Năm tháng hóa vĩnh hằng
Ngày tốt nghiệp có lẽ là ngày đặt dấu chấm hết cho một thời tuổi trẻ, đó là lúc chúng ta phải nói lời từ biệt với thanh xuân đầy hồn nhiên nhưng cũng đầy ngờ nghệch, là lúc năm tháng rồ dại phải qua đi và mộng ước xa vời không còn nữa.
Những ngày trước khi tốt nghiệp thời gian lười biếng nhích đi từng chút một, chẳng ai buồn để ý, ấy thế mà khi ngoảnh lại thời gian đã vụt đi từ khi nào, muốn vươn tay níu giữ lại lực bất tòng tâm.
Khoảng thời gian trước khi tốt nghiệp, hoặc là có chủ đích hoặc là vô tình chúng ta đều lang thang ở một góc nào đó trong khuôn viên sân trường, để đánh dấu những kỉ niệm về nó bởi lỡ mai này quay lại biết đâu nó đã khác rồi. Chợt nhớ về góc sân ngày ấy, ngày mà 4 năm trước ta đứng tại đây làm đơn đăng kí nhập học, hóa ra, qua bốn năm ta lại trở về lúc khởi điểm. Phút chốc cũng chợt nhận ra rằng, bạn bè bên mình suốt bốn năm quả thật đáng yêu và tốt bụng hơn tưởng tượng, giống như ngôi sao ấm áp tỏa sáng trong màn đêm lấp lánh.
Góc kí túc xá nam đối diện ngày ấy năm ngoái còn thoang thoảng khói thuốc bay sang, hay bên khung cửa sổ thiết kế nho nhỏ, những chiếc áo sơ mi trắng thấp thoáng bay bay. Cuộc sống những ngày bắt đầu đại học cũng như thế, thuần khiết và tự do như màu trắng của chiếc áo sơ mi nam.
Đến hết năm nhất lại cảm thấy cuộc sống sinh viên như màu trái cam mọng, thật nhiều sức sống, tươi mới và xán lạn. Trong hồi ức của màu cam, có sự hồi hộp khi lần đầu tiên học giáo viên khó, có sự hiếu kì khi gia nhập đoàn thanh niên lại có sự căng thẳng khi lần đầu thi cử…
Năm hai lại như màu xanh lục, thanh xuân phơi phới giữa đất trời, mạnh mẽ vươn ra như một tán cây, mộng ước cũng dần được thực hiện. Lúc thảo luận bài học cùng giáo sư thấy rõ sự hài lòng trong nụ cười của thầy, lúc đối thoại với giảng viên ngoại ngữ, được cô cho điểm số tốt. Rồi cảm giác đã quen thuộc với tất cả các hàng quán ở khu vực của trường cũng những ngày thường lưu lại ở thư viện đến tối muộn.
Năm ba đại học, cuộc sống biến chuyển thành xanh lam. Chúng ta trở nên chững chạc, đưa ra nhiều quyết định trọng đại với bản thân: du học, thi lên thạc sĩ hay ra đời làm việc. Tất cả những gì liên quan đến quyết định này đều thay đổi cuộc sống của chúng ta.
Năm tư lại giống như màu xám bạc, định hướng của mỗi người dần khác, ai cũng bận rộn để chuẩn bị tương lai phía trước, mọi thứ như khúc ca chưa sáng tác xong, vội vã bắt đầu rồi cũng vội vã chia tay.
Ngày tốt nghiệp tháng 7 cũng là lúc một phần kí túc xá trở nên vắng lặng, từng chiếc vali của các bạn nối đuôi nhau chuyển ra khỏi cổng, cảnh tượng của nỗi buồn vô hạn.
Nơi bắt đầu ước mơ
Ngày thằng Mập Bự lấy được visa đi Mỹ có lẽ là ngày mà nó vui nhất trong hai tháng nay. Nó là một trong những thằng bạn tốt nhất của tôi. Chúng tôi có bốn anh em đều ở chung phòng kí túc. Thằng cả thì học máy tính, nó chính là Mập Bự nổi danh trên mạng, thằng hai thì thuộc dạng soái ca, mỗi lần tập họp dưới sân trường là thu hút không ít ánh nhìn của bạn nữ, còn Tiểu Cao xếp thứ ba trong mấy anh em chúng tôi nhưng nó lại là đứa cao nhất, học Trung văn, yêu viết lách, nói rất nhiều, triết lí toàn từ nó mà ra. Còn tôi lại là một đứa chẳng có gì đặc biệt, chỉ thích làm thí nghiệm mà thôi.
Hồi năm nhất tôi chẳng hiểu gì nhiều trong khi đó thằng cả đã bận bịu với đống sách quý của nó. Trên kệ sách, nó gắn một hàng chữ tiếng Anh rất to: Bốn năm sau, mình sẽ ở bên Mỹ. Nó là đứa hiểu bản thân thân mình cần gì nhất trong đám chúng tôi. Mấy thằng khác thì giống nhau, cứ lờ lờ mờ mờ lên lớp, làm thí nghiệm, viết luận văn, chẳng khác hồi cấp 3 là mấy bởi chúng tôi đã quen với thời gian được lên kế hoạch mỗi ngày, hễ không ai quản liền cảm thấy thiếu thiếu gì đó.
Mập Bự nói, nó muốn làm nhà khoa học thế là tôi liền cười, bảo nó, đó là lý tưởng của chúng mình từ 10 năm về trước. Thằng hai liền nhảy vào: “Hay là làm giáo viên, giáo viên oai như vậy, sau này mà trở thành thầy giáo thì uy phong lẫm liệt đến cỡ nào, không ai ăn hiếp được cả.”
