Sau 6 năm sinh sống tại Sài Gòn, anh chàng phóng viên James Pham đã viết một bài review có tâm vô cùng để nói về nơi đây. Qua ngòi bút và những bức ảnh của anh, thậm chí nhiều người Sài Gòn còn giật mình thảng thốt khi nhận ra: Ồ, thành phố mang tên Bác hóa ra đẹp bình dị và thân thương đến thế!
Hàng ngày, rong ruổi khắp thành phố bằng xe máy và mang theo một chiếc máy ảnh, James Pham đặc biệt để tâm đến nét độc đáo trong ẩm thực đường phố của Sài Gòn. Dưới đây là những gì được anh chia sẻ trên trang Lonely Planet: Làm thế nào để tồn tại ở Sài Gòn như một người dân bản xứ?
Khi có bạn bè tôi từ phương xa ghé thăm Sài Gòn, nơi đầu tiên mà tôi muốn đưa họ đến chính là tiệm masage chân yêu thích của tôi nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh. Với giá khoảng 13 USD (khoảng 300.000 đồng cả tiền tip) bạn sẽ được thư giãn hoàn toàn sau một chuyến bay dài và lấy lại năng lượng để bắt đầu khám phá thành phố bằng một tách trà gừng nóng.
Sau đó, chúng tôi sẽ cùng tới EON Heli Bar ở Tháp Bitexco, tòa nhà cao nhất ở TP. HCM hiện tại. Đây là địa điểm thích hợp nhất để có thể nhìn được toàn cảnh thành phố trong tầm mắt: Những góc cũ kĩ của Sài Gòn, những ngôi nhà kiến trúc Pháp hay tòa nhà chọc trời đầy ấn tượng.
Để thưởng thức ẩm thực một cách tiết kiệm nhất, tôi gợi ý bạn nên tìm đến các biển hiệu có ghi “cơm bình dân” - nơi cung cấp những bữa ăn ngon, bổ, rẻ chỉ với 1,5 USD (35.000 đồng). Bạn có thể tìm thấy các quán ăn này ở khắp mọi nơi trong thành phố, thường là gần các trường đại học. Ngoài ra, những bữa cơm văn phòng trong các quán cafe cũng là một lựa chọn khá ổn. Với chi phí chỉ tương đương một cốc café, bạn sẽ có một bữa trưa đầy đủ cơm, canh rau và món mặn.
Tôi thường hay mua sắm tại Kokois ở Thảo Điền. Sản phẩm ở đây độc đáo và thích hợp với thời tiết nhiệt đới của Việt Nam nhưng không kém phần hiện đại. L' Usine cũng là cửa hàng tương tự nhưng thích hợp mua làm quà hơn bởi khá đậm nét văn hóa Việt Nam. Bất chợt, tôi lại nhớ ra một địa chỉ khác là hàng may Phước trên đường Đề Thám.
Nếu muốn có những trải nghiệm “chanh xả”, tôi nghĩ bạn có thể đặt phòng khách sạn hạng sang ở trung tâm thành phố để thử cảm giác “thoát khỏi” một Sài Gòn với những tiếng ồn. Một trong những nơi có góc nhìn lý tưởng nhất là Le Meridien Saigon. Ngoài ra còn có một số gợi ý khác là Blanc, hay quán Deck, toàn là những nơi có view ngắm sông thơ mộng.
Tôi thường đi tới bán đảo Thanh Đa (cách trung tâm thành phố 20 phút đi xe máy) để trốn khỏi phố phường đông đúc. Khung cảnh nơi đây ghi điểm ở chỗ thanh bình và yên ả, xứng đáng để làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn. Ngoài ra, An Lâm Sài Gòn River cũng là một lựa chọn khác của tôi, nơi mà tôi có thể tận hưởng những phút giây thư giãn tĩnh tại và thưởng thức đồ ăn Việt Nam hoặc đồ Âu.
Một trong những điều tôi đặc biệt yêu thích ở Sài Gòn là có thể dạo khắp phố phường bằng xe máy. Còn điều làm tôi không hài lòng lại là giá cả của thực phẩm nhập ngoại. Những món đồ Âu như phomat, steak, hạnh nhân… vô cùng đắt đỏ!
Cuộc sống ở Sài Gòn lúc nào cũng “sôi động”, có lẽ cũng vì thế mà đây còn được cho là thành phố “không bao giờ ngủ”, người Sài Gòn cũng rất cởi mở và thân thiện.
Nếu muốn ra khỏi thành phố, tôi sẽ chọn đi biển. Từ Sài Gòn bạn có thể đi Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo hoặc sang Campuchia trong vòng một vài tiếng. Ngoài ra, du khách từ Sài Gòn có thể đi tàu, xe tới Vũng Tàu hay Mũi Né cũng chỉ vài giờ đồng hồ.
Cà phê là “đặc sản” ở Sài Gòn và các quán cafe có ở khắp mọi nơi. Từ những quán nhỏ bán cà phê theo kiểu truyền thống, chỉ bày ra vài chiếc ghế nhựa cho khách ở bên nhà thờ Đức Bà cho đến những cốc chocolate nóng hổi làm từ chính cacao trồng ở đồng bằng sông Cửu Long, tất cả đều đem lại những trải nghiệm vô cùng độc đáo.
Cuối cùng, tôi đã quen với các con hẻm nên đường sá ở Sài Gòn không thành vấn đề cho lắm. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ đi lạc ở thành phố này. Bởi đường phố được đặt tên theo các nhân vật lịch sử Việt Nam, oái oăm lại nằm ở chỗ cùng một cái tên nhưng lại được sử dụng ở nhiều quận, vì thế bạn cần phải biết chính xác mình đang ở đâu và cần đi tới đâu.
Ảnh: James Pham - Nguồn: Lonely Planet