Do đặc tính cập nhật và liên tục ra mắt các phiên bản đời cao nên iPhone được đánh giá là một trong những dòng điện thoại được nhiều người “săn đón” và “thay đời” nhanh chóng. Chính vì vậy, một chiếc iPhone 7, 8 có thể đang là sản phẩm “hot” trong năm 2018 nhưng chỉ cần một thời gian sau, nó sẽ nhường chỗ cho những thế hệ đàn em mới hơn.
Tình trạng đó cũng đã từng xảy ra với iPhone 4, 5 và 6. Cách đây hơn 3 năm, iphone 6 ra mắt với giá thành khoảng từ 15 đến 18 triệu đồng và được đánh giá là hot trên thị trường bấy giờ. Sau một thời gian sử dụng, nhiều “tín đồ công nghệ” sẵn sàng bán đi hoặc bỏ xó nó để chạy theo những trào lưu mới.
Tất nhiên, không phải ai cũng như vậy bởi vì điện thoại suy cho cùng cũng chỉ là một vật dụng cá nhân, sử dụng làm sao cho hợp lý là được. Tuy nhiên, có không ít người lại thường nhìn vào chiếc điện thoại để đánh giá “đẳng cấp” của người khác và khi thấy ai đó bị lạc điệu do “lỗi mốt” thì họ sẵn sàng tỏ ý miệt thị.
Đó chính xác là những gì đã xảy ra với bạn Đ.H khi mang điện thoại đi chỉnh trang ở một cửa hàng. Vừa bước tới, cô đã nhận ngay thái độ khó chịu của chủ quán chỉ vì năm 2018 rồi mà cô vẫn đang còn xài Iphone 6.
“Hôm nay mình đi thay cái miếng dán cường lực của điện thoại iPhone 6, có thể với nhiều người thì iPhone 6 nó cũ quá rồi vì bây giờ mình thấy người ta toàn dùng iPhone7 với 8. Nhưng mà các bạn biết không, điện thoại của mình bây giờ bị coi là cũ thì cũng là mua bằng tiền của mình, công sức của mình chứ không phải đi xin của ai.
Lúc vào quán để thay kính cường lực mình nói “cho em thay cái miếng dán cường lực mới”. Chủ quán cầm chiếc điện thoại của mình cười bảo “bây giờ vẫn có người dùng điện thoại này à, nhìn nhà quê lắm khác gì dùng đen trắng đâu em”. Mình liền xin lại cái điện thoại không thay nữa, thì chủ quán nói với mình “đúng là đồ nhà quê”. Mình bức xúc quá các bạn ạ, cảm giác bị xúc phạm ghê luôn'. Quê thì có sao đâu, chả lẽ cứ sinh ra ở quê, sống ở quê là bị miệt thị so với thành phố à”.
Ngay sau khi đăng đàn, đoạn chia sẻ của Đ.H đã nhận được sự quan tâm đăc biệt của cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều ủng hộ với cách ứng xử và suy nghĩ của cô bạn. Họ cho rằng, điện thoại, túi xách hay phấn son đều là những vật dụng ngoài thân nhưng phải đổi bằng công sức lao động của mình. Thay vì khuếch trương, tỏ ra đẳng cấp thì việc xài đồ theo đúng mức sống, khả năng chi trả và nhu cầu của mình mới là điều nên làm.
“Dùng iPhone 6 đã bị chê nhà quê vậy như mình dùng con Samsung mà hãng đã ngừng sản xuất, con em thì dùng cái Nokia cũ nữa thì không biết anh chủ gọi là gì, đúng là xem thường người khác quá à”, bạn l.T bày tỏ.
Thành viên M.N chia sẻ: ”Không phải ai dùng điện thoại cũ cũng quê đâu anh ạ. Mình từng gặp một chị sếp lương rất cao mà vẫn giữ cái điện thoại bị vỡ hết màn hình đó. Đừng vì cái điện thoại đánh giá cả con người”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, có thể anh chủ quán chỉ đang cố tình kích tướng cô gái để người này đổi điện thoại và sẽ mua sản phẩm mới của cửa hàng mình. Tuy nhiên, cách bán hàng này cũng không được ủng hộ khi trực tiếp xúc phạm đến tự tọng của khách hàng.
“Nếu anh muốn bán hàng thì đúng là đã thiếu kỹ năng rồi, không biết cách ứng xử làm sao bán được hàng lại còn không biết cách nhìn nhận tính cách người mua nữa“, một dân mạng bình luận.