Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm: 'Nghề giáo cho tôi cả cuộc đời!'

Là người chuyển giới đầu tiên được công nhận xác định lại giới tính tại Việt Nam, thế nhưng để được gọi là cô giáo với Quỳnh Trâm là cả một câu chuyện dài để kể.

“Năm 2008, khi hoàn thành quá trình chuyển giới, tôi trở về Việt Nam và nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn cơ hội được làm đứng trên bục giảng nữa” - Cô giáo Quỳnh Trâm bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đã qua.

_MG_6718

Hãy cho tôi một cơ hội!

Phạm Lê Quỳnh Trâm (1974) sinh ra tại Bình Phước, từng có tên khai sinh là Phạm Văn Hiệp. Cô từng đậu và học song song hai trường là đại học kinh tế và học viên ngân hàng. Tuy nhiên vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Quỳnh Trâm buộc phải nghỉ học nửa chừng để về quê dạy học phụ giúp kinh tế gia đình.

Năm 2006, sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ và tích góp, cô quyết định lén gia đình sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới, tìm lại con người thật của mình. “Tôi buộc phải lựa chọn, hoặc là sống đúng với giới tính mà mình muốn hoặc được làm nghề mà mình thích nhưng phải sống lừa dối bản thân đến hết cuộc đời, dù lúc đó tôi chỉ là một giáo viên dạy kèm” - Cô giáo bùi ngùi tâm sự.

image2

Cô giáo đã đắn đo rất nhiều trước quyết định quan trọng của cuộc đời.

Năm 2008, Quỳnh Trâm trở về quê trong một hình hài hoàn toàn khác, trước bao con mắt dò xét, kỳ thị. Và như cô dự đoán, không một phụ huynh nào dám cho con mình theo học một giáo viên “nam không ra nam, nữ không ra nữ” . 

Trước những định kiến khắc khe của xã hội Quỳnh Trâm quyết định học nghề làm tóc để lên TP HCM lập nghiệp. Cô chia sẻ: “Tôi nghĩ đơn giản, nghề làm tóc thì phổ thông hơn, sẽ không ai đánh giá tư cách mình khi làm việc. Thế nhưng trước khi lên Sài Gòn, tôi có mở một lớp ôn thi tốt nghiệp miễn phí cho các em học yếu nhất vùng, coi nhưng vừa giúp cho các em vừa thỏa niềm đam mê giảng dạy”.

_MG_6765

Cô mở ra một lớp học miễn phí, với mục đích giúp các em học sinh và hoàn thành tâm nguyện với nghiệp dạy.

Lớp học với vỏn vẹn 6 học sinh, nhưng với sự quyết tâm của cả thầy và trò, sau 5 tháng cả 6 thành viên đều vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trước sự ngỡ ngàng của mọi người. “Kể từ thời điểm đó người ta gọi tôi là cô giáo Quỳnh Trâm chứ không còn gọi là thằng bê đê hay con bóng gió nữa, tôi hạnh phúc vì đã thay đổi được quan niệm của họ về người chuyển giới” - Quỳnh Trâm hào hứng chia sẻ.

Thiêng liêng hai tiếng: Cô giáo!

Sau thành công của lớp học, ngày càng có nhiều phụ huynh tin tưởng và gởi con đến lớp của Quỳnh Trâm để ôn thi đại học. Kinh tế bắt đầu ổn định, cô giáo quyết định ở lại với nghề giáo - xem đó như một cái duyên.

Cô tâm sự: “Đến tận bây giờ tôi vẫn luôn biết ơn 6 người học trò đầu tiên của mình, họ đã trao cho tôi cơ hội, cơ hội để được thể hiện năng lực bản thân. Giúp tôi trở nên có giá trị đối với cuộc sống”.

_MG_6773

Năm 2010, Quỳnh Trâm cùng mẹ lên TP HCM sinh sống và tiếp tục sự nghiệp giảng dạy của mình. Đa số học viên theo học lớp cô đều là những bạn đã mất kiến thức khá nhiều, vì vậy cô giáo cũng có cách giảng dạy rất riêng. “Ngoài sự ân cần, tận tình trong cách truyền đạt, tôi thường động viên các em, giúp các em nhận ra tầm quan trọng của việc học. Đồng thời, kể cho học sinh nghe về cách mà tôi đã vượt lên nghèo khó nhờ học vấn như thế nào”.

Chị Trương Trúc Thanh (1987) chia sẻ: “Tôi đã thử học ở các trung tâm khác, nhưng không tiếp thu được nhiều, phải đến khi gặp cô Trâm, tôi mới thật sự được củng cố lại kiến thức. Cách dạy của cô rất đơn giản nhưng lại hiệu quả, hơn nữa cô còn rất vui tính gần gũi, giúp lớp học không có khoảng cách giữa người giảng và người nghe”.

_MG_6740

Chị Trúc Thanh dù đã gần như quên hết kiến thức căn bản, nhưng nhờ sự tận tình của cô Trâm đã giúp chị học khá hơn.

_MG_6745

Cô Trâm thường xuyên trò chuyện thân mật với các học trò.

Hơn 10 năm trong nghề giáo, trải qua biết bao thâm trầm cô giáo Quỳnh Trâm chia sẻ: “Hai từ 'cô giáo' với tôi thật sự rất thiêng liêng, nó không còn là một danh xưng nghề nghiệp nữa, mà đã trở thành một niềm hạnh phúc bất tận. Mọi người, học trò trân trọng gọi tôi là cô giáo Quỳnh Trâm, nghĩa là họ công nhận tôi là một người phụ nữ và yêu quý nghề nghiệp của tôi”.

_MG_6761

Đưa hết chuyến đò này, cô lại âm thầm với chuyến đò khác, từng lứa học trò đi qua sẽ mãi nhớ về một cô giáo luôn yêu thương học trò bằng cả trái tim.”Rồi sẽ đến một ngày nào đó, tôi không còn đủ sức để đứng trên bục giảng nữa, lúc đó tôi sẽ nghỉ ngơi. Thế nhưng ngày đó còn xa lắm. Nghề giáo cho tôi cả cuộc đời, vì vậy tôi sẽ dành trọn cuộc đời mình cho nghề giáo” - Cô Quỳnh Trâm tươi cười chia sẻ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
LG ra mắt điều hòa DUALCOOLTM AI Air với làn gió thông minh, tiết kiệm điện năng và lọc khí toàn diện