm nằm một chỗ với cảnh sống thực vật, cũng là ngần ấy thời gian người đàn ông 70 tuổi luôn ở bên chăm chút, làm thơ tặng người vợ đã gắn bó cả cuộc đời với mình.
Nhìn cảnh cụ ông già với thân hình gầy guộc ngày ngày bón cháo cho vợ ăn một cận tận tụy, từng câu nựng, cách ông lo lắng khi bà ngáp trong lúc ăn sợ bà nghẹn… không ai có thể cầm được nước mắt. Dù đã sống bên nhau mấy chục năm của cuộc đời, dù bà giờ chỉ còn nằm một chỗ và không có nhiều cảm nhận nhưng ông vẫn yêu thương và chiều chuộng bà.
Bên nhau gần hết cuộc đời, duyên nợ vợ chồng của ông bà đã khiến bao thế hệ trẻ phải suy ngẫm.
Hạnh phúc giản dị của cặp vợ chồng già không con
Hơn 60 năm, ông Nguyễn Ngọc Đinh và bà Phạm Thị Quảng (Hà Nội) vẫn bên nhau dù không có con làm mối dây liên kết. Bà thỉnh thoảng đọc cho ông nghe những bài thơ do bà sáng tác.
Những năm tháng chiến tranh, bà Quảng bị đạn bắn vào chân nên giờ đi khập khiễng, khó khăn trong việc ngẩng đầu lại thêm nhiều bệnh tuổi già. Không chỉ thế, bà còn phải lo cho ông Đinh đã rất yếu, đi lại hạn chế, tai hầu như không nghe thấy gì.
Dù thế, bà vẫn hàng ngày bán hàng lại rất hay sáng tác thơ ca. Ngay cả trong cảnh vất vả, bà cũng viết được những câu thơ chân thành: “Em 88 hầu anh 89 / Suốt cả tuần khép kín thực đơn / Ăn sao vừa phải là hơn / Nhiều chất đạm đường là lại thêm lo / Bệnh mỡ máu làm cho người mệt / Bệnh tiểu đường càng phức tạp hơn / Sáng nên dạo gót hè đường / Đầu gối đỡ cứng chân càng dẻo dai”.
Hai ông bà cưới nhau vào thời chiến rất giản dị, chỉ tổ chức một buổi lễ nhỏ, có chào cờ. Cuộc sống vợ chồng có những lúc thăng trầm khi họ không có con nhưng ông bà vẫn sống bên nhau tới giờ. Thứ tình cảm họ dành cho nhau còn thiêng liêng hơn cả tình yêu. Hạnh phúc đơn sơ, giản dị mà ấm áp ấy của ông Đinh, bà Quảng đã lay động trái tim, khiến cho nhiều người vừa cảm phục,vừa ngưỡng mộ.