Lúc bắt đầu tìm việc, thằng hai nhìn sơ yếu lí lịch của chính nó thở dài. So với người khác, tình trường của nó nhiều hơn kinh nghiệm thực tiễn. Có điều, nó vẫn là một thằng ưu tú nên đi phỏng vấn đậu vào một công ty mạng khá được.
Tiểu Cao thì chọn làm giáo viên. Nó muốn đi dạy nhưng không phải ở chốn đô thị phồn hoa cũng không cần mức lương tốt. Nó xin đi Thanh Đảo, nơi đó có dự án hỗ trợ giáo dục của quốc gia. Nó bảo bản thân đi lên từ nông thôn nên biết rõ những đứa rẻ vùng cao khát khao hiểu biết thế giới bên ngoài thế nào.
Còn tôi tiếp tục học cao học cho nhanh gọn, bớt khó khăn thủ tục khi xin đi nước ngoài, bớt bận bịu đi xin việc và bớt luôn băn khoăn chọn lựa trong cuộc đời.
Mập Bự là người cuối cùng trong 4 chúng tôi có sự định hướng. Đêm tiệc chúc mừng nó lấy được visa cũng là lúc chúng tôi bù lu bù loa hoài niệm 4 năm đại học của cả đám, về những lần nhậu nhẹt bê tha, về những lần cãi nhau vang trời nổ đất.
Bạn ơi xin đừng khóc!
Mùa hè giữa tháng 7, ngân hạnh vẫn còn xanh lá nhưng con tim tôi đã âm ỉ nỗi buồn. Tốt nghiệp - ngày đó sắp đến rồi.
Giảng đường ngày cuối cùng cũng là lúc nói lời từ biệt với giáo sư, thi xong mùa cuối cùng cũng là lúc khép lại tập vở. Tạm biệt bạn bè, tạm biệt cuộc sống của bốn năm đại học.
Thật sự tôi đã quen cuộc sống trong kí túc, những lần buôn chuyện đêm khuya, những lúc mưa rơi có người gom quần áo, những lần trốn tiết có người điểm danh giùm, đã quen lúc ăn cơm chọt đủa mốc đồ ăn của đứa khác hay chùm chìa khóa nhiều đứa dùng chung.
Ngày chia tay sắp đến gần, tôi thấy quán cơm quanh trường luôn đầy người, tất cả bạn bè đều ở đó tụ họp. Họ vì những ngày sắp qua đi mà luyến tiếc, vì những ngày sắp tới mà ưu tư.
Những cái bừa bãi, tức cười, ưu sầu, giận dỗi, vui vẻ đã theo thời gian mà chẳng thèm quay đầu, những càn rỡ ngày xưa sau nay cũng chẳng còn nữa. Tôi sẽ ghi nhớ hình dáng của mỗi người các bạn, ghi nhớ những dung nhan của tuổi thanh xuân, bởi nơi đó có hồi ức tươi đẹp và kỉ niệm vĩnh hằng trong cuộc đời của tôi.
Tạm biệt rồi kí túc xá của tôi, nơi căn phòng ấm áp mà tôi đã ở, phút chốc đã trở thành quá khứ rồi. Tất cả hồi ức đã trở thành cuốn sổ lưu bút trong tim tôi. Trạm dừng chân tiếp theo không biết sẽ có cảnh sắc thế nào.
Tôi hét lên giữa kí túc không người: “Tạm biệt nhé, tôi đi đây.” Tạm biệt cuộc sống của bốn năm đại học, tôi phải rời nơi nhiệt huyết thanh xuân này thật rồi.
Đừng mà. Đại học.
Hôm nay là ngày cuối cùng của sinh viên tốt nghiệp ra trường. Trong hai ngày, ba chị em cùng phòng của tôi đã dần dần chuyển đồ ra ngoài. Mấy hôm nay kí túc thật lộn xộn, mọi người cứ đắn đó không nở chuyển đồ đạc đi rồi phân vân chọn lựa cái nào bỏ đi cái nào giữ lại.
Tôi bật đèn rồi bắt đầu công việc dọn góc phòng của mình.
Hồi kí nguệch ngoạc của năm nhất, bản thảo rời rạc của hoạt động tổ chức hồi năm hai, mấy liều thuốc chưa uống hết hồi năm ba, tài liệu nghiên cứu hồi năm tư, tất cả tôi đều không nhớ là thuộc về ai, rồi một chồng sách tiếng Anh còn chưa đụng tới, tôi nhìn qua nhìn lại, bất giác khóe mắt đã rưng rưng.
Chỉ có tôi hiểu rõ mỗi quyển sổ, mỗi sấp tài liệu của các bạn trong phòng chứa đựng bao nhiêu tầng ý nghĩa, nhưng tiếc thay lại không thể mang đi hết, đây thật sự là một hồi ức chân thật trong 4 năm đại học của tôi.
Nhìn căn phòng trống lần cuối, con heo bông dựa bên cạnh giường không cách nào nhét vừa hành lý nên tôi đành phải để nó ở lại. Cái nồi nấu mì cũng chẳng thể mang đi, hơn nữa sau này có muốn cũng không nấu ra được hương vị thời đại học. Đồ đạc trong tay đã đầy hết rồi, những thứ còn lại đành có lỗi mà bỏ rơi nó thôi.
Tôi miễn cưỡng tắt đèn.
Cũng giống như mỗi ngày của 4 năm đại học, tôi bước ra khỏi cửa và đi trên con đường quen thuộc. Và khoảnh khắc cất bước rời đi cũng là lúc tôi không có mặt ở đây nữa. Ngoảnh mặt về cổng trường lần cuối tôi nghiêm túc nói lời tạm biệt, tạm biệt nơi lưu giữ 4 năm thanh xuân của tôi.