Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Vụ cầu thủ nữ đánh nhau: Chỉ là chuyện vết mực trên tờ giấy trắng

Bóng đá khó tránh khỏi chuyện cay cú, ăn thua nên chuyện các cầu thủ nữ ẩu đả trên sân Thống Nhất có lẽ cần nhìn theo hướng "vết mực trên tờ giấy trắng".

Tám năm trước, sân Thống Nhất từng chứng kiến cuộc ẩu đả giữa đội chủ nhà TP.HCM và Quảng Ninh. Kim Hồng và Thùy Linh va chạm nhau nên bắt nguồn cho câu chuyện không vui. Cầu thủ nữ của hai đội cùng ban huấn luyện xông vào nhau, sau đó khán giả tràn xuống sân tạo nên một trong những scandal lớn nhất của bóng đá nữ ở Đại hội TDTT toàn quốc 2010.

Hôm qua, chuyện cũ tái diễn khi TP.HCM I và Than khoáng sản Việt Nam hỗn chiến ở bán kết giải vô địch quốc gia nữ. Có thể kể ra người cũ trong cuộc hỗn chiến của 8 năm trước tiếp tục góp mặt là Quả bóng vàng Kim Hồng (TP.HCM I) và HLV Đoàn Minh Hải (TKS VN).

Bóng đá nữ đánh nhau được xem là chuyện… bất bình thường với người hâm mộ Việt Nam. Từ trước đến nay, khi nói về bóng đá nữ thì mọi người vẫn luôn dành cho các bóng hồng những lời ngợi khen. Nhiều cầu thủ nữ đá bóng như một sự hy sinh cả tuổi thanh xuân. ĐT nữ Việt Nam cũng 5 lần giành HCV SEA Game, còn bóng đá nam chưa một lần làm được điều này.

Sân Thống Nhất xảy ra chuyện không vui vào chiều qua (12/0).

Chuyện đánh nhau chắc chắn là sai. Không ai cổ súy chuyện cầu thủ đánh nhau, dù là bóng đá nam hay bóng đá nữ. Đó là hành động thiếu fair play trong môn thể thao Vua. Tất nhiên, ai vi phạm sẽ nhận án phạt từ Ban kỷ luật VFF.

Thế nhưng, sự việc cầu thủ nữ đánh nhau bị gán vào khuôn khổ đạo đức thì thật sự buồn cười. Bóng đá là môn đối kháng, mọi chuyện bất ngờ có thể xảy ra. Kể cả những danh thủ hàng đầu thế giới vẫn không thoát khỏi chuyện ẩu đả nếu như cái đầu không thể kiềm chế. Huyền thoại Zidane từng húc đầu vào đối thủ ngay trong trận chung kết World Cup 2006 dưới con mắt của mấy tỷ người dõi theo là ví dụ.

Cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt từng nói: “Trong những thời khắc quyết định thì điều tuyệt nhất anh có thể làm là một quyết định đúng, điều tuyệt thứ nhì là một quyết định sai, và điều tồi tệ là không làm gì cả”.

Có thể hiểu, chuyện cầu thủ phản ứng bằng cách đấm nhau là một quyết định. Dĩ nhiên, đó là quyết định sai khi nhìn ở góc độ fair play trong bóng đá. Chuyện ẩu đả ở sân Thống Nhất cũng thế. Số đông cầu thủ không giữ được cái đầu lạnh nên quyết định sai khi đánh nhau.

Điều đáng buồn là khi xảy ra chuyện thì khán giả nhảy xuống sân đánh cầu thủ nữ.

Tuy nhiên, các cầu thủ nữ đã đưa ra quyết định đó và họ cùng nhau lên tiếng xin lỗi người hâm mộ vào ngày hôm nay. Sai vì sự bộc phát chứ không phải sai vì tính hệ thống, hay bản chất điều quen thuộc ở giải đấu là các cầu thủ nữ thường xuyên có hành động xấu xí. Họ vẫn là những đóa hoa thầm lặng cống hiến cho bóng đá Việt Nam.

Có những cái sai cho thấy được vấn đề tồn đọng và sửa sai để tốt hơn cho tương lai. Có những cái sai mang tính hệ thống, đáng chê trách và ám ảnh cho người hâm mộ. Câu chuyện của bóng đá nữ nằm ở vế thứ nhất. Họ cần được cảm thông sau lỗi lầm để hướng đến điều tích cực.

Chuyện cầu thủ nữ đánh nhau cũng vỡ thêm ra nhiều thứ. Đó là bóng đá nữ thiếu sự quan tâm đến mức CĐV có thể nhảy vào sân đánh các cô gái. Lỗi này thuộc về những người có trách nhiệm khi để mọi thứ đi xa vì sự thiếu chu đáo ở khâu tổ chức. Văn hóa cổ vũ của khán giả thiếu chuẩn mực, sao có thể nhảy vào sân đánh cầu thủ nữ. Điều này đáng chê trách.

Tóm lại, câu chuyện không vui trên sân Thống Nhất có thể được nhìn theo hướng “vết mực trên tờ giấy trắng”. Xin đừng chăm chăm nhìn vào câu chuyện không vui để định kiến về bóng đá nữ. Các cô gái đá bóng chịu rất nhiều thiệt thòi nên xứng đáng được ủng hộ và cần có sự quan tâm nhiều hơn trong tương lai.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hé lộ điều đặc biệt về không gian hẹn hò của Michael Trương ở Đảo Thiên Đường